Chuyện cụ ông Sài Gòn mỗi ngày chạy xe 50km "bán" quần áo giá... 0 đồng

Văn Tiên, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 23/02/2020

Chẳng hiểu từ lúc nào, chú Tư Ẩn bỗng trở nên nổi tiếng khắp Sài Gòn không phải vì chú giàu có, giỏi giang. Chú Tư chỉ là một ông già mỗi ngày đi bán quần áo dạo, nghĩ cũng lạ hen!

Mấy bữa nay Sài Gòn nóng dữ thần, nắng như đổ lửa, như kiểu mỗi khi nhắc chuyện ra đường, ai cũng e ngại. 

11h trưa, tôi tạt ngang qua góc đường Tôn Thất Thuyết (quận 4), hiếu kỳ đứng lại bên chiếc xe ba gác chở đầy quần áo cũ, một người đàn ông lớn tuổi bước ra, giọng nói the thé: "Con đến lựa đồ hả, dựng xe đó ông coi cho, ở đây quần áo ông bán giá 0 đồng", rồi nở một nụ cười hiền hậu.

Chuyện cụ ông Sài Gòn mỗi ngày chạy xe 50km bán quần áo giá... 0 đồng - Ảnh 1.

7h30 sáng, người lao động tại khu vực phường 3, quận 4 lại thấy chiếc xe quần áo 0 đồng của chú Tư Ẩn dừng sát vỉa hè cho mọi người đến lựa.

Chưa kịp định thần lại vì tưởng mình nghe nhầm, một người phụ nữ lớn tuổi gần đó nhanh nhảu: "Quần áo chú Tư miễn phí đó, không có tốn tiền đâu con. Ổng để bán giá 0 đồng vì muốn mọi người không ngại, đứng chọn đồ thoải mái thôi".

Ông già bên xe quần áo có giá 0 đồng

Chú Tư Ẩn tên thật là Nguyễn Văn Tư, năm nay ngót nghét đã tròn 81 tuổi, hơn 3 năm nay, cái xe quần áo cũ giá 0 đồng đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của chú trên mọi nẻo đường ở Sài Gòn. 

Chuyện cụ ông Sài Gòn mỗi ngày chạy xe 50km bán quần áo giá... 0 đồng - Ảnh 2.

Ở cái tuổi xế chiều, thay vì ở nhà nghỉ ngơi vui đùa cùng con cháu, chú Tư chọn niềm vui từ chiếc xe quần áo cũ.

Đưa tay lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi hớp vội ngụm nước trà, chú Tư rít điếu thuốc khoan khoái nhìn về hướng chiếc xe quần áo cũ. Chẳng biết từ khi nào, chú coi nó là bạn tri kỉ, mà có lẽ quãng thời gian ít ỏi còn lại, thiếu nó chú chẳng sống nổi.

"Trước khi chú chạy xe máy chở đồ, mọi người thấy cồng kềnh quá nên mới mua đem xuống tận nhà cho chú chiếc xe ba gác này. Giờ ngày nào không đi với nó, chú lại thấy thiếu thiếu, không chịu được" - chú Tư Ẩn nói.

Nhà ở tận xã Long Thới, mỗi ngày chú Tư Ẩn phải chạy xe điện đi khoảng 50km dọc các con đường, khu đông công nhân, lao động nghèo từ huyện Nhà Bè đến quận 4, quận 7. Bất kể trời nắng hay mưa, hình ảnh một ông già lớn tuổi, cần mẫn mở gian hàng quần áo 0 đồng trên chiếc xe ba gác ra rao bán rồi cẩn thận che chắn đã trở nên quen thuộc với người dân.

Suốt hơn 3 năm qua, chú Tư chẳng nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con đường, bán bao nhiêu bộ quần áo giá 0 đồng cho người lao động nghèo.

Lúc đầu, có nhiều người thấy chú Tư Ẩn già cả, nghĩ bán quần áo cũ kiếm lời nên không dám đến lựa đồ. Giọng chú Tư lại không nói rõ, phải dùng máy phụ trợ giọng đặt ngay cổ họng nên ai cũng e ngại. Chú Tư bèn làm cái bảng ghi rõ ràng giá bán quần áo "0 đồng" để mọi người được an tâm.

Chuyện cụ ông Sài Gòn mỗi ngày chạy xe 50km bán quần áo giá... 0 đồng - Ảnh 4.

Nhận được sự sẻ chia của mọi người với công việc mà mình đang làm, chú Tư cảm thấy rất ấm lòng.

"Có nhiều người dù rất muốn đến lựa quần áo nhưng sợ bị nói là đi xin đồ miễn phí nên ngại, chú để bảng bán quần áo giá 0 đồng chứ không phải miễn phí là vì muốn tôn trọng người nhận. Và cũng để họ tự nhiên đứng chọn cái quần, cái áo ưng ý được lâu hơn" - chú Tư Ẩn vui vẻ nói.

Sau khi bán quần áo vào buổi sáng ở quận 4, chú Tư cẩn thận che chắn để khỏi bụi bặm rồi di chuyển về nhà ở xã Long Thới (Nhà Bè)

Gần trưa, cảm thấy đã ế khách, chú Tư Ẩn loay hoay cột lại cái xe quần áo cũ rồi phủ tấm nylon lên trên một cách cẩn thận, chạy xe ra về. Trên đường về nhà, chú Tư ghé quán hủ tiếu nhỏ trong hẻm Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, Nhà Bè), nơi bà Lê Thị Bé (66 tuổi, vợ chú Tư) phụ bán cho người con gái.

Công việc nhận lương bằng những nụ cười 

Dù lớn hơn bà Bé tận 15 tuổi nhưng lúc nào chú Tư cũng nhường nhịn, yêu thương vợ con. Biết chồng vất vả đi bán quần áo, mỗi lần ghé ngang, bà Bé lại chuẩn bị sẵn cơm nước, đồ ăn để chú Tư mang về nhà.

Chuyện cụ ông Sài Gòn mỗi ngày chạy xe 50km bán quần áo giá... 0 đồng - Ảnh 6.

Chú Tư cho biết quê gốc của chú ở Trà Vinh nhưng từ năm 3 tuổi đã theo bố mẹ lên Sài Gòn rồi lập nghiệp, lấy vợ sinh con.

Ở với nhau hết nửa đời người, có 6 người con nhưng cả 2 vợ chồng chú Tư đều không muốn phiền hà con cháu. Mỗi ngày, chú Tư chạy xe điện đi bán quần áo 0 đồng, bà Bé ở nhà nội trợ rồi ra quán phụ con gái, tối đến cả 2 vợ chồng về nhà lại tất bật soạn lại đống quần áo cũ được người ta cho rồi giặt sạch sẽ, phân lại từng loại.

Dẫu cho công việc có vất vả, lại không kiếm ra tiền nhưng với chú Tư Ẩn, niềm vui mà mỗi ngày chú có được còn đáng giá hơn rất nhiều. Nhất là khi thấy cô chú công nhân, bà con trong xóm trọ nghèo hay những đứa trẻ nhỏ được có thêm một bộ quần áo để mặc, là cái xuýt xoa khi ướm lên người bộ quần áo "cũ người - mới ta" mà chú Tư mang đến.

Ngoài chiếc xe ba gác điện chở đầy quần áo đi khắp mọi nẻo đường ở Sài Gòn, chú Tư còn có sạp quần áo ngay trước nhà của mình tại hẻm 126 đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè).

"Hồi xưa khổ lắm, chú cũng không có quần áo lành lặn để mặc, toàn quần áo đi xin chắp vá mặc qua ngày. Giờ đời sống kinh tế phát triển nhưng cũng còn nhiều người thiếu ăn, thiếu mặc. 4 năm trước chú tình cờ thấy mấy đứa trẻ mặc quần áo cũ kĩ, mặt mũi lấm lem mới nảy ra ý định làm chuyến xe bán quần áo giá 0 đồng như hiện tại" - chú Tư cười hiền hậu rồi nói tiếp.

Chuyện cụ ông Sài Gòn mỗi ngày chạy xe 50km bán quần áo giá... 0 đồng - Ảnh 8.

Tai nạn bất ngờ 15 năm trước khiến chú Tư phải cắt thanh quản, giờ mỗi lần nói chuyện phải dùng máy phụ trợ giọng nói.

"Lúc đầu, 2 vợ chồng chú dùng số tiền tiết kiệm để mua quần áo cũ rồi đem bán giá 0 đồng, dần dần mọi người biết được nên cứ gom quần áo không dùng lại điện thoại rồi đem đến tận nhà cho chú. Có đợt nhiều đến nỗi mà chú phải chuyển về các tỉnh miền Tây để phát bớt cho bà con nghèo".

Bên cạnh niềm vui khi hơn 3 năm qua, gian hàng quần áo 0 đồng của chú Tư đã giúp đỡ cho hàng ngàn gia đình có thêm được bộ quần áo mới thì vẫn còn đó những câu chuyện khiến chú Tư buồn lòng.

Dù công việc vất vả, tuổi lại cao nhưng chú Tư chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi, tâm nguyện lớn nhất của chú là được theo nghề bán quần áo 0 đồng đến khi sức cùng lực kiệt.

Tai nạn bất ngờ khoảng 15 năm trước khiến chú Tư Ẩn phải cắt đi thanh quản, mất đi giọng nói. Để có thể giao tiếp với mọi người, chú phải sử dụng một chiếc máy phụ trợ giọng đặt ngay cổ họng. Dù vậy, giọng nói của chú vẫn còn khó nghe, âm thanh phát ra lại nhỏ.

"Có lần một cô gái chạy xe đến lựa đồ, chú chưa kịp trả lời thì bị quát lại: Ông có bị câm không? Nghĩ cũng buồn mà thôi kệ, cuộc sống có người này người kia, mỗi người mỗi tính, sao mình quản hết được" - chú Tư Ẩn tâm sự.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, chú Tư vẫn miệt mài làm cái việc mà theo chú được ông trời trả lương hậu hĩnh nhất. Mỗi bộ quần áo vơi đi trên chiếc xe là để lại thêm một nụ cười. Hay cái nắm tay thật chặt của một cô ve chai lớn tuổi, rưng rưng cảm ơn chú Tư khi có thêm vài bộ đồ cho cả gia đình mặc ấm. 

Chiếc xe ba gác điện trở thành người bạn đồng hành của chú Tư, mỗi ngày cùng chú vượt cả 50km đường Sài Gòn để mang những bộ quần áo "cũ người mới ta" đến với bà con nghèo.

Tất cả những điều nho nhỏ, bình dị ấy không chỉ giúp chú Tư mà còn khiến những người đến cho - nhận đồ cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Chiếc xe điện chở quần áo của chú Tư vơi rồi lại đầy mà chẳng bao giờ sợ thiếu, cứ thế theo chú rong ruổi khắp mọi nẻo đường Sài Gòn. 

Có thể một năm, hai năm hay thậm chí vài ba tháng nữa, chú Tư Ẩn phải gác lại công việc bán quần áo 0 đồng của mình khi sức khỏe không còn cho phép. Nhưng với mọi người, cái ông cụ già già, mắt nheo nheo, giọng nói the thé vẫn còn mãi trong trí nhớ khi nhắc đến một Sài Gòn hào hiệp, nghĩa tình!