Một chiều giữa tháng 8, chúng tôi tìm về một dãy trọ nhỏ ở khu Long Biên (Hà Nội) để gặp gỡ bà Đặng Thị Bình (SN 1955, Văn Lâm, Hưng Yên), nghe bà kể về câu chuyện cứ ngỡ như cổ tích giữa đời thường, về 14 năm bà nuôi con thay chủ cũ.
Khi chúng tôi vừa đến cũng là lúc bà Bình vừa từ quê lên, dáng người nhỏ nhắn, nở nụ cười hiền hậu, bà nhanh nhẹn đón tiếp và mời chúng tôi vào căn phòng trọ nhỏ.
Bà kể, vào năm 2002 bà cùng con gái lên Hà Nội thuê trọ tại khu vực Long Biên. Hàng ngày để kiếm thêm thu nhập, bà nhận trông trẻ thuê cho những gia đình xung quanh. Khi đó, có người đã đưa con nhỏ đến gửi bà trông hộ.
Người phụ nữ 14 năm nuôi con thay chủ nhà. Thực hiện: Ngọc Thắng.
Ngày 8/1/2004, có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời bà, lúc ấy mẹ của bé Hoàng Huyền Thương (khi ấy mới được 5 tháng tuổi) đưa con sang gửi bà trông với số tiền 1 triệu đồng/ tháng.
"Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đó đưa cháu Thương sang, chị ấy lấy lý do là bận đi làm với chuẩn bị đi chữa bệnh, không có thời gian trông con nên mới đem đi gửi. Lúc đó, bản thân tôi ai đến gửi con thì tôi trông luôn, không từ chối, và thế là tôi cũng nhận cháu Thương về chăm sóc", bà Bình nhớ lại.
Bà Bình kể lại câu chuyện nuôi cháu Thương suốt 14 năm.
Bà nhớ lại, thời điểm đó, do cháu Thương mới được 5 tháng tuổi nên vẫn còn khát sữa, cháu đòi bú liên tục nên công việc chăm cháu rất vất vả. Người mẹ gửi con cho bà Bình cứ cách 2 đến 3 ngày lại ghé thăm con một lần nên bà Bình rất yên tâm.
Thế rồi, chuyện xảy ra khi tháng 5/2005, lúc này bé Huyền Thương được hơn 1 tuổi thì người này bỏ đi, tắt liên lạc và cho đến nay không hề có bất cứ tin tức gì.
Ngôi nhà trọ nhỏ nơi bà Bình nuôi Thương suốt 14 năm.
Lo lắng, bà Bình đã đến khu trọ người phụ nữ này ở nhưng chủ nhà thông báo họ đã rời đi từ lâu. Từ đó đến nay, tròn 14 năm bà Bình một mình nuôi nấng, chăm sóc cho Thương như mẹ ruột.
"Thời gian trôi nhanh quá, vụ việc đến giờ đã 14 năm, tôi không nghĩ mình có thể làm được việc này, cho đến giờ nếu chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nuôi cháu như tôi đã làm", bà Bình xúc động.
Quãng thời 14 năm đã qua, bà Bình gặp không ít những vất vả, cực nhọc để nuôi Thương nên người. Chồng bà mất sớm, cuộc sống ở quê quá khó khăn, bà đã quyết định lên Hà Nội kiếm sống. Khi bữa ăn cho bản thân và con cái mình chưa xong, việc nhận nuôi thêm Thương là việc làm rất khó với bà.
Thế mà, bà không một chút đắn đo, suy nghĩ, không đem Thương đi gửi ở nhà trẻ mà bà quyết định nuôi Thương khôn lớn.
Những tấm hình của Thương hồi nhỏ vẫn được bà Bình lưu giữ cẩn thận.
Thời gian đầu, bà vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm lại được người mẹ cho đứa cháu tội nghiệp. Bất kể ở đâu có tin tức mọi người thông báo, bà lại tìm đến tận nơi hỏi thăm tình hình nhưng không có kết quả.
Để nuôi Thương khôn lớn, hàng ngày bà Bình nhận trông thêm 2-3 đứa trẻ quanh xóm. Thương hoàn cảnh của bà, nhiều người xung quanh cũng thường xuyên ủng hộ khi thì hộp sữa, lúc bộ quần áo.
Bà Bình rơi nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian đầu chăm sóc cháu Thương.
"Thời gian đầu nuôi Thương, nhiều người thấy tôi vất vả, cực khổ, kinh tế chẳng có gì nên bảo tôi cho cháu vào trung tâm xã hội nhưng vì tình thương dành cho cháu nên tôi không nỡ làm vậy. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn nhất của hai bà cháu.
Không có tiền mua sữa bột, tôi mua sữa ông Thọ pha ra cho cháu uống, cuối tháng nhận được tiền trông trẻ tôi dành dụm mua cho cháu vài hộp sữa tươi để thay đổi. Khổ nhất là đến thời kỳ con ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng chỉ dám mua vài lạng cho con ăn, còn mình mua bì lợn về lọc lấy mỡ nấu canh.
Rồi có lần, Thương mới học lớp 3, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp cháu cũng trốn nhà ra làm. Đến khi tay sưng rộp, rớm máu, tôi giận lắm nhưng không dám đánh, hai bà cháu cứ ôm nhau khóc.
May mắn cháu đều khỏe mạnh, vui vẻ cho đến bây giờ. Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi lại thấy trào nước mắt vì thương cháu quá, nếu bà không nghèo cháu cũng đỡ vất vả hơn", bà Bình nói trong nước mắt.
Cú sốc lớn khiến Thương khóc rất nhiều ngày, khép kín, trầm tính và ít nói hơn nhưng cũng chưa bao giờ hỏi về mẹ. Thương cháu, bà đến lớp nhờ cô giáo cho Thương vào đội múa của trường, từ đó, Thương sống hòa đồng hơn và không còn nhắc đến chuyện này.
Đến bây giờ, bà Bình không còn nghĩ đến việc tìm lại mẹ ruột cho Thương, và Thương cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Chuyện cổ tích giữa đời thường của bà Bình thấm thoát cũng 14 năm, giờ đây sức khỏe đã giảm đi, Thương cũng đã lớn khôn.
Mong muốn lớn nhất của bà Bình là có thêm sức khỏe để nuôi Thương khôn lớn.
Sâu thẳm trong trái tim bà Bình, bà cầu mong có thêm sức khỏe để tiếp tục nuôi nấng Thương nên người, được chứng kiến Thương học xong đại học, có việc làm, lập gia đình ổn định cuộc sống.
Về phía Thương, giờ cô bé ngày xưa cũng đã lớn khôn, năm nay em bước vào những năm học cấp ba. Em chia sẻ, ước mơ sau này lớn lên muốn làm nghề giáo viên và mở thêm một tiệm bánh ngọt để có tiền phụng dưỡng, chăm sóc bà khi về già.
Là người sống cùng trọ với bà Bình gần 10 năm qua, chứng kiến cảnh bà một mình vất vả nuôi Thương khôn lớn bà Phạm Thị Gạo (SN 1950) chia sẻ, "việc làm của bà Bình rất nhân văn và cao cả. Thật sự trong hoàn cảnh ấy rất ít người làm được như bà Bình đã làm trong suốt 14 năm qua".