Chuyện chưa biết về bài hát phổ biến nhất thế giới Đêm giao thừa

THÙY DƯƠNG, Theo BÁO TIN TỨC 22:53 31/12/2018
Chia sẻ

Đó không phải là Happy New Year mà là Auld Lang Syne - một giai điệu dân ca Scotland. Bài hát này là giai điệu truyền thống, nổi tiếng và được hát tại nhiều quốc gia vào đêm giao thừa.

Auld Lang Syne

Bản gốc của bài hát đã được một nhà thơ Scotland tên là Robert Burns gửi cho một người bạn là bà Agnes Dunlop. Ông nói rằng: “Bài hát này có nhiều ý nghĩa hơn nửa tá bài hát lễ hội tiếng Anh hiện đại cộng lại”.

Chuyện chưa biết về bài hát phổ biến nhất thế giới Đêm giao thừa - Ảnh 1.

Auld Lang Syne là ca khúc dân ca nổi tiếng của Scotland.

Năm năm sau, ông gửi bài hát cho James Johnson, người đang biên tập một cuốn sách về các bài hát cổ Scotland mang tên “Bảo tàng Âm nhạc Scotland”. Ông nói thêm: “Bài hát sau đây, một bài hát cổ thuộc thời xưa cũ và chưa từng được in trước đây, chưa từng có trong một bản thảo cho tới khi tôi chép lại lời từ một cụ già”.

Ngày nay, chúng ta coi bài hát này là của tác giả Robert Burns sáng tác năm 1788 nhưng thực ra đó không phải là do ông sáng tác, mà chỉ chép lại lời như đã nói ở trên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phần sau bài hát là do Robert Burns sáng tác.

Auld Lang Syne nói về việc duy trì những mối quan hệ cũ và nhìn lại những sự kiện đã diễn ra trong năm qua. Bài hát gợi cho ta cảm giác bằng hữu thân thiết và một chút hoài cổ.

Người góp phần khiến bài hát nổi tiếng là thủ lĩnh một ban nhạc người Mỹ gốc Canada tên là Guy Lombardo. Bài hát qua giọng ca của Lombardo được bật vào đêm giao thừa hàng năm ở Quảng trường Thời đại, New York, nơi hàng nghìn người tập trung vào ngày 31/12 hàng năm để "tống cựu nghênh tân".

Nghe ca khúc Auld Lang Syne qua giọng ca Lombardo năm 1947 (nguồn: YouTube):

Bài hát thường được sử dụng để nói lời tạm biệt với năm cũ vào thời điểm giao thừa. Tiêu đề tiếng Scotland của bài thơ có thể được dịch sang tiếng Anh chuẩn là “old long since” hay “the good old days (những ngày tươi đẹp đã qua). Cụm từ “Auld Lang Syne” cũng được sử dụng trong các bài thơ tương tự của nhiều nhà thơ trước thời Robert Burns.

Chuyện chưa biết về bài hát phổ biến nhất thế giới Đêm giao thừa - Ảnh 2.

Nắm tay nhau và hát Auld Lang Syne.

Hát bài hát này vào đêm giao thừa đã nhanh chóng trở thành một phong tục của người Scotland. Mọi người nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn lớn và hát bài hát. Khi tới câu đầu tiên của khổ cuối, mọi người bắt chéo tay lên ngực để tay phải nắm vào tay trái người bên cạnh và ngược lại. Khi giai điệu bài hát kết thúc, mọi người sẽ ào vào giữa vòng tròn mà vẫn nắm tay nhau. Khi vòng tròn được thiết lập lại, mọi người luồn xuống dưới cánh tay và quay ngược lại, hướng mặt ra ngoài trong khi vẫn nắm tay nhau.

Không chỉ phổ biến ở Scotland, bài hát Auld Lang Syne chẳng mấy chốc nổi tiếng trong các khu vực khác của Vương quốc Anh. Khi người Scotland di cư khắp thế giới, họ mang theo bài hát này và giới thiệu khắp nơi. Ở các khu vực khác, người ta đặt chéo tay lên ngực ngay từ đầu bài hát. Thế nên, năm 2000, khi Nữ hoàng Anh “quên” bắt chéo tay trước khi nắm tay hai người bên cạnh, bà đã làm theo phong tục của người Scotland.

Chuyện chưa biết về bài hát phổ biến nhất thế giới Đêm giao thừa - Ảnh 3.

Nữ hoàng Anh (trái) nắm tay "sai điệu" khi hát Auld Lang Syne. Ảnh: AP

Ngoài ra, bài hát còn được hát trong các lễ tang, lễ tốt nghiệp hoặc được hát để nói lời chia tay hay chấm dứt một sự kiện nào đó hoặc mở màn một sự kiện.

Sự nổi tiếng toàn cầu và tầm quan trọng đặc biệt của bài Auld Lang Syne được thể hiện trong sự kiện đình chiến vào dịp Giáng sinh đầu Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tiếng súng ngừng vang, binh sĩ hai bên rời chiến hào để trao nhau quà lưu niệm và ca hát.

Auld Lang Syne đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất hiện ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Á khác. Theo Wikipedia, cùng điệu nhạc này, người Việt hát theo lời sau đây vào những lúc kết thúc buổi sinh hoạt tập thể như trại hè: “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến/Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau”.

Ở Ấn Độ và Bangladesh, giai điệu là nguồn cảm hứng trực tiếp cho bài dân ca nổi tiếng Bengali của nhà thơ Tagore.

Ở Đan Mạch, bài hát được nhà thơ nổi tiếng Jeppe Aakjer dịch năm 1927. Ban nhạc rock Đan Mạch Gasolin đã hiện đại hóa giai điệu năm 1974 với ca khúc pop ballad Stakkels Jim.

Ở Hà Lan, giai điệu phổ biến dưới dạng bài hát cổ vũ bóng đá “Wij houden van Oranje” (Chúng tôi yêu Da cam).

Ở Thái Lan, bài hát Samakkhi Chumnum có cùng giai điệu với lời bài hát nói về Nhà vua và đoàn kết dân tộc. Nhiều người Thái không hay biết về nguồn gốc phương Tây của bài hát.

Tại Hàn Quốc, bài quốc ca Aegukga được phổ nhạc dựa trên nền nhạc của Auld Lang Syne. Vào ngày lễ quốc khánh đầu tiên của Hàn Quốc, ngày 15/8/1948, bài hát chính thức được công nhận làm quốc ca Hàn Quốc, với giai điệu mới do Ahn Eak-tae sáng tác.

Tương lai của ca khúc

Dù bài hát vẫn phổ biến ở Scotland, trong đó Glasgow là nơi bài hát này được hát nhiều nhất nhưng bài hát dường như không còn hấp dẫn như xưa, nhất là với giới trẻ. Theo nghiên cứu mới, giai điệu Scotland này không còn là bản hit với người nghe trẻ tuổi và thế hệ tiếp theo có thể sẽ lãng quên bài hát.

Xem clip ca sĩ Mariah Carey biểu diễn bài Auld Lang Syne (nguồn: YouTube):

Còn ở những nơi khác, tờ The Guardian cho rằng Auld Lang Syne có nguy cơ bị lãng quên dần khi mà thế hệ Millennial (sinh từ năm 1980 đến 1998) không đón năm mới theo cách truyền thống.

Theo dịch vụ âm nhạc Deezer, vào lúc 23 giờ 55 giao thừa năm 2017 và vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 1/1/2018, Auld Lang Syne là ca khúc được bật nhiều nhất. Tuy nhiên, dịch vụ này dự báo số lần ca khúc này được bật sẽ ít hơn vào giao thừa 2018.

Năm 2017, người nghe ở độ tuổi 18 đến 25 chỉ chiếm 5% trong số những người nghe bài hát này vào năm mới, cho thấy bài hát không còn nổi tiếng với người trẻ. Trái lại, hơn một nửa người nghe bài hát là thính giả tuổi trên 45, cho thấy người Anh thế hệ cao tuổi hơn vẫn chọn duy trì truyền thống.

Tương lai của bài hát được thể hiện qua con số 42% người thế hệ Millenial không biết một từ trong lời bài hát. Với người dân nói chung, chỉ 3% người dân Vương quốc Anh thuộc toàn bộ lời, còn phần lớn chỉ có thể lẩm nhẩm theo giai điệu và vài dòng đầu tiên.

https://baotintuc.vn/ho-so/chuyen-chua-biet-ve-bai-hat-pho-bien-nhat-the-gioi-dem-giao-thua-20181231120706287.htm

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày