Utopia là thuật ngữ dùng để chỉ một cộng đồng (hoặc xã hội) hoàn hảo về mọi mặt. Trong đó, tất cả mọi người đều bình đẳng, hòa thuận, sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng phát triển, chia sẻ sự giàu sang và tận hưởng hạnh phúc.
Utopia: Thế giới "của chung" lý tưởng
Ivrea là một thị trấn và vùng đô thị thuộc Thành phố Turino, Italia. Hiện tại, nó khá tẻ nhạt, chỉ vỏn vẹn hơn 20.000 dân cư, nhưng vào cuối thế kỷ XX thì hoàn toàn khác, đông đúc đến lạ kỳ. Đặc biệt, xã hội của Ivrea khi đó đã được ví với "thế giới không tưởng" - Utopia.
Thành phố Di sản Thế giới Ivrea
Utopia là một từ Hy Lạp, có nghĩa là "không tồn tại ở đâu cả". Nó xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm hư cấu của nhà văn Anh Thomas More (1478-1535), là tên của một hòn đảo. Ở đó, mọi người chung sống bình đẳng, không tư hữu, không phân chia giàu nghèo, tất cả cùng chung tay lao động và cùng hưởng hạnh phúc.
Thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước vào thời kỳ đỉnh cao. Đâu đâu cũng tư hữu hóa, kẻ giàu áp bức, bóc lột người nghèo. Các công ty khai thác, sản xuất tàn nhẫn tìm mọi cách vắt kiệt sức nhân công, cắt giảm tiền lương, đẩy họ vào hoàn cảnh bắt buộc phải lệ thuộc vào nhà máy.
Quá khốn khổ vì tư bản, người lao động ước ao được giải thoát, chạy trốn vào Utopia trong mơ. Ý tưởng hiện thực hóa Utopia nổi lên, ngày càng lôi cuốn nhiều kỳ vọng.
Utopia-Ivrea: Cuộc sống trong mơ có thực
Cuối Thế kỷ XX, tại Ý xuất hiện một Utopia đời thực. Đó là thị trấn công nghiệp Ivrea với "hạt nhân" là công ty sản xuất máy đánh chữ Olivetti.
Bước vào Ivrea trong khoảng thời gian này, bạn sẽ phải ngỡ ngàng tột độ. Không chỉ siêu giàu có, Ivrea còn siêu thoải mái và tiện nghi. Mọi công nhân đều có nhà riêng để ở. Mỗi bữa trưa trong căng tin, tất cả vừa thoải mái thưởng thức món ngon, vừa nghe diễn thuyết, ngâm ngợi, xem biểu diễn từ các diễn giả, thi nhân, ca sĩ…
Adriano Olivetti, "ông chủ" tuyệt vời nhất mọi thời đại
Olivetti được xây dựng bởi kỹ sư điện Camillo Olivetti (1868-1943) vào năm 1908. Năm 1933, Camillo chuyển giao quyền quản lý cho con trai là Adriano Olivetti (1901-1960).
Đương thời, Adriano nổi tiếng là nhà tư tưởng tiến bộ. Ông quan niệm, người lao động mới là nòng cốt của xã hội, cần được quan tâm nhất. Trên tất cả, vị giám đốc mới này không hề "lý thuyết suông" mà thật sự bắt tay vào hiện thực hóa lý tưởng, biến công ty Olivetti thành Utopia.
Đầu tiên, Adriano đặt sự chú ý vào nơi ăn chốn ở cho tập thể người làm. Ông thuê hẳn kiến trúc sư hàng đầu của Italia, thiết kế các căn hộ từ 4 tầng trở xuống. Khu phố mới dành riêng cho công nhân mọc lên, bên trong là những ngôi nhà khang trang, sáng sủa, có sân vườn xanh tươi, thoáng mát.
Olivetti và công nhân Olivetti thời hoàng kim
Kế đến, Adriano muốn các công nhân được thư giãn trong lúc đang làm việc. Tất cả các nhà máy của công ty đều được lắp tường kính. Người bên trong có thể nhìn ra ngoài, ngắm cảnh núi non, thung lũng… Còn người bên ngoài có thể nhìn vào bên trong, thấy toàn bộ hoạt động đang diễn ra.
Ông cho xây dựng nhà ăn, sân chơi, phòng chiếu phim, thư viện, nơi nghỉ ngơi, trò chuyện… Adriano còn quan tâm luôn người nhà của nhân viên. Ông thành lập một mạng lưới dịch vụ chăm sóc chu đáo, bao gồm từ trường mẫu giáo đến bệnh viện, nơi an dưỡng dành cho người hưu trí…
Nhân công nữ giới được nghỉ thai sản tận 10 tháng. Khi quay trở lại làm việc, họ chỉ việc gửi con miễn phí tại phòng giữ trẻ của công ty.
Nỗ lực nhân rộng mô hình Utopia-Ivrea
Nhờ Adriano và Olivetti, Ivrea lột xác. Từ một thị trấn nhỏ, thoắt cái nó biến thành trung tâm sản xuất lớn nhất Italia, thu hút các kỹ sư, nhà thiết kế, người lao động từ khắp đất nước. Trong vòng 30 năm, dân số thị trấn tăng gấp đôi, từ 15.000 người (năm 1930) lên 30.000 người (năm 1960).
Rất nhanh, thành phố trở thành tấm gương cho các dự án đô thị mới. Nó nổi danh mang đến "sự hài hòa giữa đời sống riêng tư và công cộng, công việc và gia đình". Mọi công nhân viên trong công ty Olivetti đều được hưởng sự đãi ngộ tốt nhất. Dù là trong lúc đang làm việc hay nghỉ ngơi, ai nấy đều hạnh phúc nở nụ cười.
Bên cạnh việc nỗ lực xây dựng như "nhà chung của mọi người", Adriano còn tham gia chính trường. Ông khao khát đem mô hình Utopia-Ivrea áp dụng khắp nước Ý.
Adriano thuê hẳn kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế nhà ở cho công nhân Olivetti
Để bắt đầu, Adriano đứng ra thành lập một đảng phái mới: Phong trào Cộng đồng (Movimento Comunità, 1946). Mỗi cộng đồng là một nhóm tự trị nhỏ thịnh vượng giống như Utopia-Ivrea. Tập hợp các cộng đồng tạo nên liên đoàn đô thị tự trị. Còn tập hợp các liên đoàn đô thị tự trị hình thành nên nhà nước.
Suốt cuộc đời, Adriano đấu tranh vì lý tưởng "nhà nước Utopia". Năm 1956, ông được bầu làm thị trưởng Ivrea. Năm 1958, Adriano bước chân vào quốc hội, ngày càng nỗ lực thuyết phục chính phủ Italia "Utopia hóa" cả nước.
Sự sụp đổ đáng tiếc
Năm 1960, Adriano lại qua đời. Mất "đầu tàu dẫn dắt", giấc mơ "Utopia hóa Ý" khép lại. Nền chính trị Italia không nhắc đến nó thêm lần nào nữa, cho tới tận 30 năm sau, khi được Northern League (Liên Minh Phương Bắc) đem ra cải cách.
Mặc dù không còn Adriano, Olivetti vẫn tiếp tục lớn mạnh. Sang thập niên 1970, lượng nhân công trong nhà máy đạt mức đỉnh điểm, lên đến 73.283 người. Để phục vụ họ, khu nhà mới Tal Talononia chào đời. Kế tiếp là khu phức hợp La Serra, một trung tâm văn hóa khổng lồ, có đủ khán phòng, rạp chiếu phim, nhà hàng và khách sạn.
"Tàn tích" Olivetti trong Ivrea
Nhìn vào Utopia-Ivrea, ai nấy đều ngưỡng mộ. Không có công nhân ở bất cứ công ty nào được trả lương cao và đãi ngộ tốt hơn tại Olivetti.
Thế nhưng sang thập niên 1990, Olivetti bắt đầu vấp phải khó khăn. Trên khắp thế giới, các nhà cung cấp linh kiện mới, giá rẻ lũ lượt xuất hiện. Olivetti rơi vào tình cảnh cạnh tranh và từ từ bị xé lẻ. Các chi nhánh lần lượt bị bán đi. Đến năm 2008, nó thật sự sụp đổ, bị sáp nhập và Tập đoàn Viễn thông Italia (Telecom Italia).
Không còn công ăn việc làm, hàng ngàn người buộc phải cuốn gói. Những công trình được xây lên để phục vụ họ bị bỏ hoang. Ivrea đánh mất thời hoàng kim, trở về là thị trấn nhỏ, thưa thớt người qua lại.
Năm 2018, UNESCO tuyên bố xếp Ivrea vào danh sách Di sản Thế giới. Có điều, cái tiếng "thành phố di sản" dường như chỉ làm tăng thêm nỗi nuối tiếc, chứ chẳng chút ảnh hưởng tích cực nào nữa.
Thao khảo: Nytimes