Tưởng chừng tình trạng hôi của trong tai nạn đã chấm dứt, nhưng mới đây, hình ảnh anh phụ xe to khỏe bất lực ngồi khóc trong khi người dân hì hục vơ vét vài chai sữa tắm, dầu rửa chén... vẫn làm người ta phẫn nộ.
Tôi cố gắng gạt bỏ hình ảnh đó trong vài ba ngày. Tôi muốn giữ cho mình không ngộ độc vì những căm ghét và cái ác.
Nhưng tôi vẫn không thể thoát khỏi nó hoàn toàn.
Trong khi đó, tôi làm những việc hàng ngày: tìm những câu chuyện có thật, mang lại sự cổ vũ, khích lệ và kể nó.
Gương mặt bất lực ứa nước mắt của người phụ xe.
Hôm nọ, tôi kể chuyện Nguyễn Ngọc Duy, một chàng trai mới 27 tuổi đã mang căn bệnh suy thận nặng, từ bảy năm nay đều đặn tuần chạy thận hai lần để duy trì mạng sống. Có một thời gian bị mù hẳn do cơn bệnh, cũng trong năm đó cha và em trai bị tai nạn, mẹ phải về Đắk Lắk để chăm, mình Duy ở lại Sài Gòn với bạn bè. Vẫn lên lớp học, ghi âm bài giảng để học và thay vì thi viết thì thi vấn đáp, Duy không từ bỏ, không rã rời. Bệnh là việc của nó, Duy có việc của Duy.
Em hoàn tất bậc thạc sĩ, đôi mắt sáng trở lại, các cơn bệnh khác dần nguôi. Rồi nhiều năm nay, tuy không thể xa Sài Gòn quá ba ngày vì lịch chạy thận, nhưng Duy chẳng khi nào chịu ở yên Sài Gòn. Em đi khắp nơi để dạy về tâm lý giáo dục, có nhiều buổi trong đó là dạy miễn phí.
Tuần trước, chúng tôi đi cùng nhau trong một chuyến công tác tại Đắk Lắk. Đi thăm các gia đình có trẻ bị xâm hại tình dục, trao cho họ một cơ hội đưa con em mình đến môi trường an lành, được nuôi nấng và đi học. Duy đi được hai ngày rưỡi, đến trưa hôm thứ ba thì phải tách đoàn về trước vì đã bỏ qua một đợt chạy thận. Tối ấy em qua phòng tôi, hai chị em cùng xoa bóp hai cái chân căng cứng của em. Em không ngủ được. Toàn thân căng nhức, mắt thì sưng vì tích nước trong người, dù cả ngày chỉ dám uống rất ít nước. "Ực một hơi hết ly trà đá là mơ ước của những người chạy thận như em đó chị", em nói.
Câu chuyện ấy tôi kể trên facebook. Ngay lập tức có những người tôi chưa từng quen biết dù là ở trên mạng xã hội vào comment chia sẻ cho Duy vài cách giữ gìn cơ thể khỏe mạnh. Hai hôm sau, một tin nhắn từ người bạn trên facebook xin số điện thoại của Duy để có thể tặng Duy một số thuốc. Con đường của nó cũng thật ngộ nghĩnh. Người bạn này đọc status của tôi, like nó, anh bạn của cô ấy (đang ở nước ngoài) thấy thế bèn vào xem. Xem rồi, nghĩ rằng nhân tiện mình đang mang thuốc đặc trị cho người thân ở Việt Nam thì mang cho Duy luôn.
Khi tôi viết những dòng này thì Duy đang nằm ở bệnh viện chạy thận, nhưng đêm nay, bên em có thêm hai người bạn.
Họ hoàn toàn là những người xa lạ, chưa hề biết nhau cho đến tận một giây trước đó. Điều gì đã khiến họ dễ dàng làm những điều đầy tình người đó cho nhau?
Trên không gian mạng, tôi có may mắn được gặp những người bạn chưa biết mặt mà xem nhau như chí cốt.
Một người bạn rủ nhau lên Trại phong Bến Sắn thăm những người bệnh phong già và cô đơn, hầu hết đã bị gia đình bỏ rơi từ hàng chục năm nay. Vậy là tụ nhau lại và đi, đến ôm từng người, cắt móng tay cho từng người. Trao đi và nhận về lòng yêu thương từ những hành vi rất nhỏ, mà hai bên đều dào dạt thương yêu trong lòng.
Tôi thấy người ta chia sẻ câu chuyện về anh chủ quán cơm sườn xăm trổ tứ tung, bụng phệ quần lửng gần tụt khỏi mông, quát không cho khách uống nước ngọt vì theo ảnh là có hại, mà phải uống trà đá miễn phí. Khách muốn mua thêm dĩa cơm tặng bà cụ bán vé số, ảnh chỉ lấy 10.000 đồng (chưa đến nửa giá) và dặn người làm lựa xương cẩn thận khúc cá kho kẻo bà cụ bị hóc. Và, ảnh đòi xuống nhà lột da hai thằng con vì cái tội dám bỏ mẹ lang thang.
Tôi thấy một bịch rác chứa mảnh thủy tinh được bao kín trong giấy báo và ngoài ghi tờ giấy gửi cô lao công: "Cô ơi trong túi có miểng chai. Cô cẩn thận".
Những hành động nhỏ trong cuộc sống cũng đủ khiến mỗi chúng ta thấy cuộc đời này không hề và chẳng bao giờ toàn là chuyện xấu xa.
Tôi thấy những anh chị bác sĩ chạy đến chương trình ca nhạc "Dĩa cơm trên tường" hát một bài để tham gia gây quỹ cho bệnh nhân nghèo có bữa cơm ăn, rồi lật đật chạy về bệnh viện trực.
Tôi thấy những vị linh mục nghiêm khắc dùng các biện pháp tinh thần để bắt các em gái Xê Đăng đang được nuôi ăn học miễn phí không bỏ học giữa chừng để lấy chồng, mà phải hoàn tất cấp 3.
Tôi thấy những bà soeur vượt qua nỗi ngượng ngùng trinh tiết để học và dạy lại cho các em kiến thức về tình yêu, tình dục.
Tôi thấy một bà nội trợ hàng tuần đều đến sạp thịt quen, tự tay chọn loại thịt mềm và nạc để về kho biếu hai bà cụ nghèo neo đơn.
Tôi thấy một kỹ sư chỉnh hình ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) say mê với công việc tạo những chân tay giả thật đẹp và vừa vặn cho bệnh nhân với tâm hồn của một nghệ sĩ. Dù công việc của anh hầu như người ngoài ngành không ai hay biết.
Tôi thấy một người xuất bản sách miệt mài đi tìm và mang về cho cộng đồng những ấn bản tinh hoa, truyền bá những cách để mở thật rộng hơn cánh cửa nhìn ra thế giới văn minh.
Tôi thấy một người đàn ông suýt bị lòa nhưng vẫn miệt mài đi lập tủ sách cho trẻ em nông thôn, để một ngày kia tình yêu và kiến thức mở rộng con đường vào đời của các em.
Chương trình ca nhạc "Dĩa cơm trên tường" gây quỹ cho bệnh nhân nghèo
Tôi thấy một người đàn ông khác bật khóc trong thầm lặng vì hân hoan với những tiến bộ và thành tích của mình trong y học, nhưng oái oăm thay, điều đó thường chỉ xảy ra khi anh phải cứu những người bệnh cận kề cái chết. Anh xấu hổ vì sự hân hoan đó, và anh thốt ra trong cảm giác có lỗi với những người bệnh, trong vắt như một đứa trẻ: "Ước gì không ai bệnh nặng như thế thì có phải hay không".
Tôi thấy một kỹ sư công nghệ viết mỗi ngày hai status trên trang cá nhân để chia sẻ kiến thức về suy luận và thói quen tốt giúp người đọc bình tĩnh và thở sâu trước ô nhiễm mọi mặt.
Tôi thấy một bác sĩ miệt mài chia sẻ những kiến thức về y khoa thường thức giúp người đọc không bị những thông tin quy chụp vội vã làm mất ăn mất ngủ. Để đồng nghiệp của anh có thêm một chỗ dựa tinh thần.
Tôi thấy một họa sĩ chăm chút đến từng tờ thiệp ghi lời chúc mừng trên các lẵng hoa anh làm, để sự yêu thương và trân trọng làm đúng thiên chức của nó là không phân biệt giàu nghèo. Tôi thấy anh chôn những buồn đau của mình để kiên trì chuyển thông điệp "thương được cứ thương đi" đến với mọi người.
Tôi thấy những kỹ sư nông nghiệp thường xuyên chia sẻ kiến thức và cách hiểu đúng về thực phẩm bẩn/sạch, để an lòng người dùng, để làm trong trẻo một xã hội đang bị điên đảo với những thông tin sai lệch trục lợi.
Tôi thấy những đồng nghiệp tôi lao vào hiểm nguy để nhanh chóng đưa được thông tin chính xác nhất trong những tai nạn, để người nhà họ yên lòng. Tôi thấy những đồng nghiệp khác dũng cảm, kiên trì lan tỏa kiến thức và sự tử tế đến cộng đồng.
...
Làm sao tôi có thể nhìn thấy hết?
...
Cây táo vẫn nở hoa. Rãnh nước vẫn trong veo đến thế.
Cuộc đời này đâu phải hoàn toàn tệ.
Bác thợ mộc ơi bác nói sai rồi.
(Ý trong bài thơ Phố ta của nhà thơ Lưu Quang Vũ)
Những người hí hửng hôi của bên chiếc xe cháy trụi, chỉ vài chai dầu ăn, sữa tắm. Gương mặt bất lực ứa nước mắt của một người đàn ông phong trần. Và gương mặt bẽn lẽn khi xóm làng vận động người hôi của trả lại cho người lái xe số vật phẩm trên.
Những tàn ác, tham lam, ti tiện... cũng giống như rều rác trên bề mặt một con sông đang cuộn trào. Nhìn ngang, nó dày đặc lắm, tưởng chừng hung hãn lấp kín cả mặt sông. Nhưng nhìn sâu, dưới bề mặt đó là một khối nước khổng lồ gấp bội. Khối nước đó trong veo, cuồn cuộn và miệt mài lao đi, tưới đẫm và cho vẫy vùng.
Cuộc đời này có chuyện xấu xa, nhưng cuộc đời này không hề và chẳng bao giờ toàn là chuyện xấu xa. Khối nước kia mới thực là nguồn sức mạnh nguyên thủy và vĩnh hằng nuôi dưỡng sự sống, vẽ màu xanh lên bầu trời, nở ra những thảm hoa rực rỡ trong tâm hồn mỗi con người.
Và vì nó mãnh liệt nên nó không cần được kể về hay khoe ra. Vì nó trong vắt do được kết lại từ triệu triệu giọt nước trong vắt. Nên đôi khi ta mải nhìn bề mặt mà quên mất nó đấy, bác thợ mộc ơi.