Cao khảo được xem là kỳ thi quan trọng và khốc liệt bậc nhất ở Trung Quốc. Ngoài lý do số lượng thí sinh dự thi rất đông nên tỷ lệ chọi cao thì đây còn là kỳ thi mang tính quyết định tới số phận học sinh đất nước tỷ dân. Với điểm số tốt, sĩ tử sẽ thuận lợi được nhận vào ngôi trường hàng đầu - nơi chất lượng đầu vào luôn cao và ổn định, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp ở phía trước.
Dù vậy ở Trung Quốc, đây không hẳn là kỳ thi dành cho học sinh mà còn là cuộc chạy đua tìm kiếm và thu hút nhân tài ở các trường đại học. Các trường top đầu như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh cũng không nằm ngoài cuộc đua "đổ máu" này.
1. Cạnh tranh khốc liệt
Tháng 6 hàng năm, sau khi kỳ thi kết thúc và điểm số chuẩn bị được công bố, các trường đại học Trung Quốc nhanh chóng khởi động chương trình tuyển sinh và quay cuồng trong cuộc chiến giành giật thí sinh ưu tú.
Việc có các sinh viên điểm đầu vào cao sẽ nâng điểm sàn của trường lên, cũng như tăng độ uy tín và chất lượng đào tạo. Do đó, những "học bá" trở thành mục tiêu săn đuổi của các trường đại học, mà tiêu biểu nhất là màn "chiêu mộ nhân tài" của hai trường đại học top đầu của Trung Quốc là Thanh Hoa - Bắc Đại. Nhiều màn mời gọi của 2 ngôi trường này đã trở thành những "điển tích" trong giới sinh viên.
Theo đó, để có thể giành giật "nhân tài", họ "khủng bố" điện thoại các thí sinh điểm số thuộc top cao nhất trong kỳ thi hoặc phụ huynh các em, liên lạc với giáo viên trung học hay thậm chí là nhân viên hành chính mà các học bá theo học. Không ít trường còn dùng học bổng và các chương trình tham quan ký túc xá để gây ấn tượng với các thí sinh.
Gần đây nhất, mạng xã hội Trung Quốc cũng lan truyền câu chuyện tranh giành thí sinh ở Lệ Thủy, Triết Giang của hai ngôi trường danh giá này. Theo đó, nam sinh này đạt 698/750 điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học vừa qua. Theo lời bố của nam sinh, con trai ông đã được Đại học Bắc Kinh chú ý đến từ đợt thi đầu tiên (do dịch bệnh nên kỳ thi được chia thành 2 đợt). Tổ chiêu sinh của ngôi trường này đã chủ động liên hệ với ông để "đặt cọc" trước vì họ có niềm tin cậu bé sẽ làm nên kỳ tích trong kỳ thi đại học này.
Trong đợt thi thứ 2, hơn 1 tiếng trước khi điểm thi đại học được công bố, tổ chiêu sinh của Bắc Đại đã lái xe hơn 100km để đến nhà và cùng học sinh này đợi kết quả. Khi có điểm thi, họ đã "rước" nam sinh này về khách sạn tập huấn trong thành phố để tránh các trường khác "dòm ngó". Cũng trong chiều hôm đó, trường Đại học Thanh Hoa cũng liên hệ với gia đình nam sinh này nhưng đã quá muộn.
Một trường hợp khác, ngôi trường Thanh Hoa có vẻ nhanh chân hơn khi cố gắng chiêu mộ một học bá ở Hải Khẩu, Hải Nam đạt 900 điểm về mình. Sau khi quy đổi sang thang điểm tiêu chuẩn 750 thì nam sinh này đạt được khoảng 705 điểm. Được biết, toàn tỉnh Hải Nam có tổng cộng 3 thí sinh đạt được mức điểm này. Mẹ của nam sinh chia sẻ: "Cả Thanh Hoa và Bắc Đại đều đã liên lạc rồi. Trước đây Thanh Hoa vẫn luôn quan tâm tới tình hình của thằng bé. Hiện tại nó vẫn chưa biết nên chọn trường nào, thôi thì trước tiên cứ chọn ngành học đã".
2. Từng dùng cả mưu kế để chiêu sinh
Theo New York Times, cuộc cạnh tranh nhằm lôi kéo học sinh xuất chúng trong kỳ thi Cao khảo giữa Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh luôn vô cùng khốc liệt. Song song với việc đánh bóng tên tuổi với các thí sinh, 2 ngôi trường này không ít lần tìm cách hạ bệ, bôi xấu đối thủ.
Trước đây vào năm 2015, khi Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc ngày càng phát triển, nơi này vô tình cũng biến thành "chiến trường" công kích đối phương chỉ nhằm gây ấn tượng với các em thí sinh. Và Đại học Bắc Kinh được cho là bên châm ngòi khẩu chiến.
Thời điểm đó, nhóm tuyển sinh của trường này đăng tải chỉ trích "một ngôi trường nào đó" rêu rao rằng Đại học Bắc Kinh dối trá và không cho phép sinh viên lựa chọn chuyên ngành yêu thích lên tài khoản xã hội của trường. Ngay lập tức phía Đại học Thanh Hoa cũng đáp trả bằng việc ám chỉ "phía đối thủ" phá luật và dùng tiền để lôi kéo sinh viên sẽ gây ảnh hưởng xấu.
Màn khẩu chiến sau đó vẫn tiếp tục cho đến khi cả hai bên đều phải xóa sạch mọi dấu vết. Tuy nhiên sự việc này đã rơi vào tầm ngắm của cư dân mạng và sau này trở thành câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi kỳ thi tháng 6 hàng năm ở quốc gia tỷ dân.
Có thể nói, cuộc chiến tranh giành "học bá" này chỉ có khốc liệt hơn chứ chưa hề giảm nhiệt và điều này đã vô tình làm công cuộc tuyển sinh bị đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu và không còn phục vụ lợi ích của sinh viên.
Trước thực trạng cạnh tranh không lành mạnh này, Bộ giáo dục Trung Quốc đã từng phải ban hành một quy tắc cho các trường đại học khi chiêu mộ tân sinh viên. Theo đó các trường không được dùng tiền thưởng ở mức cao để mời chào hay hứa hẹn sẽ để sinh viên chuyển ngành đăng ký sau khi nhập học. Tuy nhiên, xét trên những thực tế đã và đang xảy ra ở nước này, quy tắc này dường như không phát huy hiệu quả.
(Tổng hợp)