Nghiên cứu mới chỉ ra rằng rác thải nhựa đã có thể có danh hiệu “hóa thạch”, khi mà nhựa đã liên tục làm vấy bẩn Trái Đất từ năm 1945 tới giờ.
Các nhà khoa học cho rằng lớp nhựa trong đất có tiềm năng trở thành mốc đánh dấu sự hình thành của Kỷ Nhân sinh - Anthropecene, lần đầu tiên con người bắt đầu tìm cách thống trị Trái Đất bằng nhiều phương tiện khác nhau. Họ nói rằng sau Thời kỳ Đồ đồng và Thời kỳ Đồ sắt, chúng ta chuẩn bị bước vào Kỷ Đồ nhựa và cái tên này chẳng đáng tự hào gì.
Báo cáo khoa học này là bản phân tích đầu tiên về sự xuất hiện của nhựa trong các lớp trầm tích, nhóm các nhà nghiên cứu khảo sát kỹ các lớp đất đá hình thành hàng năm ngoài khơi California, suốt từ năm 1934 cho tới thời điểm lấy mẫu nghiên cứu, hồi năm 2010. Họ phát hiện ra dấu vết của nhựa trùng khớp hoàn toàn với sản lượng nhựa trong giai đoạn năm 70.
Với đôi tay của chúng ta, việc này là điều hiển nhiên. Nhưng (chẳng may) mà con người diệt vong, đây sẽ là dấu vết rõ ràng nhất cho thế hệ sinh vật sống mai sau biết được đâu là điểm khởi đầu của Kỷ Nhân sinh.
Đa số các hạt nhựa là các sợi của vải nhân tạo, cho thấy nhựa đã theo nước thải mà ra biển suốt cả chục năm nay.
“Việc chúng ta yêu thích sử dụng đồ nhựa đã để lại dấu vết hóa thạch”, bà Jennifer Brandon, người chịu trách nhiệm nghiên cứu nói. “Đây là thảm cảnh với động vật ăn đáy như san hô, trai, sò và nhiều loài khác nữa. Nhưng việc nhựa đã trở thành một dấu vết hóa thạch dấy lên những câu hỏi cao xa hơn.
“Chúng ta đều đã học trên lớp về thời kỳ đồ đá, đồ đồng và đồ sắt - nhưng liệu ta sẽ sống trong kỷ nguyên mới có tên đồ nhựa?”, bà Brandon nói, lo ngại về việc thế hệ con người hiện tại sẽ được “vinh danh” là sống trong thời kỳ đồ nhựa, khi đáng lẽ ra nó đã có thể là Thời đại Không gian hay bất kỳ mục đích cao cả nào khác.
Ngài David Attenborough, phát thanh viên và nhà sử học tự nhiên nổi tiếng tại Anh, cho rằng vấn nạn ô nhiễm sẽ khiến người đời sau khinh rẻ thế hệ này như cách chúng ta khinh miệt chế độ chiếm hữu nô lệ, khi mà con người bị coi như súc vật.
Nghiên cứu mới còn chỉ ra rằng từ thập niên 40 cho tới nay, lượng vi nhựa trong các lớp trầm tích đã nhân đôi mỗi 15 năm. Năm 2010, năm phân tích gần nhất, lượng hạt nhựa đã chiếm tỷ lệ 40 hạt/10cm2 đáy biển. Trong số đó, 2/3 là sợi nhựa, 1/5 số nhựa bị phân rã thành các hạt nhựa nhỏ và 1/10 số đó tồn tại dưới dạng các lớp nhựa mỏng.
“Dấu hiệu nhựa rất rõ ràng”, giáo sư Brandon nói. “Vào cái ngày ta phát minh ra nhựa, gần như ngay lập tức nhựa xuất hiện trong lớp trầm tích”.
Một nghiên cứu được đăng tải năm 2016 chỉ ra rằng một tấm vải có thể thải ra tới 700.000 sợi nhựa. “Rõ ràng là ta không biết xử lý rác thải nhựa đúng cách. Chúng ta không biết cách lọc nhựa ngay từ hộ gia đình và tại các nhà máy xử lý nước thải lớn; ta có thể làm được gì bây giờ, khi mà rõ ràng rằng rác thải nhựa đã trôi thẳng ra biển?”
Mỗi năm, hàng triệu tấn nhựa tìm được đường ra môi trường, bị phân rã thành các sợi và hạt vi nhựa không thể bị phân hủy. Nhựa đã xuất hiện ở biển sâu, núi cao và thậm chí lảng vảng trong không khí Bắc Cực.
Chưa đủ dữ liệu để khẳng định tác hại của nhựa lên sức khỏe con người, nhưng ta thấy rõ động vật biển chịu khổ ra sao. Ước tính con người chúng ta ăn vào tới 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, dù chưa rõ tác hại nhưng ta biết vi nhựa có thể thải ra những thành tố độc hại, có khả năng ảnh hưởng tới mô sống.
Nghiên cứu mới về nhựa đã phân tích lớp trầm tích lấy ở phần biển ngoài khơi Santa Barbara, cách bờ (và cũng là khu vực sinh sống của 4 triệu người) khoảng 1,5 km. Khu vực này vốn thiếu oxy do dòng biển, có nghĩa rằng không có động vật ăn đáy khuấy động lớp trầm tích. Mẫu vật lấy được từ khu vực này phản ánh rất rõ những gì diễn ra suốt hàng chục năm qua.
Dù mẫu vật được lấy về năm 2010, nhưng không có lý do gì cho thấy nạn ô nhiễm nhựa giảm đi chút nào, mà chắc chắn là còn đang tăng vì sản lượng nhựa ngày một nhiều.
“Tôi mong rằng nghiên cứu của chúng tôi sẽ chỉ ra vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta cần khắc phục ngay”, bà Brandon kết luận.
(Tham khảo The Guardian)