"Chúc mừng bạn được nhận vào công ty": Niềm vui trúng tuyển chưa dứt, một cụm từ kỳ lạ hiện lên - Tất cả chỉ là trò lừa đáng căm phẫn!

Mạnh Kiên, Theo Thể thao & Văn hoá 12:48 28/04/2023
Chia sẻ

Xu hướng tìm việc trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, thế nhưng các trang web tìm việc, tuyển dụng cũng là nơi có nhiều cạm bẫy lừa đảo những ứng viên đang tìm việc trong vô vọng.

Công việc tuyệt vời

Hai ngày sau khi nộp đơn xin việc trên LinkedIn, người phụ nữ có tên Sandi Pounder nhận được một tin tốt đến bất ngờ.

"Dựa trên kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, tôi xin trân trọng thông báo công ty đã quyết định tuyển bạn trong vai trò Nhà phân tích dữ liệu (Làm từ xa)", email viết. "Thay mặt công ty, tôi xin chúc mừng thành tích này".

Một email tiếp theo từ bộ phận nhân sự cho biết cô sẽ nhận được một danh sách dài các thiết bị được chuyển đến nhà ở Monta Vista, Color. - bao gồm máy tính Apple iMac Pro, ổ cứng gắn ngoài, tủ tài liệu, Máy in HP LaserJet - những thứ sẽ được mua bằng séc được gửi qua đường bưu điện.

Trong khoảng thời gian 48 giờ qua, Pounder đã gửi sơ yếu lý lịch, điền vào danh sách các câu hỏi phỏng vấn chi tiết và nhận được lời mời làm việc. Quá trình diễn ra không thể suôn sẻ hơn, cho đến khi cô mở thư mời chính thức. Nó được gửi tới địa chỉ có tên "Greeshma".

Pounder nhanh chóng phát hiện ra mình là mục tiêu của một vụ lừa đảo việc làm, một trò lừa tinh vi nhằm vào những người tìm việc tuyệt vọng dễ dàng giao thông tin cá nhân và trong nhiều trường hợp là cả tiền.

Pounder, 52 tuổi, đã trở lại làm việc sau khi nghỉ một thời gian và bán căn nhà của mình ở Wyoming. Cô có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, chủ yếu là về hệ thống kinh doanh và vai trò phân tích dữ liệu.

Công ty mà cô nộp đơn làm trong ngành kiến trúc có trụ sở tại New York, dù mức lương thấp nhưng chỉ cần làm việc tại nhà.

Chúc mừng bạn được nhận vào công ty: Niềm vui trúng tuyển chưa dứt, một cụm từ kỳ lạ hiện lên - Tất cả chỉ là trò lừa đáng căm phẫn! - Ảnh 1.

Pounder đã kiểm tra kỹ xem người liên hệ để sắp xếp một cuộc phỏng vấn có khớp với tên của người trên LinkedIn được liệt kê là quản lý tuyển dụng hay không. Tuy nhiên, sau khi nhận được thư mời gửi nhầm người, cô quyết định gọi điện cho công ty để xác nhận đúng sai.

Họ nói với cô rằng tài khoản LinkedIn của công ty đã bị hack.

Lừa đảo đã tồn tại từ lâu, nhưng lừa đảo việc làm đã gia tăng kể từ khi dịch Covid bùng nổ, tạo nên xu hướng làm việc từ xa cũng như việc các nhà tuyển dụng phụ thuộc vào hình thức liên lạc trực tuyến.

Số lượng các vụ lừa đảo liên quan đến việc làm và tuyển dụng được báo cáo cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã tăng gần gấp ba lần trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2021, từ 7.324 lên 21.848 vụ.

Nhiều người khác cũng đã báo cáo gặp phải hồ sơ nhà tuyển dụng giả mạo các công ty hợp pháp trên LinkedIn và các trang tìm kiếm việc làm khác.

"Những kẻ lừa đảo luôn đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn và tìm cách khai thác những điều mà mọi người cần trong mọi thời điểm", Kati Daffan, trợ lý giám đốc Bộ phận Thực hành Tiếp thị của FTC, cơ quan phản ứng với gian lận người tiêu dùng, cho biết.

"Đó là những công việc tại nhà linh hoạt, có thể kiếm nhiều tiền mà không tốn công sức".

Theo Daffan, trường hợp của Pounder là một ví dụ điển hình về lừa đảo séc giả, chiếm khoảng 1/3 các báo cáo lừa đảo gửi về FTC.

"Kẻ lừa đảo sẽ gửi tiền cho nạn nhân và kể một câu chuyện rất thuyết phục về lý do tại sao khi bạn nhận được số tiền này, một phần công việc mới của bạn sẽ là gửi tiền đi nơi khác hoặc mua thiết bị hay mua thẻ quà tặng cho sếp của bạn", Daffan nói.

Lừa đảo này trở nên hiệu quả vì các ngân hàng thường làm việc với tiền từ séc ký gửi trong vòng vài ngày, nhưng có thể mất vài tuần để phát hiện ra chúng là giả. Đến lúc đó, nạn nhân sẽ mua hàng và tiêu hết tiền của chính họ.

Chúc mừng bạn được nhận vào công ty: Niềm vui trúng tuyển chưa dứt, một cụm từ kỳ lạ hiện lên - Tất cả chỉ là trò lừa đáng căm phẫn! - Ảnh 2.

Một trò lừa đảo việc làm phổ biến khác là lừa đảo thông tin cá nhân, trong đó nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu số an sinh xã hội hoặc thông tin ngân hàng của bạn để gửi tiền trực tiếp.

Soi kỹ thông tin tuyển dụng

Heather Lagaso, 42 tuổi, đang tìm kiếm một công việc từ xa sau khi thất nghiệp tháng 11/2021. Trong năm 2022, cô đã gặp phải 67 tin tuyển dụng lừa đảo, gần như tất cả đều trên LinkedIn. Lagaso cho biết cô cũng gặp phải 5 vụ lừa đảo việc làm liên quan đến nhận séc.

"Một số thứ rất rõ là trò lừa, nhưng có những trò thì khó phát hiện hơn - bao gồm một vụ liên quan đến địa chỉ web tương tự như tên miền của công ty thực", người phụ nữ này kể lại. Trong trường hợp đó, cô đã đăng ký qua LinkedIn và được yêu cầu tải xuống một ứng dụng có tên Wire để liên lạc thêm.

Khi Lagaso nhận được phản hồi từ công ty mà mình nộp đơn, cô được yêu cầu điền vào một biểu mẫu có cả thông tin ký gửi trực tiếp.

"Đó là một điều kỳ lạ trong các biểu mẫu tuyển dụng, nhưng những người đang tuyệt vọng vì không có việc làm sẽ bỏ qua điều này", cô nói.

Về phần mình, Pounder cho biết trải nghiệm suýt bị lừa nói trên đã khiến cô thận trọng hơn trong quá trình tìm việc, đặc biệt là khi nhận được các email và cuộc gọi bất thường từ nhà tuyển dụng.

Cô đảm bảo kiểm tra kỹ hồ sơ trên LinkedIn và thông tin liên hệ trùng khớp với trang web của công ty.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày