Chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019: Có gì mới ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình?

Nghiêm Huê, Theo Tiền Phong 07:02 13/05/2019
Chia sẻ

Việc điều tra xử lý gian lận thi cử 2018 tại 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến nay vẫn chưa có hồi kết. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, 3 địa phương này đã chuẩn bị ra sao, những trường ĐH, CĐ nào sẽ phối hợp tổ chức? Liệu gian lận có nguy cơ tái diễn? Đây là những vấn đề đang được dư

Tỉnh Sơn La, nơi xảy ra gian lận thi năm 2018 có 6 học viện, trường ĐH, CĐ sẽ tham gia phối hợp, gồm ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Báo chí tuyên truyền, ĐH Kiểm sát, trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, trường CĐ Sư phạm Điện Biên, trường CĐ Hòa Bình. Trong đó trường ĐH sư phạm Hà Nội 2 chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Năm 2018, tại Sơn La, Bộ GD&ĐT giao cho trường ĐH Tây Bắc, trường ĐH Thủ đô và trường CĐ Sư phạm Sơn La phối hợp tổ chức. Trong đó, ĐH Tây Bắc và CĐ Sư phạm Sơn La có trụ sở ngay tại TP Sơn La.

Chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019: Có gì mới ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình? - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT thanh tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình. Ảnh: Nghiêm Huê

Tỉnh Hà Giang có 2 trường ĐH được điều động từ các địa phương khác đến phối hợp gồm trường ĐH Nông lâm thuộc ĐH Thái Nguyên và trường ĐH Điện Lực. Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì chấm trắc nghiệm. Năm 2018, đơn vị được giao phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Giang tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là Học viện Ngân hàng và CĐ sư phạm Hà Giang.

Tại Hòa Bình, có 4 học viện, trường ĐH được điều động đến phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 là ĐH Hà Nội, Học viện Hậu cần, Học viện chính sách và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, trong đó trường ĐH Hà Nội chủ trì chấm trắc nghiệm. Năm 2018, trường ĐH được giao phối hợp với Sở GD&ĐT Hòa Bình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là ĐH Kiến trúc, CĐ sư phạm Hòa Bình, ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương.

Như vậy, so với năm 2018, số trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cùng 3 sở GD&ĐT Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có tăng lên về số lượng. Đồng thời, thực hiện theo đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT là các trường ĐH, CĐ không được phối hợp coi thi trên chính địa bàn mình “cắm chân” và bài thi trắc nghiệm được chuyển về các trường ĐH chấm.

Bao giờ xử lý cán bộ có con được nâng điểm ?

Hòa Bình là điểm nóng về gian lận thi cử năm 2018 khi có tới 64 thí sinh được sửa điểm bài thi. Đặc biệt, cho đến giờ, Hòa Bình cũng là địa phương duy nhất trong 3 địa phương dính án tiêu cực thi cử có thí sinh được sửa điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, trong số 64 thí sinh được sửa điểm, có con em của lãnh đạo các cơ quan của tỉnh. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 cho biết, tỉnh vẫn đang chờ kết quả của cơ quan điều tra. Nên chưa có chỉ đạo gì khác.

Ông Cửu cũng cho hay, tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, có khả năng ông Nguyễn Văn Chương sẽ là Trưởng Ban Chỉ đạo thi, ông Cửu có con thi nên không tham gia ban chỉ đạo thi lần này. Còn ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, sắp tới Bộ GD&ĐT mới họp ban chỉ đạo thi. Nhưng Sở cũng đã tổ chức hội nghị chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 từ cách đây 1 tháng. Nội dung triển khai được ông Đắc cho biết, sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất theo yêu cầu bắt buộc năm nay như tủ đựng bài thi và đề thi phải độc lập, lắp đặt camera theo dõi 24/24. Về lắp đặt camera, ông Bùi Trọng Đắc cho hay sở giao cho các điểm thi chủ động. Về nhân sự thì mới thành lập ban chỉ đạo thi của tỉnh, sẽ làm từng bước theo yêu cầu.

Vẫn chưa bổ sung quy định xử lý đến bài thi

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thì hiện có 51 thí sinh trong danh sách được nâng điểm thi vẫn đủ điều kiện theo học tại các trường ĐH. Sắp tới, những thí sinh này có bị xử lý hay không phụ thuộc vào kết quả của cơ quan điều tra. Bộ GD&ĐT cho biết, những thí sinh này bị xử lý trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được thí sinh có tham gia vào quá trình gian lận điểm thi. Còn nếu không chứng minh được, thì những thí sinh này “vô tội”.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Bộ GD&ĐT không thể xử lý đến cùng vấn đề gian lận thi cử năm 2018 vì quy chế thi của Bộ thiếu một quy định đó là xử lý bài thi. Nếu trong quy chế có quy định bài thi bị can thiệp bất cứ hình thức nào đều bị hủy bài thi thì chắc chắn, tất cả những thí sinh được nâng điểm năm 2018 sẽ không đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT quốc gia và trúng tuyển ĐH.

Tuy nhiên, ông Trinh vẫn cho rằng, quy chế thi hiện nay đủ để làm căn cứ xử lý vi phạm của thí sinh. Cụ thể là thí sinh có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ. Nhưng trong vụ gian lận ở các tỉnh miền núi phía Bắc chưa xác định được thí sinh có trực tiếp tham gia hành vi gian lận hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT đưa vào quy chế bài thi được xác định gian lận là phải hủy kết quả thì vấn đề này sẽ có cơ sở pháp lý để giải quyết, không gây tranh cãi kéo dài. Còn trách nhiệm về con người mới cần chờ công an điều tra. Theo đó, ai có tội ở mức nào thì chịu trách nhiệm về hình sự. Còn về phía Bộ GD&ĐT cần phải bổ sung quy định để xử lý đối với kết quả thi. Tuy nhiên ông Mai Văn Trinh vẫn bảo lưu quan điểm “không sửa quy chế thi năm nay”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày