Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3

Băng Băng, Theo Đời sống và Pháp luật 15:43 06/03/2024
Chia sẻ

Cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử đã biến Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất thế giới làm điều này vì phái đẹp.

Tờ Fortune cho hay nước Pháp mới đây đã có bước đi lần đầu tiên trong lịch sử khi sửa Hiến pháp vì phụ nữ trong đợt Lễ 8/3 (Ngày quốc tế phụ nữ) năm nay.

Cụ thể, các nhà lập pháp ngày 4/3/2024 đã thông qua dự luật mới về quyền phá thai được ghi thêm trong Hiến pháp với số phiếu ủng hộ áp đảo, qua đó khiến Pháp trở thành quốc gia lần đầu tiên trên thế giới và duy nhất toàn cầu thực hiện điều này.

Động thái mang tính lịch sử này vốn được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất như một cách để ngăn chặn phong trào chống quyền phá thai của phụ nữ những năm gần đây ở Mỹ.

Theo Fortune, cuộc bỏ phiếu trong phiên họp đặc biệt của nghị viện Pháp đã thu hút sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhà lập pháp.

Với 780 phiếu thuận và 72 phiếu chống, cuộc họp diễn ra ở Cung điện Versailles đã chính thức ghi nhận quyền phá thai vào trong Hiến pháp.

Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3 - Ảnh 1.

Đám đông tại Pháp ăn mừng quy định mới

Trên thực tế, quyền này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực chính trị Pháp và đã được hợp pháp hóa kể từ năm 1975.

Ngay sau động thái trên, hàng loạt tổ chức hoạt động vì quyền phụ nữ đã ăn mừng, ca ngợi Tổng thống Macron trong bối cảnh Tòa án Mỹ thông qua lệnh đảo ngược quyền được phá thai vào năm 2022.

Tờ Fortune cho hay Pháp được coi là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay trên thế giới ghi nhận quyền phá thai vào trong Hiến pháp.

Trên thực tế Nam Tư cũ cũng đã quy định trong Hiến pháp năm 1974 về việc "một người được tự do quyết định việc có con hay không" nhưng không nêu chi tiết cụ thể cũng như đảm bảo quyền phá thai của nữ giới.

Khi Nam Tư cũ giải thể đầu thập niên 1990, mặc dù các quốc gia mới kế thừa điều này trong Hiến pháp nhưng cũng không ghi cụ thể hay đảm bảo quyền lợi phá thai rõ ràng cho người phụ nữ.

Trong cuộc bỏ phiếu lịch sử, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã phát biểu trước 925 nhà lập pháp tập trung tại phiên họp ở Versailles khi kêu gọi đưa quốc gia này thành nước đi đầu về quyền phụ nữ, qua đó làm gương cho thế giới.

"Chúng ta đang mắc nợ những người phụ nữ", Thủ tướng Attal nói khi bày tỏ lòng tôn kính với Simone Veil, nhà lập pháp nổi tiếng, cựu bộ trưởng y tế và nhà hoạt động nữ quyền chủ chốt, người đã ủng hộ dự luật phi hình sự hóa việc phá thai ở Pháp vào năm 1975.

"Chúng ta đang có cơ hội làm nên lịch sử. Hãy khiến cho Simone Veil cảm thấy tự hào", Thủ tướng Attal nói trong sự hoan nghênh nhiệt liệt của các nhà lập pháp tham dự cuộc họp.

Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp để ghi nhận việc phá thai vào tháng 1/2024 với số phiếu áp đảo và quyết định chính thức được thông qua tại Thượng viện vào thứ 4 tuần trước. Đến ngày 4/3/2024, cuộc họp chung đã diễn ra với 3/5 số nhà lập pháp ủng hộ.

Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3 - Ảnh 2.

Các nhà lập pháp Pháp ủng hộ nhiệt liệt quy định mới

Tờ Fortune cho hay hiện không có đảng phái chính trị nào tại Pháp nghi vấn về quyền phá thai, từ đảng cầm quyền cho đến đảng đối lập.

Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy 80% công chúng Pháp ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ và đa số người dân cũng đồng tình việc ghi chúng vào trong Hiến pháp.

Một điều đặc biệt là chính phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ năm 2022 hủy bỏ đạo luật đảm bảo quyền phá thai của phụ nữ vốn đã tồn tại 50 năm là nguyên nhân khiến công chúng Pháp quan tâm hơn đến vấn đề này, từ đó dẫn đến cuộc bỏ phiếu lịch sử trên.

Trong lịch sử, việc sửa đổi hiến pháp là một quá trình tốn nhiều công sức thảo luận để đi đến nhất trí, đồng thời cũng là một sự kiện hiếm có ở Pháp.

Kể từ khi được ban hành năm 1958, Hiến pháp Pháp đã được sửa đổi 17 lần. Lần gần đây nhất là vào năm 2008, khi nghị viện được trao nhiều quyền lực hơn và công dân Pháp được quyền đưa khiếu nại của mình lên Tòa án Hiến pháp.

Nguồn: Fortune

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày