Chưa thể khẳng định nguyên nhân gây hoại tử xương hàm mặt là do COVID-19

Thiên Bình, Theo VOV 15:41 20/07/2022

Giả thuyết về nguyên nhân gây hoại tử xương hàm có thể liên quan đến các vấn đề của hậu COVID-19. Tuy nhiên, số ca hoại tử xương hàm chỉ có vài chục người - tỷ lệ vô cùng thấp trên tổng số 600 triệu người mắc bệnh.

Điểm chung duy nhất của các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt bất thường tại TP.HCM là từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định đây là nguyên nhân gây bệnh.

"Do vậy, chúng ta không phải quá hoang mang về vấn đề này. Chúng ta cần lưu tâm khi bệnh nhân có vấn đề bất thường. Ví dụ như bị đau bất thường, tình trạng sốt bất thường không lý giải được thì chúng ta nên đi khám. Còn tỷ lệ hoại tử xương hàm thực tế rất thấp so với số người mắc bệnh", BS Cấp nói.

Thời gian qua, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương sọ, xương vùng hàm mặt, trong đó, hai trường hợp đã tử vong. Tại Hà Nội, các bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm ở người từng mắc COVID-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chưa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nào.

Tuần trước, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã công văn gửi Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, yêu cầu báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2/2022 đến nay. Bộ Y tế cũng yêu cầu hai bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên.

Liên quan đến diễn biến dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng virus mới, thế giới đã thống kê rất rõ ràng nguy cơ lây nhiễm của biến thể mới. Theo đó, tốc độ lây nhiễm của biến thể mới cao hơn so với các biến thể cũ, tuy nhiên, tỷ lệ diễn biến nặng có cao hơn hay không thì đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được.

Khuyến cáo về tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng nhấn mạnh về mặt lợi ích: "Hiệu quả tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 trên thế giới vẫn còn những băn khoăn khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận thực tế rằng, tiêm vaccine khi mắc bệnh sẽ giảm nhẹ triệu chứng. Xét về mặt ích lợi và nguy cơ, việc tiêm vaccine có nhiều ích lợi hơn so với việc không may chúng ta bị mắc bệnh".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày