Cô Ba Sài Gòn là một trong số ít những phim điện ảnh được khán giả quan tâm nhất trong cuối năm nay. Từ khi vừa công bố dự án, bộ phim đã khiến mọi người chú ý. Đáng kể nhất chính là phần hình ảnh mang đậm tính hoài cổ từ quần áo, tóc tai, cách tạo dáng cho đến thiết kế của những tấm áp-phích quảng cáo (tức poster).
Tấm hình đầu tiên của "Cô Ba Sài Gòn"
Cách đây vài ngày, bộ phim công bố poster chính thức sẽ được dùng để treo ngoài các rạp trước khi phim công chiếu đúng một tuần. Thế nhưng, trái với những lời khen nức nở ở những phiên bản trước, poster chính thức lại sinh ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng poster này "xấu" vì cố nhồi nhét nhiều nhân vật, hoặc nhồi nhét nhưng lại không có trọng tâm, mỗi người một phách.
Poster chính thức của Cô Ba Sài Gòn
Ý kiến trái chiều của độc giả trên một trang về thiết kế ảnh
Một trang chuyên bình luận về phim cũng chê poster phim bị loạn
Có thể thấy điểm khác biệt nhất của poster chính thức với các phiên bản trước đây chính là bố cục các nhân vật to nhỏ khác nhau, cốt yếu để thể hiện sự chính phụ theo vai trò của họ trong phim. Theo poster thì Ninh Dương Lan Ngọc và Diễm My 9x mới là hai nhân vật chính, trang phục họ mặc cũng thể hiện sự đối lập xoay quanh chủ đề phim là trang phục truyền thống (Lan Ngọc vận áo dài còn Diễm My 9x vận âu phục).
Một poster khác của Lan Ngọc và Diễm My 9x
Có ý kiến cho rằng trang phục của các nhân vật do ST, Tùng Leo và Hải Triều mặc "không hoài cổ". Tuy nhiên, được biết bối cảnh phim trải dài từ năm 1969 đến năm 2017, thế nên không loại trừ trường hợp 3 nhân vật kia là người "tân thời".
Trao đổi với Chiêu, một designer đang sinh sống và làm việc tại Úc, chị cho biết khi mới nhìn vào poster thì thấy nó không có vấn đề về thiết kế. Các điểm quan trọng của poster đều được sắp xếp theo hình chữ Z đúng với đường mắt nhìn của người Việt là nhìn từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.
Minh họa của chị Chiêu cho ý kiến về poster
Ngoài ra, về ý kiến ánh mắt các nhân vật trên poster lung tung, chị Chiêu cho rằng đây có lẽ là ý đồ của người thiết kế và nó không hẳn là lung tung. Cụ thể, những nhân vật nằm trong vùng khoanh màu hồng (hình bên dưới) thì hướng mắt về bên trái còn những nhân vật trong vùng khoanh xanh thì đa số hướng mắt về ống kính (tất nhiên vẫn có một vài nhân vật không theo hệ thống này nhưng không đáng kể).
Ánh mắt các nhân vật chia về hai hướng chứ không phải mỗi người một phách
Thực ra, cũng có thể dễ dàng nhận thấy poster được thực hiện theo phong cách những tấm áp-phích phổ biến ở Sài Gòn những năm trước 1975, đặc biệt là những bìa đĩa, băng cassette quảng cáo cho những tuồng ca nhạc, cải lương.
Điểm chung của những mẫu thiết kế này chính là typo khá to, hình ảnh nhiều màu sắc, có nhiều người xuất hiện và ánh mắt không chỉ nhìn về một hướng
Còn về ý kiến cho rằng poster "xấu" là vì nhồi nhét quá nhiều nhân vật thì có lẽ hơi thừa. Vì kiểu poster này vẫn được ưa chuộng ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản và những poster siêu anh hùng của Marvel.
Poster Age of Ultron
Poster Teiichi no Kuni
Poster Gintama
Hai mẫu poster trên đây là kiểu rất thường thấy trong phim Nhật, nhưng vì chọn bố cục lấy trọng tâm làm chính nên không gây ra cảm giác khó chịu.
Poster Kong: Skull Island bản Nhật
Thế nhưng cũng có vài trường hợp như Kong: Skull Island bản Nhật, các "nhân vật" cũng nhìn ngó lung tung. Hoặc như phim Shinobi no Kuni dưới đây.
Poster Shinobi no Kuni
Nói chung, sự khó chịu khi nhìn vào poster chính thức của Cô Ba Sài Gòn chỉ là vấn đề về cảm giác và cảm quan, nhất là khi khán giả đang kỳ vọng quá nhiều về bộ phim. Nhưng, mỗi thể loại phim luôn có một phương cách phù hợp để tiếp cận. Cô Ba Sài Gòn lấy điểm nhấn là yếu tố hoài cổ thế nên phần hình ảnh, thiết kế cũng phải bị ảnh hưởng là chuyện có thể hiểu được.
Một phiên bản khác được tung ra trước đó
Phim chính thức khởi chiếu ngày 10/11/2017 trên toàn quốc.