Bài viết của tác giả Lưu Cường trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Chú tôi có ý định rời quê lên thành phố cách đây 30 năm. Khi ấy ông bà tôi không có tiền, các cô bác hàng xóm xung quanh thương người thanh niên có chí nên gom góp mấy đồng lẻ đút túi cho chú làm hành trang lên đường.
Chú Lưu là một trong những người thành công rời làng khởi nghiệp, phất lên trở thành tay buôn có tiếng. Gia đình chú có thể nói là giàu nhất trong họ hàng, có của ăn của để, mua nhà, mua xe, cho các con học trường quốc tế. Mỗi lần nhắc đến tấm gương vượt khó làm giàu, chú Lưu luôn được trưởng thôn nêu tên đầu tiên, trở thành niềm tự hào của làng.
Ảnh minh họa
Thế nhưng cũng chính vì công việc bận rộn, chú trở nên xa cách với những người trong làng, ít về thăm quê. Thậm chí có lần gia đình chú về làng dịp nghỉ hè, đám trẻ con tò mò ra xem xe hơi đắt tiền liền bị chú mắng ngay. Chú Lưu còn dặn các con không chơi với trẻ em trong làng vì sợ chúng rủ rê đi chơi không lo học. Không biết đám trẻ đã nói gì với bố mẹ, tôi chỉ biết từ lần đó hiếm ai chào hỏi chú mỗi khi về quê một cách hồ hởi như trước.
Lễ Tết chú cũng chẳng ở lại lâu, nói đã quen với không khí thành phố nên chỉ ở quê 1 ngày rồi đi ngay, không sang chúc Tết cả những người hàng xóm ngày trước khi trước đã giúp đỡ mình. Bố tôi nhiều lần nhắc nhở về việc này nhưng chú bỏ ngoài tai, cho rằng chuyện năm xưa chắc chẳng ai còn nhớ, mấy đồng lẻ cũng không đáng là bao. Nếu trong làng có đám giỗ, đám cưới, chú Lưu cũng không góp mặt, lấy lý do ở xa hoặc không thân quen.
Tháng vừa rồi, con trai cả của chú tôi kết hôn, theo truyền thống thì dù nhà ở thành phố thì vẫn sẽ tổ chức tiệc nhà trai tại làng. Chú Lưu nhờ mọi người trong gia đình đi phát thiệp khắp làng, kể cả những người không quen biết chưa từng giao lưu, nói chuyện bao giờ. Bố tôi khuyên chú nên tổ chức tiệc quy mô vừa phải vì chú đã rời quê lâu năm, ngoài gia đình thì người làng cũng chẳng thân thuộc nữa nhưng chú Lưu không nghe.
Ảnh minh họa
Chú cho rằng với danh tiếng của chú thì phải tổ chức đám cưới lớn mới xứng tầm, để bên thông gia cũng phải “nể”. Chính vì vậy chú Lưu quyết định đặt 100 bàn tiệc, thuê đơn vị từ thành phố về quê để tổ chức, trang trí bằng đồ đắt tiền nhất. Đám cưới rình rang như vậy, chú tôi chắc hẳn đây sẽ là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay ở làng.
Thế nhưng kết quả không ai ngờ đến, đám cưới em họ tôi không có người làng nào đến. 100 bàn tiệc nhưng họ hàng, cả bạn thân của chú rể cũng chỉ ngồi kín khoảng chục bàn. Tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng này, còn nghĩ do người làng nhầm ngày. Em họ tôi ngượng ngùng, bối rối đi ra đi vào trong khi chú tôi lộ rõ vẻ bực bội, trách hàng xóm láng giềng.
Chỉ có bố tôi không là người duy nhất không ngạc nhiên khi chứng kiến lễ cưới đìu hiu này. Bố vỗ vai chú Lưu: "Em không nên trách người làng, mà còn phải xấu hổ vì ngày hôm nay. Dân làng vốn trọng nghĩa tình, không qua lại cũng không đối đãi tốt với họ, chúng ta có thể đòi hỏi họ đáp lại sao? Đừng nghĩ vì có chút tài sản mà cho rằng bản thân hơn người, làm gì cũng nên nhớ đến mình xuất phát từ đâu".
Ảnh minh họa
Chú Lưu sững người, không đáp lại. Bố tôi và các thành viên gia đình dựa vào mối quan hệ trong làng cũng gọi được thêm khách tới để đám cưới không rơi vào cảnh tiêu điều, mất mặt với nhà gái. Cuối cùng đám cưới kết thúc, cả nhà thở phào nhẹ nhõm nhưng chú tôi chỉ ngồi lặng yên một chỗ.
Có lẽ chú Lưu đã có "bài học" cho riêng mình, tôi chỉ mong em họ không bị vết sẹo tâm lý bởi sự việc này. Lần đầu tiên tôi thấy rõ việc đối nhân xử thế quan trọng đến như vậy, không chỉ với bản thân mà còn ảnh hưởng đến người thân, con cháu trong gia đình.