Tại phiên họp thứ 19 của BCĐ phòng chống COVID-19, Chủ tịch Hà Nội đã đưa ra những nhiệm vụ quan trọng của TP trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo đó, nhiệm vụ quan trọng số 1 là tập trung theo dõi, giám sát số người Việt Nam nhập cảnh từ các nước trên thế giới hoặc từ các tỉnh thành phố khác. Mọi hành khách nhập cảnh đều phải khai báo y tế, đồng thời, thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị phải tuyên truyền sâu rộng thông tin về tình hình dịch COVID-19 để người dân thấy được nguy cơ đến từ vùng dịch để chủ động thông tin tới các cơ sở y tế để cách ly kịp thời, người dân tự giác, chủ động thực hiện cách ly theo quy định, đồng thời, tuyên truyền nguồn gốc, nguy cơ lây nhiễm của những người đi từ vùng dịch về, không nên quá lo lắng gây hoang mang không cần thiết trong cộng đồng.
Cùng với đó, toàn thành phố sẽ phát động phong trào người dân tự giác đến cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh, không gọi taxi, không đi xe của người nhà để tránh lây nhiễm chéo. Đáng chú ý, ông Chung yêu cầu Trung tâm phòng, chống dịch bệnh của thành phố phải lấy mẫu toàn bộ những người tiếp xúc với các ca bệnh. Toàn bộ chi phí xét nghiệm sẽ được thành phố chi trả 100%, miễn phí đối với tất cả những trường hợp được xét nghiệm. Không chỉ vậy, toàn bộ người cách ly tại nhà được hỗ trợ 100.000 đồng/1 ngày.
Ảnh minh hoạ.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đi trên xe buýt, tham gia các hoạt động ở ngoài trời và khi đi vào những nơi công cộng. Các cán bộ không được gọi người cách ly là "đối tượng", không nên có lời nói tạo ra sự bức xúc cho những người đang cách ly, tạo ra tâm lý thoải mái cho họ. Tất cả các gia đình có người nhà, con em đi công tác, du lịch về đều phải thông tin cho các cơ quan y tế, nên tự cách ly, tránh tình trạng giao tiếp nhiều trong gia đình.
Trong quá trình giám sát, ông Chung đề nghị công an thành phố phối hợp với các lực lượng, Bộ Thông tin truyền thông, Sở thông tin truyền thông kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp khai báo y tế không trung thực. Thậm chí nếu đủ căn cứ truy tố hình sự, công an thành phố phải lập hồ sơ xử lý.
"Khai báo y tế trung thực là bảo vệ cho chính họ, gia đình họ và cho cộng đồng. Nếu không có trách nhiệm cao, sẽ gây ra hậu quả rất lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, tôi yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp phao tin đồn nhảm, không chính xác", ông Chung nói.