Công nghệ mạng toàn cầu là kết quả của nhiều phát kiến vĩ đại với hành trình phát triển và hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ của các thế hệ nhà khoa học. Đến nay, Internet đã tạo ra nền móng vững chắc cho kinh tế tri thức và là bệ phóng cho các công nghệ đột phá như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây... Đặc biệt, trong khoảng thời gian bị chia cắt bởi đại dịch Covid-19, tầm quan trọng của những khái niệm như Internet, cáp quang hay web world wide... là không thể phủ nhận. Nó đóng vai trò như là nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của rất nhiều người.
Và để công trình công nghệ mạng toàn cầu phát triển được như hiện nay, chúng ta không thể không nhắc đến công sức của 5 nhà khoa học là: Giáo sư Sir. Timothy John Berners-Lee (Anh), Tiến sĩ Vinton Gray Cerf (quốc tịch Mỹ), Tiến sĩ Emmanuel Desurvire (Pháp), Tiến sĩ Robert Elliot Kahn (Mỹ) và Giáo sư Sir. David Neil Payne (Anh). Để vinh danh cống hiến của các ông cho nhân loại, tại Lễ trao giải VinFtuture 2022, Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD đã chính thức thuộc về 5 nhà khoa học kiệt xuất này.
Từ trái qua: GS Sir Timothy John Berners-Lee, TS Vinton Gray Cerf, GS Sir David Neil Payne, TS Emmanuel Desurvire. Riêng TS Robert Elliot Kahn không trực tiếp dự lễ trao giải vì lý do sức khỏe
Chia sẻ kỹ hơn về thành tựu của các ông, khởi đầu của Công nghệ mạng toàn cầu là phát minh về Giao thức Điều khiển Truyền dẫn và Giao thức Internet (TCP/IP) của Tiến sĩ Vinton Gray Cerf và Tiến sĩ Robert Elliot Kahn.
Tiếp theo là phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EDFA) của Giáo sư Sir David Neil Payne và Tiến sĩ Emmanuel Desurvire. Chính EDFA đã giúp việc dẫn truyền internet với tốc độ ổn định và trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao.
Cuối cùng là phát minh của Sir Timothy John Berners-Lee về trình duyệt web đầu tiên World Wide Web. Ông là người thiết lập ba tiêu chuẩn internet quan trọng bao gồm: HTML, HTTP và URIs. Từ đó giúp việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên thông tin trên toàn thế giới trở nên liền mạch nhờ internet.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture năm nay nhé!
Chào các ông, chúng ta bắt đầu bằng một câu hỏi nho nhỏ dành cho TS Vinton Gray Cerf trước nhé. Trong phần phát biểu sau khi nhận trao Giải thưởng Chính tại VinFuture 2022, ông có tiết lộ vợ ông cũng đóng góp một phần không nhỏ vào thành công này. Cụ thể thì vợ ông đã hỗ trợ ông như thế nào trong việc phát minh ra Internet vậy?
Tiến sĩ Vinton Gray Cerf: Vợ tôi quán xuyến công việc và hỗ trợ tôi rất nhiều, trong khi tôi làm việc, đi khắp nơi, tạo ra Internet... Tôi quá bận rộn với công việc nhưng nhờ có bà ấy mà mọi thứ trong cuộc sống của tôi vẫn được vận hành một cách hiệu quả. Có thể xem bà ấy như một tình nguyện viên góp phần không nhỏ vào việc phát minh ra Internet. Một số người hỏi tôi rằng, nếu coi tôi là "cha đẻ" của Internet, vậy ai sẽ là "mẹ đẻ của Internet"? Câu trả lời chính là vợ tôi.
TS Vinton Gray Cerf (ngồi giữa) hài hước cho biết vợ ông chính là... "mẹ đẻ của Internet"
Quay trở lại với vấn đề chính, các ông nghĩ thế nào về tính khả thi của Metaverse khi nhiều tập đoàn lớn hiện nay đều khẳng định rằng, đó là một điều sẽ tác động rất lớn đến với tương lai của Internet?
Giáo sư Sir. David Neil Payne: Trước hết là không ai có thể dự đoán tương lai. Theo quan điểm của tôi, Metaverse là một phạm vi thú vị, nhưng liệu dự án đó có thể thành công hay không thì vẫn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, về tương lai của Internet, chúng ta có công nghệ để làm điều đó. Câu hỏi quan trọng ở đây là liệu chúng ta có muốn nó trở thành thực tiễn hay không?
Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) là một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác.
Khi Metaverse phát triển, nó sẽ mở ra không gian trực tuyến tương tác của người dùng đa chiều hơn so với các công nghệ hiện tại. Thay vì chỉ xem nội dung kỹ thuật số, người dùng trong Metaverse sẽ có thể đắm mình trong không gian nơi của thế giới kỹ thuật số ảo.
Tiến sĩ Vinton Gray Cerf: Chúng ta biết rằng Internet ngày càng mở rộng trên toàn cầu và càng ngày có càng nhiều người truy cập vào, ví dụ như bằng điện thoại thông minh. Và cảm ơn hai ông ngồi cạnh tôi là David và Emmanuel đã làm cho tốc độ truy cập, truyền tải mạng nhanh hơn bao giờ hết.
Dù có rất nhiều hứa hẹn về công nghệ 5G, 6G hay một công nghệ sóng viba nào đó nhanh hơn, nhưng bạn đoán được chúng là gì không? Tất cả chúng chỉ là bước đầu tiên để đến với kết nối Internet toàn cầu, vì đâu đó trên đường truyền thì cuối cùng chúng cũng sẽ được gửi tới những sợi cáp quang để truyền đi giữa các lục địa với tốc độ rất cao bằng sợi quang.
Kết luận lại, tương lai của Internet sẽ là nhiều Internet hơn, tốc độ truy cập và truyền dữ liệu nhanh hơn, nhiều thiết bị thông minh được kết nối hơn và Internet sẽ còn vươn khỏi Trái đất của chúng ta. Đến thế hệ của bạn, có thể bạn sẽ chứng kiến Internet giữa các hành tinh.
Theo các ông, tương lai này của Internet có bao gồm Metaverse hay không?
Tiến sĩ Vinton Gray Cerf: Về Metaverse thì tôi cũng hy vọng thế, tuy nhiên Metaverse hiện vẫn đang dừng ở mức là một khái niệm quảng cáo thị trường, chúng ta vẫn chưa rõ nó thực sự có ý nghĩa như nào, tuy nhiên mọi người hiện tại đang rất hào hứng với thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Và nếu phải đánh cược về một công nghệ trong số các công nghệ nói trên thì tôi đặt cược vào thực tế tăng cường. Bởi vì công nghệ này sẽ giúp chúng ta học hỏi và hiểu biết về thế giới quanh ta tốt hơn các công nghệ khác, vì nó tận dụng được khả năng của con người về mọi thứ chúng ta nghe, cách chúng ta nhìn mọi thứ xung quanh.
Giáo sư Sir. David Neil Payne: Tôi muốn quay lại câu hỏi về Metaverse. Phía sau câu hỏi của bạn về tính thực tế của Metaverse là giả thuyết về việc tăng thêm băng thông cho Internet. Và riêng ở châu Âu thôi thì nhu cầu tăng băng thông cho Internet là 30%, là một con số lớn khủng khiếp.
Do vậy, câu hỏi quan trọng ở đây là làm thế nào chúng ta có thể tăng thêm băng thông để đáp ứng với nhu cầu tăng cao như vậy? Bạn muốn xem phim chất lượng 4K, 8K - điều đó đòi hỏi băng thông lớn vì nhiều dữ liệu hơn mới cho hình ảnh nét hơn được. Quay lại với câu hỏi của chính tôi đặt ra là chúng ta quả thật có một vài ý tưởng, ở mức độ phần cứng thì là chúng ta sẽ có những loại fiber mới, những bô khuếch đại khác và ở cấp độ phần mềm thì Vinton đã nói về những yêu cầu cho bảo mật, an ninh. Tôi thì khá là lạc quan về tương lai của Internet.
Internet trong 10 tới 20 năm nữa là vẫn dựa vào cáp quang. Nhưng sau đó thì sao, tôi không rõ, liệu chúng ta chỉ tiếp tục mở rộng mạng cáp quang? Bởi vì sẽ đến một thời điểm mà nếu chỉ lắp đặt thêm các cáp quang nó sẽ trở nên quá đắt đỏ.
Tiến sĩ Vinton Gray Cerf: Tôi có giải pháp khác cho vấn đề này. Thời điểm những năm 1960 mà rất nhiều người cùng sử dụng chung một máy tính. Bây giờ có một xu hướng đã xảy ra là phần tính toán của máy tính đã được chuyển tới các rìa của mạng. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể giảm yêu cầu về băng tần trên diện rộng bằng cách đặt các máy tính đó gần với người sử dụng cuối hơn hoặc là đẩy phần tính toán của máy tính luôn vào các thiết bị quanh bạn như điện thoại di động.
Hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng Internet đã thay đổi toàn thế giới. Vậy thì trong tương lai, sáng chế nào sẽ nối tiếp Internet để thực hiện xứ mệnh này?
Tiến sĩ Vinton Gray Cerf: Các bạn đã nghe về một trong số các sáng chế đó trong những ngày vừa qua. Ví dụ: cá nhân hoá chăm sóc sức khoẻ và thuốc, về khả năng để thay đổi cấu trúc tế bào để bảo vệ cơ thể của bạn khỏi ung thư và các loại bệnh khác, về năng lực sử dụng sức mạnh tính toán để hiểu được cách vận hành của thế giới sẽ trở nên cực kỳ quan trọng.
Theo chia sẻ, các nhà vật lý hiện nay chỉ hiểu ddu 5% về vũ trụ, họ chưa biết vật chất tối và năng lượng tối là gì. Nếu bạn muốn thắng giải Nobel, bạn nên nghiên cứu về thiên văn học vì chúng ta chưa biết gì nhiều về nó cả.
Giáo sư Sir. David Neil Payne: Internet sẽ là một phần của khám phá vĩ đại tiếp theo. Nhưng có 1 điều chúng chưa nói là về việc lưu trữ dữ liệu. Làm sao chúng ta lưu trữ tất cả những dữ liệu sẽ được sinh ra từ cách giao dịch ngân hàng, hình ảnh bạn chụp… Tôi nghĩ khám phá vĩ đại tiếp theo sẽ là cho việc lưu trữ dữ liệu cực kỳ lớn trong kỷ nguyên này.
Tiến sĩ Emmanuel Desurvire: Có một khái niệm là hạn chế Shannon. Cho những ai chưa biết, giới hạn Shannon hoặc dung lượng Shannon của kênh liên lạc đề cập đến tốc độ dữ liệu không có lỗi tối đa về mặt lý thuyết có thể được truyền qua kênh nếu liên kết có lỗi truyền dữ liệu ngẫu nhiên, đối với một mức nhiễu cụ thể. Tôi nghĩ khám phá lớn tiếp theo nằm ở các phương pháp mã hoá dữ liệu để đảm bảo việc truyền tin có thể giảm được tỉ lệ lỗi xuống còn 0%.
Xin cảm ơn những chia sẻ từ các nhà khoa học!