Có thể bạn thấy việc in logo một hãng cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh lên sản phẩm của mình là điều ngớ ngẩn, hoặc bỏ ra một số tiền khủng cho những chiếc hoodie, bomber rộng thùng thình không theo bất cứ một thứ logic nào là không đáng và càng ngớ ngẩn hơn. Bạn có thể ghét hoặc không quan tâm tới những gì Demna Gvasalia, người sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của Vetements đang làm, nhưng đây lại là nhân vật đang được làng thời trang bình luận nhiều nhất vào thời điểm hiện tại.
Điều gì đứng sau sự thành công của Demna Gvasalia? Tại sao cái tên đó lại có quá nhiều người quan tâm đến vậy? Và anh ta có thật sự mang lại một cách nhìn mới cho mọi người về thời trang hay không? Tôi nghĩ là có (nhưng bản thân Demna thì không) và sau đây chúng ta sẽ cùng xem, bằng cách nào anh chàng này đã chinh phục được thế giới thời trang và đưa đứa con của mình lên sân chơi quốc tế chỉ trong vòng vài năm.
Demna Gvasalia, người sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của Vetements, thương hiệu gây ồn ào bậc nhất thời gian qua.
Tuy còn rất mới mẻ, nhưng cái tên Demna Gvasalia và Vetements đã được đem ra làm chủ đề bàn luận rất nhiều từ những tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội của những siêu sao thế giới cho đến những trang báo thời trang uy tín. Còn đối với những tín đồ thời trang trên toàn thế giới, cái tên Vetements đã trở thành một hiện tượng. 5 năm – 1 quãng thời gian quá ngắn để có thể đạt tới cảnh giới mà Vetements có được như ngày hôm nay. Nếu không có sự tính toán kĩ lưỡng, một chiến thuật tỉ mỉ cũng như nếu không có nền tảng kinh tế có sẵn của anh em nhà Gvasalia thì Vetements sẽ không bao giờ có ngày hôm nay.
Hai anh em Demna và Guram Gvasalia
Guram – CEO của Vetements và cũng là anh trai của Demna, là người phụ trách mọi chi tiết trong kinh doanh, người đưa ra tất cả những quyết định và chiến thuật phát triển, còn Demna phụ trách tất cả về phần sáng tạo. Demna tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật, còn Guram chuyên ngành luật, kinh tế và là thạc sĩ về quản lý thời trang, với cách nhìn tinh tế và trừu tượng với những thứ đơn giản của mình và sự tính toán tỉ mỉ của người anh, 2 người đã cùng nhau xây dựng một cái tên của riêng mình.
"Thiếu còn hơn thừa, lúc nào cũng nên làm ra ít hơn một chiếc nếu bạn nghĩ thế là đủ, tất cả mọi thứ sẽ được bán hết, và trong tương lai các khách hàng sẽ nghĩ và đặt mục tiêu trước, mình nên mua cái gì, và đó sẽ là cơ hội duy nhất để mua món dồ họ muốn với mức giá hợp lý" - đó là cách làm việc của Guram. Và cơn sốt những chiếc áo in logo hãng chuyển phát nhanh DHL cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ có 250 chiếc được sản xuất và ngay sau đó, những chiếc áo này đã xuất hiện trên mạng với giá bán lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức giá ban đầu. Biểu tượng "sold out" trên mọi trang web kinh doanh thời trang trực tuyến trên thế giới là kết quả của sự tính toán của Guram.
"Tôi vẫn còn nhớ hồi tôi còn bé, bố mẹ tôi đã mua cho tôi một bộ quần áo thể thao adidas. Tôi thích nó tới mức mà chỉ dám để nó ở trong tủ và chỉ thi thoảng có dịp mới lấy ra để mặc, cho tới khi tôi lớn lên và không còn mặc được bộ quần áo đấy nữa. Đối với tôi hồi đó, sỡ hữu 1 bộ đồ adidas cũng giống như là bạn sở hữu 1 chiếc Lamborghini bây giờ vậy" - Demna từng chia sẻ. Sự trân trọng và cách nhìn tinh tế đối với những món đồ bình thường từ thuở bé đã hình thành cách nhìn nhận về thời trang của anh sau này, khi bắt đầu theo đuổi ngành thiết kế thời trang. Cho đến bây giờ, Demna vẫn chọn cách làm việc với những món đồ basic, những chiếc hoodie, jacket và những chiếc quần bò trị giá 20$. Ở Vetements, Demna vẫn xây dựng bộ sưu tập của mình qua ý tưởng xây dựng cả tủ đồ, thay vì thay đổi khái niệm và cách nhìn về thời trang sau mỗi mùa.
Demna cho biết: "Tiên phong, đổi mới – tôi không nghĩ về những chuyện đó. Tôi không nghĩ về việc phải thay đổi khái niệm và cách nhìn về thời trang, về những gì tôi muốn làm và đã làm. Tôi chỉ làm những gì tôi thích, những gì tôi muốn và những gì tôi sẽ mặc". Và anh ta đã đúng – thế giới thời trang đã cảm thấy quá nhàm chán với những món đồ rập khuôn không hồn. Ready-made của Vetements như 1 bản hit mới xé toang sự im lặng của dư luận và trở thành chủ đề để bàn luận mới dành cho các tín đồ thời trang ngay từ lúc mới xuất hiện.
Các tuần lễ thời trang giờ đây dường như chẳng thể thiếu mặt Vetements.
Sự hợp tác giữa các thương hiệu thời trang đã không còn là điều mới lạ nhưng show diễn Xuân Hè 2017 của Vetements đã thực sự đi vào lịch sử của ngành thời trang toàn cầu. 17 hãng trong chỉ 1 show diễn! Vì không đủ thời gian để chuẩn bị cho tuần lễ thời trang, họ đã nghĩ ra cách giải quyết bằng cách kêu gọi sự hợp tác từ những hãng thời trang khác, 17 cái tên đã được mời, trong đó có Levi’s, Dr. Martins, Manolo Blahnik, Comme des Garcons, Juicy Couture. Và thêm 1 lần nữa, ý tưởng xây dựng tủ đồ đã được áp dụng, những hãng được chọn ra làm đối tác hợp tác được cả đội chọn lọc theo chỉ tiêu "ai là người làm tốt nhất".
Ai là người làm giày tốt nhất? Ai là người làm quần bò tốt nhất? Vetements tập trung vào mảng thiết kế, còn về phần sản xuất các đối tác đã tự lo và hoàn thành 1 cách xuất sắc.
Vetements x Brioni
Vetements x Juicy Couture
Vetements x Comme des Garcons
Sau sự ra đi của Alexander Wang, Demna Gvasalia đã được chọn làm giám đốc sáng tạo mới của Balenciaga. Anh đã lại 1 lần nữa khẳng định được khả năng của mình trong vai trò là nhà thiết kế chính của 1 hãng thời trang tên tuổi. Vẫn tạo điểm nhấn vào phong cách thời trang trẻ trung, năng động, nhưng cũng rất cầu kỳ, Demna đã quyết định giữ lại điều này ở trong ADN của Balenciaga. Với mức vốn kinh nghiệm sau khi đã làm cho Louis Vuitton và Maison Margiela, Demna cho thấy khả năng sáng tạo và độ tỉ mỉ đến điên rồ của mình qua những bộ quần áo "dị", những chiếc quần jeans, áo denim được tẩy màu, sau đó được cắt ra, và lại được ghép lại từng mảnh, rồi lại được nhuộm lại; những chiếc áo trượt tuyết cũng như những chiếc áo bông không giống ai, với cách mặc lạ mắt đã tạo cho người nhìn 1 cách nhìn mới về chúng. Vẫn là những món đồ quen thuộc, nhưng được thể hiện bằng một cách hoàn toàn mới mẻ.
Demna Gvasalia thay đổi những thứ đơn giản thành những thứ cầu kỳ và cách nhìn vào những thứ quen thuộc.
Cơn sốt Balenciaga Demna Gvasalia vẫn chưa hề nguội với các tín đồ thời trang thế giới.
Rihanna cũng là 1 trong những khách hàng quen thuộc của Vetements/Balenciaga.
Là một tín đồ thời trang với sở thích khá dị, G-dragon cũng không thể bỏ qua sự xuất hiện của Vetements.
Sơn Tùng M-TP cũng là fan của Vetements/Balenciaga.
"Ở Vetements bình thường sẽ là "Ôi trời ơi, nhìn đúng là dị thật, đúng kiểu tôi thích!" nhưng Balenciaga lại khác, Balenciaga là nơi của những điều tốt đẹp" – Demna vẫn cố chia rõ ranh giới giữa hai hãng thời trang nơi anh làm việc, nhưng đôi khi anh vẫn chưa thực sự làm tốt được điều này. Có những thứ vẫn được sử dụng ở cả 2 brands, thí dụ như những đôi giày ống siêu cao cổ, hoặc những chiếc váy có hoạ tiết hoa hay chất liệu latex. Demna không chỉ áp dụng những chất liệu yêu thích của mình vào cả hai thương hiệu anh đang phụ trách mà còn biến những món đồ bình thường trở thành "IT item", như chiếc áo in logo DHL là 1 ví dụ.
Cảm tưởng như cơn cuồng logo đã qua rồi, nhưng lại không phải thế. Đến cả CEO của DHL Ken Allen còn đăng tải ảnh bức ảnh mình diện áo logo DHL của Vetements sau khi mua được nó.
Chiếc sweatshirt Titanic của Vetements là một trong những điểm nhấn khó quên nhất trong công cuộc thay đổi phong cách của diva Celine Dion.
Nguồn tham khảo: Harper's Bazaar & VK