Không ít người dường như không chú ý lắm tới vấn đề trang phục khi tham gia phỏng vấn visa du học Mỹ. Trang phục là một trong những điều làm nên ấn tượng ban đầu với người phỏng vấn và là hình dung, cảm nhận đầu tiên của họ với bạn.
Tính chất chung trong trang phục khi phỏng vấn là lịch sự, có thể nghiêm túc một chút, để tỏ sự tôn trọng của bạn với phỏng vấn viên. Với nam, các bạn nên chọn áo sơ mi, quần sẫm màu và đầu tóc gọn gàng. Các bạn nữ lưu ý không nên trang điểm quá đậm hay lòe loẹt khiến họ nghĩ rằng bạn chú trọng việc đầu tóc hơn là sự nghiệp học tập. Tiêu chí trang phục trên sẽ giúp bạn tự tin và chủ động trong quá trình phỏng vấn visa.
Bạn có biết một ngày phỏng vấn viên lãnh sự quán phải thực hiện phỏng vấn rất nhiều người. Vì vậy áp lực công việc khiến họ căng thẳng, cáu gắt là điều dễ hiểu. Đừng "đổ thêm dầu vào lửa" bằng sự bực tức, cau có của bạn với phỏng vấn viên, hãy biết tiết chế và điều khiển cảm xúc dù có thể bạn là người phỏng vấn cuối cùng.
Thể hiện sự tích cực chủ động bản thân qua việc chào và mỉm cười tươi với họ ngay cả khi phỏng vấn viên dường như phớt lờ, không chú ý lắm. Để ý, tìm kiếm và cố gắng đón lấy ánh nhìn của họ khi họ hướng về bạn. Khi trả lời câu hỏi hãy nhìn thẳng vào phỏng vấn viên, nếu không tự tin nhìn vào mắt, bạn có thể nhìn vào các chi tiết như trán, cằm hay vai miễn sao bạn luôn giữ sự trực diện với người phỏng vấn.
Một điều lưu ý với du học sinh khi phỏng vấn xin visa Mỹ là việc hạn chế "thời gian chết" (khoảng trống) trong quá trình trao đổi. Khi bạn trả lời cố gắng đừng đưa ra những câu trả lời cụt ngủn như "có" hoặc "không" mà phải biết dẫn dắt, kéo dài và tăng cường thông tin cho câu trả lời.
Khi phỏng vấn viên tập trung ghi chép lại câu trả lời của bạn đừng ngồi ngây ra đó mà cần chủ động tạo ra câu chuyện, ấn tượng và ghi điểm. Họ vẫn có thể và luôn lắng nghe bạn mà. Bạn có thể đề nghị được chia sẻ về kế hoạch học tập, kỷ niệm và tình yêu với nước Mỹ hoặc thời điểm dự kiến trở về nước làm việc. Tuy nhiên nếu họ ra hiệu giữ yên lặng thì bạn nên tuân theo và để họ tập trung làm việc.
Dù kết quả có như thế nào sau buổi phỏng vấn bạn cũng cần giữ thái độ tôn trọng và thể hiện sự biết ơn vì đã dành thời gian và cơ hội của lãnh sự quán, phỏng vấn viên cho mình.
Nên nhớ cuộc phỏng vấn của bạn được phỏng vấn viên ghi lại lý do đậu hoặc trượt. Gặp một phỏng vấn viên thân thiện mà bạn thấy qua toàn bộ cuộc trao đổi trước đó, bạn có thể xin họ cho biết vì sao bạn trượt (nếu gặp trường hợp này) để có thêm kinh nghiệm và cải thiện trong lần sau. Tuyệt đối không bày tỏ thái độ tức giận, hằn học với phỏng vấn viên.
Cuộc phỏng vấn visa du học Mỹ không chỉ đơn thuần là buổi trao đổi để hiểu biết nhau giữa phỏng vấn viên và ứng viên du học xin cấp visa đó còn là cả một nghệ thuật giao tiếp. Phần lớn trong các tình huống chủ động luôn giúp bạn ghi điểm và tạo ấn tượng tốt với người giao tiếp tương tự như với người phỏng vấn của lãnh sự. Chúc bạn thành công.