“Tôi là Nguyễn Vũ Quốc Anh, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Gab Group sẽ chính thức mở cuộc họp báo nhằm giải đáp các thắc mắc về việc đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng”, Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986, chia sẻ trên trang cá nhân.
“Việc đăng ký kinh doanh vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng đã làm xôn xao dư luận, đã khiến cho rất nhiều người thắc mắc và đặt ra nhiều nghi vấn về tập đoàn chúng tôi”, Quốc Anh cho biết.
Cuộc họp báo được tổ chức vào sáng 15/6. Bên cạnh việc giải đáp các thắc mắc về đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, Quốc Anh cho biết sẽ giới thiệu sơ về Gab Group.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đang khiến dư luận xôn xao khi thành lập Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu vào tháng 5/2021 với số vốn điều lệ là 500.000 tỷ đồng tại TP.HCM. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh. Ngoài ra, ông Quốc Anh là cá nhân đăng ký góp 499.998 tỷ đồng, chiếm 99,99% cổ phần.
Chưa kể, ông Quốc Anh còn góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn Cầu. Sở hữu số cổ phần tại ba doanh nghiệp nói trên của ông Quốc Anh lên đến 500.076 tỷ đồng.
Đáng nói, ông Quốc Anh lại ở nhà cấp 4, đi thuê văn phòng ảo với giá 1,2 triệu đồng/tháng để làm việc. Trả lời Tiền Phong, ông Quốc Anh nói rằng, số vốn trên là thật. “Mọi người nghĩ số vốn này là quá lớn, nhưng đối với chúng tôi không có gì ghê gớm. Nhiều khi tiền tôi kéo về còn hơn số đó, hơn 500.000 tỷ đồng có là gì đâu”, ông Quốc Anh nói.
CEO này nói thêm, sau khi đăng ký số vốn này, có nhiều ý kiến khác nhau, làm ảnh hưởng uy tín, làm phiền đến cuộc sống của ông. Do đó, ngày 15/6, ông sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với tất cả mọi người, ai muốn đặt câu hỏi gì thì ông sẽ trả lời. Ngày đó, ông cũng sẽ đưa sản phẩm ra cho mọi người thấy là bên công ty đang làm thật, có chủ đầu tư góp tiền vào đàng hoàng.
Trong khi đó, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM nói rằng, có không ít doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh, họ tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ như là một sự lòe thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ. Tuy nhiên, luật pháp không quy định việc đăng ký vốn điều lệ sẽ bị giới hạn bởi một con số tối đa.
Thông thường, để thành lập một doanh nghiệp, các thành viên sáng lập thường ngồi với nhau bàn bạc để xây dựng điều lệ công ty hoặc thống nhất với nhau rất nhiều thứ (số vốn góp, cơ cấu tổ chức hoạt động, nhiệm vụ và vị trí của các thành viên...). Vì thế, việc quyết định lựa chọn số vốn điều lệ cũng đã có sự cân nhắc nhằm đảm bảo được khả năng góp vốn của các bên.
Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sinh sống
Nói như vậy, không có nghĩa là tất cả các sáng lập viên công ty đều làm điều đó, mà cũng có không ít doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh, họ tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như là một sự "lòe" thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ.
Họ cũng không thực hiện việc giảm vốn điều lệ theo các quy định nếu không góp đủ. Hoặc, họ cũng không ý thức được trách nhiệm của mình trong trường hợp công ty thua lỗ, họ phải chịu trách nhiệm trên số vốn đang sở hữu trong công ty, dẫn đến khá nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ ảo.
Do đó, chúng ta cần nâng cao công tác giám sát trong việc doanh nghiệp có thực hiện việc góp vốn theo vốn điều lệ đã đăng ký hay không, doanh nghiệp có thực hiện thủ tục giảm vốn nếu không góp đủ hay không, để từ đó sớm phát hiện các vi phạm nhằm xử phạt doanh nghiệp.
Đồng thời, đưa các doanh nghiệp quay lại trạng thái vốn thực tế của mình. Và để làm được tốt việc quản lý, bên cạnh khâu giám sát, chúng ta cũng cần nâng mức phạt vi phạm hành chính lên, không phạt ở mức 10 - 20 triệu như hiện nay và cần giải thích luôn cho các chủ doanh nghiệp biết lúc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh.