Tại toạ đàm "Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường mạng" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức ngày 5/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, cả nước hiện còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động trên môi trường mạng.
Các nhà mạng đã có kế hoạch giảm dần số thuê bao này và đang triển khai với mục tiêu đến tháng 9/2024, sẽ không còn những thuê bao này nữa.
Lợi ích khi dừng công nghệ 2G
Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử chia sẻ, việc tắt sóng 2G không phải là sáng kiến của Việt Nam, chúng ta đang bước theo xu hướng của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT.
Đến nay, có hơn 100 nhà mạng từ hơn 70 quốc gia đã tắt 2G. Trong số này có quốc gia đã tắt 2G từ những năm 2017. (Ảnh minh hoạ)
Theo ông Đoàn Quang Hoan, có 3 mục tiêu cơ bản khi tắt sóng 2G bao gồm: đối với xã hội khi tắt sóng 2G giúp người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp; đối với doanh nghiệp sẽ giảm bớt chi phí khai thác, góp phần xã hội phát triển công nghệ xanh; đối với nhà nước khi tắt 2G sẽ giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả quan trọng, phù hợp với chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Phong Nhã cũng nhấn mạnh, các đơn vị đã có đề xuất tắt sóng 2G từ năm 2016. Một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G. Điều này sẽ giảm thiểu những khó khăn cho các thiết bị phát sóng. Đây là chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT, được các doanh nghiệp, nhà mạng ủng hộ.
"Đến năm 2030, định hướng của Bộ TT&TT sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nhã thông tin.
Đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết, để chuẩn bị lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra. Tháng 7/2021, Bộ đã ban Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất", bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Bên cạnh đó, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng để triển khai mạng 2G cũng sẽ hết hạn vào tháng 9/2024. Do đó, việc tắt sóng 2G là một lộ trình không thể đảo ngược.
Tại thời điểm hiện nay, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng lớn tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ thấp, quy hoạch lại các băng tần 1800MHz, 1900MHz, tới đây sẽ không phục vụ cho máy 2G Only…
Ngoài việc ưu đãi cho khách hàng cước data, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị các dòng điện thoại "cục gạch" 4G giá rẻ, chỉ dùng cho dịch vụ thoại và nhắn tin, nhằm phục vụ cho lớp khách hàng có nhu cầu này.
Bộ TT&TT cũng tính đến phương án quyết liệt hơn là sẽ khóa, không để các dòng máy 2G gia nhập mạng mới mà chỉ duy trì những điện thoại 2G hiện đang sử dụng trên hệ thống.
Như vậy, sẽ ngăn chặn được dòng điện thoại "cục gạch" nhập lậu tràn vào Việt Nam làm ảnh hướng đến lộ trình tắt sóng 2G. Đây cũng là biện pháp đưa nhanh người dân lên môi trường số.
Hỗ trợ người dân chuyển 2G lên 4G
Đại diện nhà mạng Viettel cho rằng, Viettel sẽ hỗ trợ dịch vụ một phần giá cước cho khách hàng, đưa giá dịch vụ 4G về mức rất thấp, tiệm cận, thậm chí còn thấp hơn dịch vụ 2G hiện nay, nhằm phù hợp với nhu cầu chi trả của khách hàng. Viettel cũng hỗ trợ đến 50% giá máy cho khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G, bao gồm cả máy smartphone, feature phone.
Các nhà mạng sẽ có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang thiết bị 3G, 4G. (Ảnh minh hoạ)
Còn theo đại diện VNPT, nhà mạng này sẽ tặng smartphone, trợ giá cho những khách hàng đang sử dụng 2G only sinh sống ở một số khu vực vùng sâu, xa, hải đảo... để giúp người dân chuyển đổi sang công nghệ 3G, 4G.
Cuối năm nay (2023), VNPT sẽ áp dụng công nghệ mới để phát hiện những thuê bao không tuân thủ các quy định pháp luật, để nhà mạng có thể dễ dàng quản lý.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, các nhà mạng cũng cần có những thống kê từ các quận, huyện ở mọi khu vực trên cả nước, từ đó có các phương án hỗ trợ người sử dụng ở một số vùng khó khăn chuyển sang công nghệ mới.
"Bộ TT&TT phối hợp cùng chính quyền địa phương, huy động nguồn hỗ trợ từ việc xã hội hoá để giúp đỡ người dân thuộc diện trong chính sách có thể chuyển đổi sang 4G một cách đồng bộ", ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo trong quá trình chuyển đổi đối với các đối tượng được hỗ trợ cũng rất quan trọng. Điều này giúp họ làm quen với công nghệ mới, giảm thiểu mất cước sử dụng dịch vụ không mong muốn, phát hiện và tránh vào các ứng dụng giả mạo.