Kubu là một hòn đảo đá granite khô nằm trong lòng chảo muối Makgadikgadi của Botswana, quốc gia ở Nam Phi. Nó cách thị trấn khai thác mỏ Orapa và Letlhakane vài cây số. Toàn bộ hòn đảo được chỉ định là di tích quốc gia, đồng thời là địa điểm linh thiêng của người bản địa trong khu vực.
Makgadikgadi: Tập hợp của những chảo muối khô mặn như "vùng đất chết"
Makgadikgadi là một chảo muối nằm giữa hoang mạc cằn cỗi, chiếm hẳn 70% diện tích của Botswana - Kalahari. Đây là chảo muối lớn nhất thế giới, có diện tích trên 30.000 km2. Xưa kia, khu vực này từng là một vùng hồ mênh mông, rộng tới 80.000 km2. Tuy nhiên, vào khoảng 10.000 năm trước, hồ nước bắt đầu cạn, cuối cùng để lại những vũng muối khổng lồ.
Chảo muối Makgadikgadi
Theo ngôn ngữ của người San - tộc bản địa tại đây, đồng thời là dân tộc có truyền thống săn bắn, hái lượm nổi danh của vùng phía nam Châu Phi - thì Makgadikgadi có cùng nguồn gốc ngữ nghĩa với tên của sa mạc Kalahari. Cả 2 đều có nghĩa là "vùng khát cháy".
Đúng như cái tên, Makgadikgadi thật sự nóng bỏng. Nó được bao phủ bởi một lớp đất sét vừa khô vừa mặn, còn khí hậu thì nóng kinh hồn, có lúc lên đến cả 40 độ C. Chưa kể, nơi đây còn vô cùng hiếm ao hồ có nước. Tất cả những gì sự sống ở Makgadikgadi có thể trông chờ chỉ là mưa rơi xuống từ trên trời.
Thú vị là bản thân Makgadikgadi không phải là chảo muối duy nhất. Nó thật ra là tập hợp của các chảo muối con, dù diện tích không hề "con" chút nào. Trong đó có 3 chảo muối lớn nhất là Sua, Nwetwe và Nxai, với diện tích rơi vào tầm 4921 km2.
Vẫn nhộn nhịp sự sống bậc nhất hành tinh
Mặc dù hiếm nước có sẵn trên mặt đất, song Makgadikgadi lại có được "thiên thời". Mùa mưa (khoảng từ tháng 1-3) vừa sang, trời vội vã đổ những trận mưa như trút, khiến cho lòng chảo rộng mênh mông bất chợt ngập tràn nước.
Cỏ cây chớp cơ hội, điên cuồng nảy mầm đâm lá, khiến toàn khu vực thoắt cái đã trở nên xanh tốt. Ngựa vằn, linh dương đầu bò, voi và vô số các động vật ăn cỏ khác nô nức kéo nhau về, biến cái chảo muối tưởng chừng không hề tồn tại sự sống thành ra đông vui vào hàng bậc nhất.
Có hồ ngập nước tất cũng sớm có những loài chim ưa tôm cá tới tấp bay về. Trong suốt mùa mưa, chim hồng hạc mọi miền vùng Nam Phi đua nhau vỗ cánh hướng tới Makgadikgadi. Tại đây, chúng vừa kiếm ăn vừa sinh sản, nuôi dưỡng con non.
Ngoài hồng hạc, Makgadikgadi còn đón nhiều loài chim nước khác như bồ nông, vịt, ngỗng... Nó trở thành thiên đường với những người yêu chim chóc trên toàn cầu.
Đáng yêu hơn nữa là bạn còn có thể tận mắt chiêm ngưỡng nhà chồn Meerkat. Dù có ngắm nhìn bao nhiêu lần đi nữa trái tim của chúng ta vẫn cứ bị đàn chồn "muôn con một điệu" này đốn gục.
Ngay cả trong mùa khô, khi toàn bộ lòng chảo rơi vào hạn hán nghiêm trọng, Makgadikgadi vẫn vô cùng ồn ã bởi những đợt động vật có vú di cư rầm rộ. Đặc biệt, nơi này còn là vùng "tổ chức" cuộc di cư ngựa vằn dài nhất Châu Phi.
Thế giới của những cây bao báp hùng vĩ nhất thế gian
Tiến vào chảo muối "con" Nxai, trước mắt bạn còn là cả một cánh đồng rừng bao báp ngàn năm tuổi. Nhưng cũng đừng vội kết thúc hành trình khám phá tại đây mà hãy hướng tới Sua. Chính trong cái "lòng chảo con" lớn nhất của Makgadikgadi này, bạn sẽ bắt gặp một hòn đảo đá granite bị cô lập tràn ngập những thân bao báp trắng vĩ đại.
Về cơ bản, bao báp là một loài thực vật thuộc họ Gạo (Bombacaceae). Cây trưởng thành có chiều cao từ 5m trở lên. Một số cây có thể đạt độ cao ngoài 30m, nhưng thường thì chúng chỉ cao trong tầm 20-25m mà thôi.
Cái độc đáo của nhà bao báp là chúng thuộc loại thân mọng nước. Nhờ tích trữ được cả tầm 120.000 lít nước trong thân cây nên bao báp bất chấp khí hậu khô hạn của sa mạc. Khi mùa khô tới, chúng còn biết rụng lá để giảm thiểu thoát nước.
Dẫu chỉ là một mỏm đá cao có hơn 9m một chút, nhưng trong cái lòng chảo Sua vốn trũng nhất Makgadikgadi, Kubu vẫn đủ để trở thành "tháp quan sát" toàn cảnh. Trèo lên đỉnh Kubu, chầm chậm xoay đủ 360 độ, tất cả cảnh quan Sua sẽ thu vào tầm mắt bạn.
Dưới chân Kubu, toàn bộ Sua trắng xóa như bị tuyết phủ. Có điều, cái lớp trắng xóa ấy không phải tuyết mà là muối. Những trảng muối kéo dài, trải rộng, bao gồm đủ các loại muối tự nhiên, từ natri clorua đến natri cacbonat, natri bicarbonate, natri sunfat… Mỗi năm, nhờ Sua mà Botswana thu hoạch cả 450.000 tấn muối.
Cây bao báp
Mùa mưa, Sua cũng ngập đầy nước, khiến Kubu như hòn đảo nổi giữa hồ. Vì trũng nhất nên nó giữ được lượng nước quý giá này sang cả tháng 4-5. Tất nhiên, những "khách quen" động vật hoang dã thường niên cũng tập nập kéo vào.
Thêm vào đó, Kubu còn là nơi lưu giữ nhiều đồ vật tạo tác và tàn tích đá từ thời tiền sử, trước cả thời đại của Người tinh khôn (Homo sapien). Trong ngôn ngữ của người Kalanga, một dân tộc bản địa sống quanh khu vực chảo muối Makgadikgadi, thì "Kubu" có nghĩa là "tảng đá lớn". Còn theo tiếng Tswana - bộ tộc bản địa Châu Phi cũng cư trú quanh vùng, thì nó có nghĩa là "hà mã".
Tham khảo: Africa Geographic, Atlas Obscura