Đó là câu chuyện của Kim Ngân (1998, Hà Nội) gặp phải vào đầu năm ngoái. Thời điểm đó, cô cho người thân vay tiền sau khi nghe chị họ trải qua nhiều chuyện xui xẻo, nào là cần tiền đóng bảo hiểm sức khỏe gấp nhưng lương bị cắt giảm do chính sách công ty. Nhân vật này nói thêm, do có mâu thuẫn với gia đình nên chị họ không thể vay tiền từ người thân, mà chỉ có thể trông cậy vào Kim Ngân.
Sau một buổi đi trà chanh lắng nghe câu chuyện từ chị họ, Kim Ngân mủi lòng nên quyết định chuyển khoản cho chị vay tiền luôn. Vì là người thân, nên Kim Ngân cho chị vay tiền không cần lãi suất, cùng với lời hứa “4 tháng sau" trả tiền từ người chị.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm khởi đầu cho chuỗi hành trình đòi nợ gian nan của Kim Ngân. “Phải đến 5 tháng sau, tức quá hạn trả nợ 1 tháng, mình liên hệ với chị để đòi được tiền, nhưng chị lại nói chưa chuẩn bị kịp. Sau đó, chị xin mình cho khất nợ thêm 2 tháng. Sau 2 tháng, chị lại nói do gia đình có chuyện khó khăn nên chị xin hoãn trả nợ thêm 1 tháng.
Cứ như thế, món nợ vốn dĩ cần được trả sau 4 tháng thì đến gần 1 năm sau mình mới đòi lại được trọn vẹn 30 triệu đồng. Đáng nói, mình cho chị mượn tiền nhưng chị không bao giờ chủ động thông báo trước thời gian trả tiền, sẽ trả lại mình bao nhiêu. Mà mình luôn là người chủ động trong câu chuyện đòi nợ. Lần đòi nợ gần nhất, mình gần như phải ‘xin’ lại tiền, với lý do bản thân đang cần tiền gấp, thì mới được thanh toán hết một thể", Kim Ngân nhớ lại.
Ảnh minh hoạ
Sau đó, Kim Ngân phát hiện, trong quãng thời gian này, dù cô phải sống chắt bóp để cho chị họ mượn tiền. Nhưng “con nợ" lại sống khá tốt, thường xuyên đăng ảnh đi du lịch và ăn uống sang chảnh.
“Bên cạnh đó, thông qua một người thân, mình biết lúc còn mang nợ, lương của chị họ đã tăng gấp đôi so với trước đây. Tuy nhiên, dù có tiền dư dả thì chị vẫn không đặt mục tiêu trả nợ cho mình lên hàng đầu. Thay vào đó, chị trích phần lớn tiền mặt để đóng bảo hiểm theo tháng và đi đầu tư. Nói cách khác, việc trả nợ cho mình luôn là ưu tiên cuối cùng của chị trong phân bổ thu nhập hàng tháng”.
Nhật Hằng (1997, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm ngoái, bố cô nhận làm vị trí quản lý quán cafe và khách sạn nhỏ dưới quê cho người thân. Ban đầu, bố cô rất hào hứng với công việc này.
“U60, nghỉ hưu rồi mà có công việc kiếm được đồng ra đồng ra, lại không phải công việc tay chân thì bố mình mừng lắm. Vả lại, công việc do em họ của bố, tức chú của mình mang lại thì cũng uy tín và có thể tin tưởng được.
Bố mình nói công việc quản lý tương đối nhàn hạ, nhưng nhược điểm là lương hơi thấp, chỉ có 7 triệu đồng/tháng. Ban đầu, mình có nói với bố là lương này chú trả cho bố ‘bèo bọt' quá, nên bố cần trao đổi lại thẳng thắn đề xuất tăng lương đi. Bởi bố mình vừa kiêm vị trí quản lý quán, lại còn tìm kiếm khách hàng mới.
Tuy nhiên, bố nói rằng cuối năm chú hứa hẹn có thưởng cho bố một khoản khá lớn. Do đó, với tâm thế một người muốn học hỏi kinh doanh, lại hào hứng vì có đồng ra đồng vào ở tuổi xế chiều, bố mình làm việc rất nhiệt tình. Cả quán cafe và khách sạn khởi điểm đều mới mở, nhưng sau một năm đã có lượng khách ổn định. Nên bố mình càng kỳ vọng cuối năm nhận lại khoản tiền thưởng xứng đáng", Nhật Hằng kể.
Đến dịp Tết âm, bố Nhật Hằng bất ngờ khi chỉ nhận về khoản thưởng Tết là 30 triệu đồng. “Có thể với nhiều người, 30 triệu đồng là con số thưởng Tết lớn. Nhưng với trường hợp của bố, nếu lấy 30 triệu chia cho 12 tháng làm việc, tính ra mỗi tháng bố mình chỉ nhận được thêm chưa đến 3 triệu đồng/tháng, bên cạnh lương cố định là 7 triệu đồng/tháng. Nói cách khác, mỗi tháng tiền lương của bố mình chưa đến 10 triệu đồng.
Mình nghe bố kể, khi vừa mở phong bì, đếm chỉ được 30 triệu đồng thì bố đã đặt ngay cục tiền ở nhà chú ấy và ra về. Bởi bố thấy số tiền này hoàn toàn không xứng đáng với công sức một năm làm việc của bố".
Sau một hồi tranh cãi, người chú chủ động gửi thêm 20 triệu đồng cho bố Nhật Hằng, tức là tổng tiền thưởng Tết nhận được là 50 triệu đồng. Lúc này, bố cô nàng mới nguôi ngoai cơn giận.
“Tuy nhiên, đó sẽ là bài học cho bố mình khi làm ăn. Bởi từ trước đến giờ, khi làm ăn với người thân, bố mình không bao giờ trao đổi cụ thể tiền lương muốn nhận được ngay từ đầu.
Bố mình nói, sau vụ này, cạch mặt nhau với người chú là không thể xảy ra. Nhưng mối quan hệ cũng dần rạn nứt. Và bố sẽ cố gắng học hỏi kinh nghiệm làm ăn sớm, để nhanh chóng tự mở một cửa hàng và không còn phụ thuộc tiền nong vào người anh em này”, Nhật Hằng cho biết.
“Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát" - có lẽ là lời khuyên đúng đắn nhất với những người từng làm ăn chung hay cho vay mượn tiền bạc với người thân.
Sau trải nghiệm cá nhân, Kim Ngân cho biết cô sẽ không dễ dàng cho người thân mượn tiền mà không có cam kết rõ ràng về thời hạn trả. Đồng thời, người chị họ cũng sẽ rơi vào “blacklist", tức những người mà cô không thể tin tưởng được khi cho vay mượn tiền. Trong khi đó, bố Nhật Hằng cũng rút ra bài học, kể cả khi làm ăn với người thân thì cũng cần hợp đồng rõ ràng, thay vì chỉ thỏa thuận miệng và kỳ vọng đối phương đáp ứng đúng nguyện vọng.
Tiền bạc luôn có thể trở thành “nút thắt" khiến cho mọi mối quan hệ tệ đi. Do đó, trong mọi hoạt động có dính dáng đến tiền nong, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng về đối phương, liệu họ có phù hợp để bạn làm ăn hay cho mượn tiền hay không. Đồng thời, hãy nhớ nguyên tắc đừng bao giờ để bản thân vào tình thế bị động, chẳng hạn như cách Kim Ngân cho chị họ mượn tiền khi thiếu thốn tiền nong, hay bố của Nhật Hằng chấp nhận làm ăn cùng người anh em khi không có hợp đồng lao động rõ ràng.