Đối với học sinh, thầy cô không chỉ là người dạy tri thức mà con như người cha, người mẹ thứ hai, quan tâm dìu dắt các em trưởng thành. Không ít người thầy vô cùng tâm huyết, luôn để ý đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống học sinh, bao bọc các em kịp thời, từ đó truyền cho học sinh năng lượng tích cực, lòng đam mê học tập và không ngừng phấn đấu trong cuộc sống.
Câu chuyện có thật xảy ra ở Trung Quốc mới đây chính là một minh chứng. Nhờ sự quan tâm của cô giáo, em học trò nghèo đã lấy lại tinh thần học tập, quyết tâm thành công. Sau này em đã tìm về báo đáp lại người giáo viên năm xưa.
VIỆC LÀM NHỎ CỦA NGƯỜI THẦY, THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI HỌC SINH
Vào năm 1980, cô Trương Dung Tú là giáo viên tại trường Tiểu học số 1, huyện Ngô Xuyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây cũng là ngôi trường cô từng tốt nghiệp và bắt đầu dạy học từ năm 1973. Là giáo viên chủ nhiệm, cô Trương phải sát sao hơn với học sinh. Không chỉ giáo dục các em học giỏi mà còn phải quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của từng học sinh.
Thông thường vào cuối mỗi buổi học, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, cô thường ở lại dạy phụ đạo thêm cho học sinh yếu. Cô Trương khi ấy 31 tuổi, chỉ mong những học sinh này có thể theo kịp các bạn khác trong lớp.
Cũng trong khoảng thời gian dạy phụ đạo, cô Trương để ý nhiều hơn tới một nam sinh tên Trần Chí Đức, luôn mặc quần áo vá, trông luộm thuộm. Thành tích học tập của Chí Đức cũng đội sổ lớp. Tuy nhiên thời điểm đó, cô Trương chưa biết nhiều về hoàn cảnh gia đình của em này. Tuy nhiên cái tâm của người nhà giáo luôn nhắc nhở cô phải quan tâm Chí Đức nhiều hơn.
Một năm trôi qua rất nhanh. Sau nghỉ lễ, học sinh vui vẻ đến lớp nhưng Trần Chí Đức lại vắng mặt. Cả lớp đều không biết tại sao cậu bạn nghỉ. Quá lo lắng, vào thứ Bảy trong tuần, cô Trương đã đạp xe năm cây số đến ngôi làng gia đình Trần Chí Đức đang sinh sống.
Cảm giác đầu tiên của cô Trương khi thấy nhà của học sinh là một nỗi chua xót. Căn nhà chẳng có đồ đạc gì, quả thực là nhà tranh vách đất. Lúc này Trần Chí Đức đã về nhà, khi nhìn thấy cô giáo, cậu nhóc không dám ngẩng đầu. Có lẽ nam sinh này sợ giáo viên sẽ coi thường mình, và cũng thấy có lỗi vì trong nhà không có gì để tiếp đãi cô giáo.
Cô Trương chỉ vào bức ảnh các em học sinh ngày trước.
Khi biết Trần Chí Đức bị bố cho thôi học ở nhà, cô Trương đã chủ động khuyên nhủ: "Kiến thức có thể thay đổi em ấy và chỉ em ấy mới có thể học tốt hơn trong tương lai". Bố Trần Chí Đức sau đó cho hay, ông muốn cho con đi học nhưng điều kiện gia đình không cho phép, vì gia đình đông con, quá vất vả, thiếu thốn.
Tuy nhiên dưới sự giải thích kiên trì của cô Trương, Trần Chí Đức cuối cùng được đi học lại. Trong thâm tâm cậu học trò nhỏ hiểu rằng, nếu không có cô giáo, bản thân sẽ trở thành người thất học, phải đi làm ngay khi mới tốt nghiệp cấp 2. Trần Chí Đức vì vậy luôn biết ơn cô giáo, hạ quyết tâm phải trở nên nổi bật, đạt được thành tích học tập tốt.
Cô Trương là một nhà giáo tâm huyết.
Năm thứ 3 bậc THCS, Chí Đức được nhận vào trường THPT trọng điểm. Đúng lúc này, mẹ em đột ngột qua đời. Cú sốc không khiến cho Chí Đức gục ngã mà ngược lại thôi thúc em càng phải học tập chăm chỉ hơn.
Trong những ngày được nghỉ học, Trần Chí Đức thường sang nhà cô giáo Trương để giúp cô dọn dẹp và tâm sự. Nam sinh này cũng luôn thầm nhủ, phải học giỏi để báo đáp cô giáo.
Năm 1982, Trần Chí Đức tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học và đạt thành tích rất tốt, điểm thi đứng thứ hai trong huyện. Năm nhất đại học, nam sinh nhận thêm tin dữ, bố cậu đã qua đời. Không có điều kiện tài chính nên Chí Đức càng phải tằn tiện hơn. Biết chuyện này, cô Trương đã gửi cho Chí Đức 20 NDT để mua giày, trong khi tiền lương khi đó của cô chỉ vỏn vẹn 37 NDT/tháng. Cảm động trước tấm lòng của cô giáo nhưng Chí Đức quyết định từ chối.
Năm 2003, Trần Chí Đức hoàn thành chương trình tiến sĩ và có được công việc rất tốt. Thời gian trước đó, Chí Đức thường xuyên ghé thăm nhà cô giáo, hỏi han điều kiện sống của cô. Trong dịp sinh nhật cô Trương, Chí Đức gửi tặng 100.000 NDT nhưng cô nhất quyết không nhận.
Điều không ngờ là Chí Đức biết chắc cô sẽ không nhận tiền nên trước đó đã âm thầm mua 1 căn nhà mới, mong cô dọn vào ở. Biết không thể từ chối, cô Trương chấp nhận tấm lòng của cậu học trò năm xưa. Trả lời báo chí, cô Trương nghẹn ngào chia sẻ: "Chí Đức còn hơn cả con tôi".