Những cuốn sổ giáo viên chủ nhiệm của người thầy hết lòng vì học sinh

Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Theo Tuổi trẻ 20:08 11/11/2022

Ông dùng ngòi bút lông viết hoa tên học sinh nên nét nào cũng rõ ràng. Ba tôi ghi rõ thứ hạng học lực, ngày, nơi sinh, tên cha, mẹ, nghề nghiệp… Có em còn được thầy mời ký tên dưới phần thông tin của bản thân.

Những cuốn sổ giáo viên chủ nhiệm của người thầy hết lòng vì học sinh - Ảnh 1.

Thông tin của học sinh được ghi chép cạnh ảnh cá nhân - Ảnh: Tác giả cung cấp

Biết chắc từng em từ cuộc sống đời thường, chén cơm manh áo có đủ no, đủ lành, cha mẹ có sống hạnh phúc không… người thầy mới có cách giáo dục thích hợp, hiệu quả và thật sự mang yêu thương đến cho các em.

Ba tôi vào nghề dạy học từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đó ngành giáo dục không có yêu cầu cao về hồ sơ sổ sách của người thầy.

Lên lớp, thầy cô phải soạn bài, về nhà phải chấm bài là chuyện đương nhiên. Hồ sơ học sinh lớp mình phụ trách có đủ giấy tờ cá nhân của các em như giấy khai sinh là được.

Không có biểu mẫu trên giao, ba tôi làm một quyển sổ giống như là sổ chủ nhiệm của thầy cô bây giờ. Ông dùng một quyển vở học trò 100 trang để sử dụng.

Trang đầu tiên ông ghi cẩn thận danh sách học sinh lớp, niên khóa… Góc trái phía dưới ông ghi tên giáo viên phụ trách. Ông dùng ngòi bút lông viết hoa tên học sinh nên nét nào cũng rõ ràng.

Trang trong, tên học sinh xếp theo thứ tự chữ cái. Thông thường, mỗi em học sinh được ba tôi dành cho nửa trang. Ngoài cùng, ông dán một tấm ảnh 3x4 chụp rõ mặt từng em.

Cạnh đó ba tôi ghi rõ thứ hạng học lực, ngày, nơi sinh, tên cha, mẹ, nghề nghiệp… Có em còn được thầy mời ký tên dưới phần thông tin của bản thân.

Những cuốn sổ giáo viên chủ nhiệm của người thầy hết lòng vì học sinh - Ảnh 3.

Những quyển sổ chủ nhiệm đã qua 60 năm vẫn còn nguyên vẹn - Tác giả cung cấp

Ba tôi cũng lưu tâm tới các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ví như dòng chữ ba ghi dưới tên một học sinh với nội dung: Vào học trễ một tháng…

Khi tôi hỏi vì sao ba lại bỏ công làm sổ sách như vậy, vì cấp trên yêu cầu chăng? Ba tôi trả lời rằng cấp trên không yêu cầu nhiều đến như vậy. Ông làm là vì muốn hiểu thêm đời sống, hoàn cảnh của từng học sinh.

Biết chắc từng em từ cuộc sống đời thường, chén cơm manh áo có đủ no, đủ lành, cha mẹ có sống hạnh phúc không… người thầy mới có cách giáo dục thích hợp, hiệu quả và thật sự mang yêu thương đến cho các em.

Rồi khi các em đến trường, ông chia sẻ cùng đồng nghiệp các thông tin này để dạy dỗ các em thành công.

Học sinh phải có ảnh để làm hồ sơ thi. Hiệu ảnh ở xa, học sinh không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ, không dễ mà mời được thợ vào. Ba tôi mượn máy ảnh của một người bạn mang đến trường chụp cho học trò của mình rồi mang về nhờ người quen in giúp. Mấy mươi em học sinh đó được ba tôi tặng luôn chi phí làm ảnh.

Khi ảnh đã làm xong, ba tôi lấy riêng ra mỗi em một tấm. Tấm ảnh đó ông dán vào sổ chủ nhiệm. Ông nói khi dán ảnh vào bên cạnh phần thông tin của học trò, ba nhớ kỹ, nhớ lâu về học trò của mình. Mỗi một ánh mắt, mỗi một nụ cười, chiếc răng khểnh hay mái tóc húi cua… là cả một cuộc đời riêng của các em. Thầy giáo là ba tôi sẽ có một cách dạy dỗ riêng.

Ba tôi kể có những em nhiều năm sau đó, nhìn thấy ảnh là nhớ tính tình, học lực cùng những kỷ niệm về trò đó. Khi ba tôi chuyển đi dạy nơi khác, ba không quên mang theo những quyển sổ chủ nhiệm ấy, trồng một cây bóng mát trong sân và chụp một tấm ảnh trước ngôi trường từng gắn bó. Có trò gần 50 năm sau tìm gặp, ba tôi nhớ được cũng nhờ những tấm ảnh ngày còn thơ bé ấy.

Những cuốn sổ giáo viên chủ nhiệm của người thầy hết lòng vì học sinh - Ảnh 4.

Nhớ lời ba dặn, sổ chủ nhiệm của tôi luôn có ảnh của học sinh - Ảnh: NVCC

Tôi nối gót ba trở thành thầy giáo. Nhớ lời ba dặn, sổ chủ nhiệm của tôi luôn có ảnh của học sinh. Đồng nghiệp có người nói xa, nói gần rằng làm chi cho mệt, ghi lý lịch tóm tắt là được rồi. Năm sau có chủ nhiệm nữa đâu.

Tôi nghĩ khác. Cho dù chỉ chủ nhiệm một năm nhưng mỗi em là mỗi cuộc đời. Trước khi đặt bút ghi lời phê về hạnh kiểm và học lực hằng tháng của các em, tôi đều mở sổ ra và nhìn vào từng tấm ảnh.

Tôi luôn tự đặt câu hỏi vì sao tháng này học lực của em sa sút, vì sao em lại vi phạm nội quy. Làm thế nào để các em tiến bộ, mãi dễ thương trong lòng thầy cô. Tiễn các em lên lớp, tôi vẫn thường nhìn lại hình ảnh các em như ngày đầu nhận lớp.

Tôi cũng ghi chú bên cạnh những tấm ảnh các thông tin mà tôi tìm hiểu được. Đó là tình trạng gia đình của các em. Các em được ở cùng cha mẹ hay giờ phải ở với ông bà vì cha mẹ đã ly hôn.

Thật sự cuộc sống của các em có no ấm hay ngoài giờ học các em phải lao vào cuộc mưu sinh. Học sinh của tôi ao ước điều gì, các em đã làm gì sai. Nhờ nhìn vào ảnh, quan sát, suy nghĩ về cuộc sống các em, tôi khá thành công trong công tác chủ nhiệm. Suốt mấy mươi năm như thế.

Bây giờ, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ dạy học. Con trai tôi nối tiếp nghề nghiệp của ông cha. Con trai tôi chia sẻ quả thật lưu ảnh của học sinh vào sổ chủ nhiệm sẽ giúp người thầy rất nhiều. Thầy không nhầm lẫn em này với em khác khi có sự cố xảy ra.

Yếu tố quan trọng để có phương pháp giáo dục phù hợp

Những thông tin về cá nhân từng em là yếu tố quan trọng để người thầy có phương pháp giáo dục, hỗ trợ thích hợp… Những ghi chú bên lề tấm ảnh làm cho cuốn sổ chủ nhiệm có hồn hơn.

Đây đó vẫn còn những quyển sổ chủ nhiệm nặng về thông tin hành chính, người đọc khó có ấn tượng về học sinh.

Tôi cũng có niềm vui khi có đồng nghiệp cùng thực hiện việc dán ảnh học sinh và ghi chú nhiều thông tin vào sổ để việc giảng dạy được tốt hơn. Có đồng nghiệp nhiều năm không tiếc công sức làm sổ chủ nhiệm như thế cho đến ngày về hưu.