CHÍNH THỨC: Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh 2k7 thở phào nhẹ nhõm

PV, Theo Phụ nữ số 15:50 29/11/2023

Quyết định này được nhiều học sinh tán đồng!

Ngày 28/11, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Dù là môn học bắt buộc ở cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, song Ngoại ngữ và Lịch sử vẫn được xếp vào nhóm môn thi lựa chọn.

So với Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, số môn thi từ năm 2025 giảm hai và số buổi thi giảm một. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn, đồng nghĩa thí sinh có thể lựa chọn thi một môn tự nhiên cùng một môn xã hội tùy theo định hướng.

CHÍNH THỨC: Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh 2k7 thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc, theo cách thức chung đề, chung đợt, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giai đoạn 2025 - 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025 sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp.

Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện phương án thi theo nhiệm vụ được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo phân cấp của luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí thực hiện kỳ thi còn dựa vào nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án thi này sau khi lấy ý kiến rộng rãi về ba phương án: Hai môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán); ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ); bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và cùng hai môn tự chọn.

Kết quả, đa số chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc. Cụ thể, khi khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên về hai phương án thi ba và bốn môn bắt buộc, gần 74% chọn phương án ba môn. Sau đó, Bộ khảo sát thêm khoảng 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn thi hai môn bắt buộc.

Khảo sát các chuyên gia độc lập và ý kiến từ các chuyên gia thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đa số cũng lựa chọn thi hai môn bắt buộc. Lý do là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình và xã hội, không gây mất cân bằng giữa khối Khoa học xã hội hay Khoa học tự nhiên.