Bé trai bị tổn thương mũi nghiêm trọng sau khi bị nhỏ nhầm dung dịch axit để rửa mũi - Ảnh: Thanh Hiệp
Các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vừa phẫu thuật nội soi tách dính niêm mạch hốc mũi, đồng thời tạo hình chít hẹp cửa mũi trước cho bé trai 2 tuổi (ở Ninh Bình). Trước đó, hồi 4 tháng tuổi, bé đã điều trị bỏng nặng do phụ huynh nhỏ axit vào mũi vì nghĩ là… nước muối sinh lý.
Theo lời kể của mẹ bé, gia đình vẫn thường xuyên vệ sinh mũi họng cho con bằng nước muối sinh lý (dung dịch natri chloride 0,9%) đựng trong lọ nhỏ. Hôm xảy ra sự việc, bé được đưa về nhà bà ngoại chơi, khi thấy con bị sổ mũi, mẹ bé lấy lọ nước muối rửa mũi còn nguyên nhãn mác để nhỏ cho con.
Tuy nhiên, dung dịch bên trong không phải là nước muối sinh lý mà là axit chloaxetic 80%. "Lúc nhỏ mũi cho con tôi thấy có khói trắng mỏng bốc ra, con khóc thét. Tôi hốt hoảng không hiểu tại sao, hỏi ra mới biết dì cháu mua axit về dùng nhưng lại đổ sang lọ nước nhỏ mũi (còn nguyên nhãn mác) để sử dụng và cho luôn vào tủ thuốc của gia đình"- người mẹ kể lại.
Quá hoảng sợ gia đình vội đưa con vào bệnh viện gần nhà sơ cứu sau đó được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia điều trị trong tình trạng niêm mạc mũi họng phù nề, tổn thương hoại tử trắng, sung huyết, tiết dịch mạnh. Vùng má phải có hai vết bỏng do axit chảy xuống vùng dưới cằm cổ, hoại tử da. Sau một thời gian điều trị ổn định, thấy con có biểu hiện khó thở, ăn uống khó khăn nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Linh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết bệnh nhi được chẩn đoán bị sẹo gây hẹp tiền đình mũi trái sau khi bỏng axit và có chỉ định phẫu thuật. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Hội Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ vùng mặt (Mỹ), bệnh nhi đã được nội soi tách dính cuốn dưới và vách ngăn 2 bên, rạch phần sẹo cửa mũi trái, mở rộng cửa mũi.
Sau phẫu thuật, trẻ tiếp tục được tiêm định kỳ thuốc chống sẹo lồi mỗi tháng một lần trong vòng 6 tháng. Các bác sĩ sẽ theo dõi, xem xét mức độ tiến triển của bệnh nhi để có kế hoạch điều trị tiếp.
Cũng theo bác sĩ Linh, với trường hợp bỏng axit như cháu bé này, do không được sở cứu ban đầu nên tổn thương khá sâu và phức tạp. Trong trường hợp bỏng hoá chất như trên, cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu bằng cách dùng đúng loại nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ để làm loãng axit tại vị trí tổn thương, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế.