Tiêm chủng đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia châu Âu nuôi tham vọng chung sống với đại dịch.
Tiêm chủng sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc với tất cả nhân viên y tế tại Pháp. Thời hạn để đối tượng này hoàn thành tiêm chủng là 15/9. Sau cột mốc này, nhân viên y tế chưa tiêm chủng có thể bị xử phạt. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo nhân viên y tế từ chối tiêm chủng sẽ không được trả lương, không được làm việc.
Pháp cũng sẽ chấm dứt hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 bằng công nghệ PCR miễn phí, trừ khi có chỉ định của bác sĩ hoặc cơ quan y tế. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, biện pháp này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, thay vì xét nghiệm liên tục hàng tuần.
"Cuộc khủng hoảng y tế luôn đuổi theo chúng ta. Tôi muốn nhắc lại điều này, chúng ta còn phải sống chung với virus trong một thời gian nữa. Do vậy, mục tiêu của chúng ta rất đơn giản, đó là tiêm chủng cho tất cả những người Pháp đủ điều kiện".
Bên cạnh đó, Pháp cũng đưa vào triển khai "giấy thông hành y tế", một loại chứng nhận bằng giấy hoặc mã QR cho thấy người sở hữu đã tiêm đủ mũi vaccine, hoặc mới hồi phục sau khi mắc Covid-19, hoặc có xét nghiệm âm tính. Giấy thông hành y tế này sẽ là yêu cầu bắt buộc nếu người dân muốn vào các địa điểm công cộng trong nhà như quán bar, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại.
Cũng giống như Pháp, đa phần các nước châu Âu đặt niềm tin vào hiệu quả của vaccine. Chính vì thế, sau sự khởi đầu chậm chạp, EU đã có bước tiến lớn trong việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trở thành khu vực địa lý tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Theo thông báo của Ủy ban châu Âu, châu lục này đạt mốc 70% dân số trưởng thành (tương đương 255 triệu người) đã được tiêm 2 liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca hoặc Moderna, hoặc 1 liều của Johnson & Johnson.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von der Leyen nói: “Đây là một thành tựu tuyệt vời. Điều này thực sự cho thấy những gì chúng ta có thể làm được khi làm việc cùng nhau. Nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc và chúng ta vẫn phải cảnh giác. Vì vậy, trước hết, chúng ta cần tiêm chủng nhanh chóng cho nhiều người hơn nữa để tránh làn sóng lây nhiễm mới và ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới".
Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu dự định tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường trong thời gian tới cho người già và nhóm dễ bị tổn thương.
Không chỉ dựa vào tiêm chủng, hạn chế di chuyển và cách ly người mắc Covid-19 vẫn là trụ cột trong chính sách phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 của các nước EU. Tuần trước, chính phủ Đức thông báo sẽ chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine, người hồi phục sau khi nhiễm virus, và người có kết quả xét nghiệm âm tính sử dụng các dịch vụ trong nhà như nhà hàng, rạp phim, hòa nhạc. Biện pháp này sẽ được duy trì cho tới khi số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày giảm xuống một mức đủ thấp. Bên cạnh đó, đeo khẩu trang là quy định bắt buộc tại các không gian kín và trên phương tiện giao thông công cộng, ngay cả với người đã tiêm chủng. Những quy định này cũng đang được áp dụng tại một số quốc gia khác như Pháp, Tây Ban Nha…
Song song thực hiện các biện pháp trên, các quốc gia EU cũng đang tăng cường xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và thường xuyên để phát hiện ca bệnh, thay vì sử dụng hệ thống truy vết ca bệnh đã không còn phát huy tác dụng khi số ca mắc Covid-19 quá lớn. Theo các chuyên gia y tế, mặc dù các biện pháp đồng bộ của Liên minh châu Âu trong những tuần qua chưa giúp giảm bớt các ca mắc Covid-19 mới hàng ngày do sự phổ biến của biến thể Delta. Tuy nhiên, điều này cũng giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như thay đổi hành vi của người dân như đeo khẩu trang đến nơi công cộng hay sẵn sàng tiêm mũi tăng cường khi được yêu cầu.