Trước sự lây lan của dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới và những cơ quan y tế hàng đầu tại các quốc gia đã có cách tiếp cận như thế nào với đối tượng phụ nữ mang thai?
Vaccine - phương thức bảo vệ hiệu quả thai phụ trong đại dịch
Chỉ trong tháng 7 vừa qua, thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã ghi nhận 100 ca mắc COVID-19 là phụ nữ mang thai. Tại Mỹ, hàng loạt các bang như Alabama, Florida, Indiana chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca phụ nữ mang thai nhập viện vì mắc COVID-19. 76,2% phụ nữ có thai tại Mỹ chưa tiêm vaccine COVID-19. 10% số bệnh nhân nặng, phải nằm trong phòng hồi sức tích cực tại Ireland là phụ nữ mang thai. Trên toàn thế giới, phụ nữ mang thai đang ngày càng dễ bị tổn thương trước COVID-19.
Những số liệu trên cho thấy, phụ nữ mang thai đang "mong manh" như thế nào trước cơn bão COVID-19. Tuy nhiên, một số người vẫn ngần ngại đi tiêm vaccine vì cho rằng, có khả năng vaccine sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Tiến sỹ Soumya Swaminathan, Nhà khoa học trưởng của WHO, nói: "Điều quan trọng là tất cả phụ nữ mang thai tại các quốc gia cần biết rằng, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có lợi ích nhiều hơn là không tiêm chủng nếu đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Và phụ nữ mang thai cần được cung cấp vaccine nếu họ muốn tiêm".
Nhiều quốc gia ưu tiên đối tượng tiêm chủng là phụ nữ mang thai
Theo nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa JAMA của Mỹ, phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 15 lần, nguy cơ phải đặt ống thở cao gấp 14 lần so với bình thường. Và nguy hiểm hơn, thai phụ mắc COVID-19 còn có nguy cơ sinh non cao gấp 22 lần so với những phụ nữ mang thai không mắc bệnh.
Trước những số liệu đáng báo động trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như chính phủ nhiều quốc gia đã kêu gọi thực hiện các chiến dịch tiêm chủng cho nhóm đối tượng này. Các nước như Colombia, Paraguay, Sri Lanka, Chile đã mở nhiều chiến dịch tiêm chủng ưu tiên cho phụ nữ có thai từ tháng 6 và tháng 7. Tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chính phủ kêu gọi phụ nữ có thai có thể đến đặt lịch tiêm chủng COVID-19 vào bất cứ lúc nào, trong bất kì giai đoạn nào của thai kỳ.
Đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có lợi ích nhiều hơn so với không tiêm (Ảnh: AP)
Đặc biệt, Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cho phụ nữ mang thai lên tới 80% vào tháng 10 tới. Từ tháng 8 này, Thái Lan cũng đưa phụ nữ có thai vào nhóm được quan tâm hàng đầu trong tiêm chủng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến nghị, phụ nữ trong thai kỳ từ tuần thứ 13 có thể đi tiêm vaccine COVID-19.
Phụ nữ có thai ở khắp nơi trên thế giới đã và đang nhận thức được những lợi ích và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng này.
Khoa học khẳng định tiêm vaccine giúp bảo vệ thai phụ
Các dữ liệu cho thấy, không có nguy cơ sảy thai tăng lên ở những người được chủng ngừa trong 20 tuần đầu thai kỳ. Và lợi ích bảo vệ của vaccine cao hơn đối với phụ nữ mang thai, trong khi nếu để mắc COVID-19 và phải điều trị bằng các loại thuốc, điều này có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Những tuyên bố của giới y khoa thế giới đang củng cố luận điểm này.
Trong tuyên bố gần đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định, có một số lý do phụ nữ mang thai không phải lo lắng về các loại vaccine hiện nay.
Tiến sỹ Soumya Swaminathan chia sẻ: "Trong bối cảnh nếu một quốc gia đang có dịch COVID-19 lây lan và phụ nữ mang thai làm việc trong những lĩnh vực có nguy cơ cao bị nhiễm virus, việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai sẽ có lợi ích nhiều hơn là không tiêm. Lý do là bởi với những công nghệ bào chế vaccine COVID-19 hiện nay như mRNA, công nghệ vector virus , công nghệ bất hoạt virus, vaccine tiểu đơn vị protein..., tất cả các vaccine đều không chứa virus sống có thể nhân lên trong cơ thể để có thể gây ra vấn đề cho thai phụ".
Trang tin BBC trích các ý kiến chuyên gia y tế khẳng định rằng, ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy, mRNA COVID-19 an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy, việc tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ hay nam giới. Các hiệp hội chuyên khoa sản như Hội Y khoa Sản-Sơ Sinh và Hiệp hội Bác sĩ sản phụ khoa Mỹ đều khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tiêm vaccine đang được xem là tấm khiên bảo vệ phụ nữ có thai (Ảnh: Getty)
Theo bác sĩ Herman Hedriana, Trung tâm Y tế UC Davis, California, Mỹ, sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, cơ thể người mẹ phản ứng bằng cách sản sinh rất nhiều kháng thể, kích thích hệ miễn dịch của mẹ bầu và truyền kháng thể qua nhau thai cho em bé.
Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí y khoa về nuôi con bằng sữa mẹ Breastfeeding Medicine cũng khẳng định, vaccine có thể giúp bảo vệ cả mẹ lẫn con trong đại dịch COVID-19.
Các vaccine đang được sử dụng cho phụ nữ có thai trên thế giới
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng vaccine công nghệ mRNA để tiêm chủng cho phụ nữ mang thai. Tại Anh, Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng, cơ quan tư vấn cho Chính phủ Anh, khuyến cáo rằng, phụ nữ có thai nên được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Nguyên nhân là vì hai loại vaccine này đã được sử dụng cho 130.000 phụ nữ mang thai ở Mỹ mà không có lo ngại về an toàn.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế Anh sẽ đánh giá dữ liệu tiêm chủng của vaccine AstraZeneca đối với phụ nữ mang thai trước khi đưa ra khuyến nghị. Giới chức Ấn Độ cho phép sử dụng vaccine Sinopharm, SinoVac, Pfizer, Moderna và AstraZeneca để tiêm phòng cho phụ nữ mang thai. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, phụ nữ mang thai nếu gặp nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nên tiêm ngừa vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Sinopharm và Sinovac.
Có thể nói, trước những nguy cơ lây lan phức tạp của biến thể Delta , tiêm chủng đang được xem là tấm khiên bảo vệ phụ nữ có thai, đặc biệt những thai phụ có nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm đến đối tượng này trong chiến dịch tiêm phòng chống COVID-19.