Bão giá kéo theo hàng loạt chi phí leo thang, không những gây khó khăn cho nhiều gia đình, mà còn khiến hội làm công việc tự do thấp thỏm mỗi đợt nhận lương về.
Tuấn (22 tuổi, hiện đang là thiết kế tự do) chia sẻ về cuộc sống bấp bênh khi anh vừa mới nghỉ việc vì áp lực. Hiện tại, anh bạn đã chuyển về sống cùng ba mẹ tại Nha Trang. Nói về vấn đề chi tiêu với gia đình, Tuấn than thở: "Mình nuôi bản thân còn chưa xong thì lấy tiền đâu mà hỗ trợ gia đình, lâu lâu có dự án lớn thì chuyển khoản cho ba mẹ 5 triệu để đỡ đần phần nào thôi. Hơn nữa, mới nghỉ việc bên công ty cũ nên kinh tế cũng không quá dư giả".
Ảnh minh họa
Tương tự như tình cảnh của Tuấn, Khoa (23 tuổi, TP.HCM) cũng đang ở chung với ba mẹ tại thành phố, đối mặt với bão giá trong khi chỉ vừa mới được nhận thử việc tại công ty mới khiến anh không dám chi tiêu quá nhiều. Cũng vì lý do đó, anh chàng cũng không thể hỗ trợ tài chính gì cho gia đình trong thời điểm hiện tại. "Mình không phiền người nhà là đã may lắm rồi, chứ mức lương thử việc ít quá không đủ cả xăng xe và ăn ngoài".
Không giống như Tuấn và Khoa, Uyên (22 tuổi, Đà Nẵng, giáo viên online) dù cố gắng hỗ trợ người nhà bằng cách trích 20% tiền lương mỗi tháng để cho bố mẹ nhưng lại bị từ chối. "Mẹ mình bảo cứ để dành tiết kiệm hoặc đưa ba mẹ giữ chứ cũng không tiêu". - Uyên tâm sự.
Trang (22 tuổi, TP.HCM, làm công việc tự do) hỗ trợ bố mẹ bằng cách... đóng tiền học phí cho em gái. Cô bạn chia sẻ: "Mình ngại mấy khoản cho người thân hay gia đình lắm, vì ba mẹ mình hay 'khoe', vậy nên mình chỉ hỗ trợ các khoản học phí và mua đồ cho em gái hằng tháng, lâu lâu mua mỹ phẩm cho mẹ hoặc cho ba tiền uống cà phê. Tổng cộng mình chi tầm 2 triệu tiền học thêm cho em, 1 triệu tiền cà phê cho ba và thêm tiền mỹ phẩm 3 tháng mua một lần" - cô bạn cười.
Ảnh minh họa
Còn Huy (25 tuổi, đạo diễn tự do) thì cho biết chi hơn 10 triệu mỗi tháng để gửi về cho gia đình, bao gồm 5 triệu cho bố mẹ, 3 triệu cho em trai đang sắp sửa lên thành phố học Đại học, 2 triệu còn lại anh đóng vào sổ tiết kiệm đứng tên ba mẹ. "Ba má thì ngày càng già đi, vật giá leo thang nên mình hỗ trợ được càng nhiều thì càng vui, hiện tại mình phụ má chi phí ăn uống đi chợ, nuôi em trai đang chuẩn bị học Đại học tại Hà Nội và đóng tiền tiết kiệm cho ba má an tâm" - anh chàng tự hào.
Khác với Trang và Huy, Ngọc (21 tuổi, thực tập tài chính tại TP.HCM) hỗ trợ tài chính ba mẹ bằng cách... đổ xăng đầy bình. Ngọc vừa cười vừa chia sẻ, cô nàng nghĩ ra cách hỗ trợ tài chính độc nhất vô nhị này là bởi bố mẹ cô nàng là công chức, đi lại khá nhiều mà xăng lại tăng giá chóng mặt. "Mình thường đem xe cả nhà đi đổ xăng đầy bình vào mỗi cuối tuần, vị chi mỗi tuần hết 300 - 400 nghìn, mỗi tháng hết 1,5 đến 2 triệu tiền xăng".
Ảnh minh họa
Còn theo Ngọc, việc xác định mức ngân sách phù hợp để hỗ trợ tài chính là vô cùng cần thiết. "Mình nghĩ bạn phải xem mình thu nhập bao nhiêu, hỗ trợ gia đình từ 10-30% thu nhập là đủ, còn lại để chi cho cá nhân nữa" - Ngọc bộc bạch.
Trang thì cho rằng việc hỗ trợ gia đình sẽ không khó, bởi "của cho không bằng cách cho". "Mình nghĩ các bạn có thể hỗ trợ gia đình bằng nhiều cách khác nhau, có thể mua quà hoặc đồ dùng cần thiết cho gia đình, hỗ trợ chi phí cho người thân, đổ xăng, tiền cà phê,... Các bạn cũng có thể hỗ trợ những khoản nhỏ lặt vặt là mọi người cũng đã vui lắm rồi" - cô bạn tâm sự.