Fin-tech: Tôi cầm tiền của mọi người, có tôi thì mua được mọi thứ.
Ed-tech: Tôi mang tri thức đến cho mọi người, có tôi thì biết mọi thứ.
Health-tech: Tôi chăm lo sức khỏe cho mọi người, có sức khỏe là có tất cả.
Ride-hailing: Tôi giúp mọi người đi muôn nơi.
Ed-tech: Giãn cách xã hội thì ở nhà đi các ông.
Ride-hailing: Thế thì tôi giao đồ ăn.
Fin-tech: Thanh toán tiền mặt cũng lây bệnh thôi.
Smartphone: Thôi dẹp dẹp, không có tôi thì các ông tính thế nào?
…
Điện thoại "cục gạch" cũng đồng nghĩa với cơ hội không bình đẳng với người có smartphone
Câu chuyện vui này đã chỉ ra một trong những khó khăn hàng đầu của công cuộc chuyển đổi số: người dân thiếu điện thoại thông minh. Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Phong Nhã, số thuê bao 2G chỉ sử dụng thiết bị đầu cuối phổ thông - hay còn gọi là điện thoại "cục gạch" hiện nay vẫn còn khoảng 22 triệu thuê bao. Có nghĩa là 22 triệu người này gần như đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển công nghệ.
Không chỉ gây ra "bất bình đẳng công nghệ" trong xã hội, cản trở tiến trình chuyển đổi số, mà lượng lớn điện thoại "cục gạch" này còn là nút thắt khó gỡ trong việc tắt sóng các công nghệ viễn thông cũ, tốn kém chi phí hạ tầng cho xã hội.
Tuy nhiên, việc phổ cập smartphone không hề đơn giản, khi năm 2019 vừa qua, thị trường Việt Nam tiêu thụ được khoảng 15 triệu smartphone, nhưng chỉ có chưa đến 0,5% trong số đó có giá dưới 1 triệu đồng.
Bài học từ Trung Quốc: Được gì khi phổ cập smartphone?
Trung Quốc là tấm gương tiêu biểu nhất về một xã hội số phát triển, người dân đều thanh toán bằng QR Code và tiền mặt gần như chỉ được sử dụng bởi khách du lịch. Gần 80% người dùng Internet ở Trung Quốc dùng WeChat, mỗi người dùng app này ít nhất 66 phút mỗi ngày để làm mọi thứ, từ đặt xe, hẹn bác sĩ đến mua sắm, trả tiền điện...
Vào cuối năm nay, Trung Quốc sẽ chiếm tới 55,8% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu. Và con số này dự kiến sẽ lên đến 63% vào năm 2022. Trong khi đó, thị phần thương mại điện tử toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ giảm 15%. Những điều này chỉ xảy ra khi Trung Quốc hiện đang đứng top đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu smartphone.
Họ đã làm thế nào để phổ cập smartphone? Câu trả lời rất đơn giản: Smartphone Trung Quốc cực rẻ.
Với nhân công rẻ, lao động giàu kinh nghiệm, thị trường đủ lớn để sản xuất hàng loạt và sự hỗ trợ từ chính phủ, các hãng điện thoại Trung Quốc tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với các công ty nước ngoài, khiến giá thành trên một sản phẩm ngày càng thấp. Tỷ lệ smartphone tăng càng nhanh, đời sống người dân càng thuận tiện, cùng với đó, đất sống cho các công ty công nghệ cũng ngày càng nhiều.
"Có rất nhiều phát minh, sáng tạo đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ rất nhanh ở Trung Quốc mà chúng ta không hề hay biết" - Christian Grewell, giáo sư kinh doanh Đại học New York Thượng Hải, nhận định.
Hành động của "sếu đầu đàn" Việt
Trước tình hình đó, tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành thông tin truyền thông, một trong 8 mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu toàn ngành bắt tay làm ngay là phấn đấu để mỗi người có một chiếc smartphone. Theo Bộ trưởng, năm 2020 sẽ là năm phổ cập nhanh điện thoại thông minh.
Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc smartphone "quốc dân" với giá chỉ 45-50USD. Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, điều này sẽ giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD. Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt đến tay người dân sẽ chỉ còn khoảng hơn 20 USD.
Viettel "liên thủ" với Vingroup để phổ cập smartphone 4G cho mọi người
Viettel, với sứ mệnh làm nền tảng kiến tạo xã hội số, đã bắt tay VinSmart cho ra mắt Vsmart Bee Lite theo hình thức trợ giá, chỉ còn 600.000 đồng (thay vì 1.490.000 đồng) qua hệ thống cửa hàng trực tiếp và lực lượng tư vấn viên Viettel tại nhà trên toàn quốc.
Viettel cho biết, đây là mẫu điện thoại được hợp tác sản xuất theo chỉ đạo của Bộ Thông tin Truyền thông về việc thúc đẩy sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh 4G/5G, tiến tới mục tiêu phổ cập điện thoại di động thông minh vào năm 2025, giúp mọi người dân Việt Nam đều được tiếp cận các tiện ích số. Trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ hạn chế nhập khẩu điện thoại thuần 2G bằng cách ban hành quy chuẩn bắt buộc tích hợp 4G đối với thiết bị đầu cuối di động đầu cuối.
Việc phổ cập smartphone không chỉ gỡ nút thắt hạ tầng, giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận những tiến bộ công nghệ, mà là thời cơ cho các startup công nghệ bứt phá mở rộng thị trường, tạo ra một xã hội số phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, người dân có smartphone cũng sẽ giúp việc triển khai chính phủ điện tử được thuận lợi hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.