Những ngày qua, showbiz Hoa ngữ sôi sục trước thông tin nam nghệ sĩ Địch Thiên Lâm vướng loạt cáo buộc "mua bằng" Tiến sĩ, có biểu hiện gian lận, sao chép công trình nghiên cứu của giáo sư đầu ngành và bài luận văn của Trần Khôn. Phía đại diện của Địch Thiên Lâm chỉ có 1 phản hồi duy nhất rằng anh hoàn toàn làm đúng tinh thần nghiên cứu, có người hướng dẫn và theo sát. Vậy nhưng, netizen lại càng tìm thêm bằng chứng về việc Địch Thiên Lâm nói dối cả kết quả thi đại học, khiến anh nhận chỉ trích nặng nề.
Sau khi sự việc lùm xùm này xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Đặc biệt, trường Học viện Điện ảnh Bắc Kinh - nơi công nhận chức danh tiến sĩ và tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu sau tiến sĩ của Địch Thiên Lâm - bị công kích giữ dội. Ngày 11/2, tờ báo Thanh niên Bắc Kinh đã tới Học viện Điện ảnh Bắc Kinh tìm hiểu và được biết học viện đặt sự chú ý trọng điểm tới scandal tai tiếng này, thành lập tổ điều tra để làm rõ vụ việc.
Cuối cùng, vào ngày hôm nay (19/2), Học viện Điện ảnh Bắc Kinh chính thức ra thông báo quyết định tước bằng Tiến sĩ của nam nghệ sĩ Địch Thiên Lâm. Không chỉ vậy, trường còn huỷ bỏ tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh của giáo sư Trần Ấp - người thầy dẫn dắt của Địch Thiên Lâm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử showbiz, một nghệ sĩ bị tước đi học vị cao quý. Cả nam nghệ sĩ và thầy giáo của mình đều đồng ý chịu hình thức kỷ luật này.
Nguồn cơn của vụ việc Địch Thiên Lâm bị nghi ngờ gian lận là vào lúc anh thể hiện sự thiếu hiểu biết của mình, đặt câu hỏi "CNKI là gì?" trong khi đây là 1 trang web tra cứu tài liệu học thuật lớn nhất nhì Trung Quốc. Ngoài ra, bài luận văn về bộ phim truyền hình "Bạch Lộc Nguyên" của Địch Thiên Lâm cũng bị phát hiện giống tới 40,4% bài viết từng được đăng trên tạp chí nghiên cứu "Hoàng Sơn Học Viện" của giáo sư Hoàng Lập Hoa năm 2006. Số từ lặp lại trong bài luận lên tới 1125 trên tổng số 2783 từ.
Không dừng lại ở đó, bài luận văn thạc sĩ của Địch Thiên Lâm bị tố sao chép trắng trợn từ bài luận tốt nghiệp của nam diễn viên Trần Khôn. Theo kết quả, bài luận của nam tài tử này dài 30 ngàn từ, nhưng có tới 10 ngàn từ là đi sao chép, chiếm 1/3 dung lượng công trình nghiên cứu.
Nguồn: Sina