Nhật Lâm (1997) đã mua căn hộ 65m2 tại quận Gò Vấp, TP.HCM vào tháng 3/2024 với giá thành 2,15 tỷ. Anh chàng mua đứt căn hộ bằng tiền tự kiếm, kết hợp vay thêm từ người thân 700 triệu. Trong số đó, Nhật Lâm vay 500 triệu không tính lãi và 200 triệu có lãi suất 5%/năm.
Lâm mua nhà bằng tiền lương văn phòng làm IT kết hợp thu nhập từ công việc bên ngoài và không có lãi từ đầu tư. Đáng nói, để sau 5 năm làm việc và cố gắng tiết kiệm mà có được khoản tiền lớn mang đi mua nhà, Lâm đã duy trì chi phí sinh hoạt chỉ khoảng 5 triệu/tháng trong thời gian dài. Đây là mức chi tiêu được đánh giá là ít ỏi với các bạn trẻ tại thành phố lớn, thậm chí khá "khó tin" với nhiều người.
Vậy Lâm đã tính toán thế nào để chỉ tiêu 5 triệu/tháng cho sinh hoạt phí? Anh chàng chia sẻ: "Mình ở trọ với bạn, nên tiền trọ (đã bao gồm tiền phòng, điện nước, wifi,...) là 1,3 triệu/người. Mình ở phòng này từ thời sinh viên nên cũng quen, ngại chuyển trọ nên vẫn ở tới giờ.
Về khoản ăn uống, mình không biết nấu nướng nên ăn ngoài cả ngày. Một ngày vị chi tiền ăn khoảng 80 ngàn, gồm bữa sáng 20 ngàn, bữa trưa 30 ngàn, bữa tối 30 ngàn. Do đó, một tháng hết 2,4 triệu cho tiền ăn. Khu mình ở là khu chợ nên hầu như các món chỉ loanh quanh 20 – 30 ngàn.
Số tiền còn lại trong khoản 5 triệu là dành cho nhu cầu cá nhân khác. Từ lâu bố mẹ mình muốn con cái 'kinh tế tự lo' và nhanh chóng mua được nhà, nên mình không mất tiền gửi về cho gia đình".
Nhật Lâm nhớ lại, anh tính toán chuyện mua nhà rất sớm, nên đã lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cố gắng tuân thủ chúng. Những năm đầu mới ra trường, Nhật Lâm thậm chí còn tiêu ít hơn cho chi phí sinh hoạt, còn lại bao nhiêu tiền lương anh chàng để riêng vào quỹ tiết kiệm để mua nhà. Đơn cử như có thời điểm lương văn phòng chỉ 8 triệu/tháng nhưng anh chàng vẫn để dành được 4 triệu. 2-3 năm sau khi ra trường, do tiền lương tăng lên nên anh mới tăng mức tiêu dùng lên đến 5 triệu/tháng.
Nói về tài chính để mua nhà, Nhật Lâm chia sẻ nếu người trẻ có công việc mang lại thu nhập ổn định, thì 600 – 700 triệu là con số vay nợ an toàn để tính chuyện mua nhà. Còn ai mạnh tay thì có thể vay 1-1,2 tỷ, thậm chí nhiều hơn nữa nhưng bạn cần chấp nhận các rủi ro về tài chính.
Bên cạnh đó, khi vay nợ mua nhà, bạn còn phải tính toán đến chuyện sinh con và lập gia đình nếu như bạn chuẩn bị kết hôn. Khi đó, bạn nên đảm bảo dòng tiền của mình đủ để chuyện vay nợ mua nhà không ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và gây áp lực đến việc chăm sóc bé.
"Mình chỉ muốn trả nợ vay mua nhà trong 2 năm thôi. Vì sau đó, mình dự định dành tiền để lập gia đình. 1-2 năm tiếp theo, mình sinh con thì cần lo cho con, nên mình không muốn sống trong việc nợ nần ở khoảng thời gian quá lâu", anh chàng tính toán.
Minh Hiếu (30 tuổi, kinh doanh) chia sẻ anh có dự định mua nhà từ khi mới đi làm. Cũng vì thế, anh luôn làm việc chăm chỉ, cố gắng sống tiết kiệm để có một khoản riêng dành để mua căn nhà đầu tiên. Có tiền dư dả, anh chia một nửa để gửi tiết kiệm, một nửa đầu tư cá nhân nhưng mức sinh lời không được nhiều vì anh thường xuyên đầu tư thua lỗ.
Cách đây 4 năm, Hiếu kiếm được chỉ 2x triệu/tháng - một mức thu nhập mà anh cho rằng không bao giờ có thể đủ để mua nhà. Cũng trong năm này, anh có 2 quyết định lớn. Đó là mở tiệm kinh doanh riêng và dồn hết số tiền tiết kiệm còn lại để mua vàng.
"Thời điểm đó, mình có khoảng 550 triệu tiết kiệm. Mình dành 200 triệu để mở tiệm kinh doanh và giữ lại một chút phòng thân, còn lại 'all-in' vào vàng. Mình mua hết vàng miếng, thời điểm đó giá vàng là 51 triệu/lượng.
Trước đó, mình chỉ thỉnh thoảng mua vàng. Nhưng lúc đó không hiểu sao mình mua vàng với niềm tin là giá vàng sẽ còn tăng lên. Giờ mình vẫn thấy bản thân liều. Vì mua vàng và mở tiệm xong là mình 'trắng tay', không còn một đồng nào trong người. Nếu chẳng may thời điểm đó trong nhà có người đi viện hoặc tiệm làm ăn thua lỗ là mình không biết xoay đâu ra được tiền", Minh Hiếu nói thêm.
Sau đó, may mắn trong Covid-19, tình hình kinh doanh của Hiếu đi vào ổn định. Nên 2 năm sau, anh chàng không chỉ gia tăng khoản tiết kiệm mà còn đủ tiền cưới vợ, trong khi không cần chạm đến 7 cây vàng đã mua.
Đầu năm 2023, Minh Hiếu tình cờ quen một người làm bất động sản, biết được rằng giá nhà đang rẻ nhưng sắp tới sẽ bước vào chu kỳ tăng giá. Sau nhiều cân nhắc, vợ chồng Minh Hiếu quyết định mua 1 căn hộ chung cư cũ (2 phòng ngủ, diện tích 55m2) ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) với giá 2 tỷ đồng.
Lúc này, anh bán hết 10 cây vàng (gồm 8 cây vàng tích lũy và 2 cây vàng cưới) thu về 750 triệu. Kết hợp với 300 triệu tích lũy của hai vợ chồng, bố mẹ cho 200 triệu, vay người thân không tính lãi 320 triệu, còn thiếu bao nhiêu thì họ vay ngân hàng.
Cho đến hiện tại, vợ chồng Minh Hiếu còn nợ ngân hàng 400 triệu, nợ người thân 200 triệu. Để trả nợ, cặp đôi đều cố gắng "cày cuốc" làm việc, tính toán chi tiêu cẩn thận. Cho đến hiện tại, tổng thu nhập của cặp đôi đã tăng lên 50 triệu/tháng nên việc trả nợ dễ dàng hơn nhưng chi tiêu trong gia đình vẫn không giảm bớt căng thẳng.
Minh Hiếu chia sẻ: "Từ năm 2020 đến giờ, mình vẫn sống rất tiết kiệm, chưa bao giờ dám mua món đồ có giá trị cho bản thân. Giờ có vợ giúp đỡ thì mình vẫn tiêu gì cũng tính toán đắn đo, tăng xin giảm mua để còn trả nợ vay ngân hàng. Cũng may là có ông bà hai bên giúp đỡ trong nhiều khoản chi phí. Có những tháng, vợ chồng mình được ông bà hỗ trợ đồ ăn, nên không mất một đồng đi chợ. Nhưng cả năm trời vợ chồng vẫn không dám mua quần áo mới, thay điện thoại hoặc đi du lịch".
Với những người trẻ dự định mua nhà nhưng không có nền tảng tài chính tốt, Nhật Lâm cho rằng họ có thể bắt đầu từ việc sống tiết kiệm, nhằm gia tăng quỹ tiền dành cho mua bất động sản.
Anh chàng chia sẻ thêm: "Bạn nên sống tiết kiệm và nếu có thể thì chịu khó ở trọ rẻ xíu. Mình biết có những bạn lương 7-8 triệu nhưng sẵn sàng thuê căn trọ 3-4 triệu, nên tiền trọ sẽ chiếm khá nhiều vào tiền lương. Hầu như các bạn đi làm vào giờ hành chính, tối về chỉ ngủ và sinh hoạt không nhiều ở trọ, nên với mình, mức đầu tư cho nhà ở kia còn khá cao.
Ngoài ra, nếu biết nấu ăn thì bạn có thể mua đồ về nấu để tiết kiệm chi phí. Hiện, theo mình biết nhiều siêu thị có khung giờ mua thực phẩm giá rẻ và bạn có thể tranh thủ mua đồ giá hợp lý".
Còn về phía Minh Hiếu, anh khuyên mọi người nên có tính quyết đoán. Vì theo anh, nếu bạn chỉ chần chừ lâu thêm là mất cơ hội mua nhà. Nếu thiếu tiền, bạn nên vay nợ mua nhà để tận dụng đòn bẩy tài chính, nhưng phải có kế hoạch trả nợ chặt chẽ.
"Kinh nghiệm của mình là dám có nợ thì mới có mục tiêu phấn đấu. Nếu bạn không vay được từ người thân thì hãy vay ngân hàng rồi kiếm tiền trả lại. Chỉ sợ không có sức khỏe và ý chí thôi, chứ cứ làm việc chăm chỉ rồi cuối cùng sẽ trả hết nợ. Còn nếu không với tình hình nhà đất leo thang hiện tại thì không biết bao giờ mới mua được nhà. Bạn nhắm căn nhà 2 tỷ thì có khi bạn để dành được 1 tỷ thì giá nhà đã tăng lên 3-4 tỷ rồi. Chúc các bạn sớm có được căn nhà mơ ước của riêng mình!", Minh Hiếu nhắn nhủ.