Cơ thể của con người là một thể thống nhất và thật sự rất hoàn hảo. Trên chặng đường tìm hiểu về bộ máy tuyệt vời này, chúng ta phát hiện ra không ít những điều thú vị và bất ngờ về chính bản thân mình.
Một trong số đó là về lỗ mũi của chúng ta. Nghe thật kì lạ, nhưng bạn có tin rằng phần lớn chúng ta không thở bằng cả 2 lỗ mũi? Một bên mũi sẽ luôn phải thở mạnh hơn, và suốt cả ngày hai lỗ mũi sẽ thay nhau đảm nhận công việc đó chứ không bao giờ cân bằng.
Và điều này còn có ý nghĩa hẳn hoi, mỗi chi tiết dù nhỏ nhưng đều có những vai trò và ảnh hưởng nhất định. Tạo hóa hẳn không tạo ra cho chúng ta đến tận 2 lỗ mũi chỉ để cho đẹp.
Trước tiên, cơ chế của chu kì đặc biệt này như thế nào?
Phía trong mũi, có một loại tế bào tương tự như... vùng nhạy cảm của cơ thể, và chúng sẽ tạo ra sự xung huyết luân phiên giữa 2 lỗ mũi. Máu sẽ tập trung tại các nhóm tế bào này nhiều hơn ở một bên mũi, tạo thành túi phình che một phần đường thở.
Nếu dùng gương quan sát thật kĩ bạn cũng có thể nhìn thấy chúng.
Ảnh cắt ngang xoang mũi với các túi phình (màu đỏ)
Trong trạng thái khỏe mạnh, lỗ mũi đó sẽ không bị che kín hoàn toàn, không khí vẫn có thể lưu thông qua nhưng với một lượng rất ít.
Quá trình này được hệ thần kinh điều khiển khá nhịp nhàng, cứ sau 4 tiếng, lỗ mũi sẽ "đổi ca". Phụ thuộc vào tư thế, tình trạng hiện tại của hệ hô hấp, khoảng thời gian này có thể sẽ khác đi.
Và ý nghĩa của nó rốt cuộc là gì?
Câu trả lời không hề đơn giản. Sau khi chuyên gia người Đức Richard Kaiser phát hiện ra chu kì này vào năm 1895, nhiều nghiên cứu khác cùng lĩnh vực cũng được thực hiện. Và kết quả của chúng thật sự bất ngờ, khi sự ảnh hưởng của vòng tuần hoàn này lớn đến mức khó tin.
Đầu tiên, chúng giúp cho mũi làm tốt chức năng hô hấp của mình. Vai trò tối cao của bộ phận này là sưởi ấm, làm sạch và ẩn không khí đưa từ ngoài môi trường vào trong phổi. Quá trình này phải được thực hiện liên tục.
Ở phía trong niêm mạc mũi, các cấu trúc tế bào có hình lông luôn phải đung đưa qua lại. Chúng có mục đích là giữ một lượng rất nhỏ dịch nhầy trên thành mũi. Lượng dịch này sẽ làm ẩm không khí, ngăn những tác nhân có thể gây hại như hạt bụi, hạt phấn, dị vật nhỏ,... khỏi bay vào phổi.
Tuy nhiên, những chiếc lông này chỉ hoạt động tốt nhất nếu được nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian. Do vậy, bên mũi nào thở nhẹ hơn thì các tế bào lông ở bên đó coi như được thư giãn để chuẩn bị cho phiên làm việc kế tiếp.
Nằm xuống là một cách để ép mũi "thay ca trực". Bạn nằm nghiêng bên nào thì lỗ mũi bên đó sẽ "tịt" lại. Ngoài ra, bịt một bên mũi để ép bên mũi còn lại thở cũng là một phương pháp khả thi.
Hệ thần kinh thay vì bắt một bên mũi làm việc cả đêm, nó sẽ bảo bạn đổi tư thế nằm. Do vậy, việc bạn trở mình khi ngủ vào buổi đêm cũng là một hệ quả của vòng tuần hoàn này.
Hơn thế, chúng ta cũng biết rằng mùi hương là một loại tín hiệu vô cùng quan trọng. Mùi có thể thông báo về nguồn thức ăn, hoặc sự hiện diện của một vài các tác nhân nguy hiểm cần tránh (khói, độc,...). Vì thế, một lợi ích khác mà vòng tuần hoàn này đem lại là đảm bảo việc tiếp nhận nguồn thông tin quý giá này ở mức tối ưu.
Trong thực tế, độ bám dính của mỗi chất liệu là khác nhau. Chất bám dính tốt sẽ dễ dàng gặp được thụ thể nếu có luồng khí mạnh, những chất bám dính kém được đưa vào mũi tốt hơn nhờ có luồng khí chậm và nhẹ. Như vậy, với sự lưu thông ở hai bên mũi là khác nhau, khả năng nhận biết được các mùi của chúng ta sẽ lớn gấp đôi.
Không dừng lại ở đó, theo một nghiên cứu năm 1988, chu kì này còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là máu và não bộ. Khi bạn thở bằng lỗ mũi phải, lượng đường trong máu sẽ cao hơn. Các nhà khoa học tin rằng những người có vòng tuần hoàn mũi bất bình thường, chỉ thở bằng mũi phải hàng năm trời không đổi – chính là những người có rủi ro tiểu đường rất cao.
Đặc biệt và gây bất ngờ hơn cả, năm 1994, các bằng chứng về sự liên quan giữa vòng tuần hoàn mũi và não bộ được công bố. Khi bạn thở bằng mũi trái, bán cầu não phải sẽ làm việc năng suất hơn và ngược lại. Ngoài ra, khoa học chỉ ra rằng nếu thở bằng mũi bên phải, não bộ sẽ được cung cấp nhiều oxy hơn, dù chưa thực sự chứng minh được điều đó.
Chà, cơ thể chúng ta thật vi diệu! Tất cả đều hoạt động nhịp nhàng và âm thầm, mọi lúc mọi nơi. Không gì có thể thay thế hoặc hồi phục những thương tổn lớn trên cơ thể, bởi vậy, hãy luôn nhớ giữ gìn sức khỏe, bảo vệ chính mình bằng những thói quen sinh hoạt lành mạnh, đúng giờ.
Tạo hóa đã tặng cho ta một món quà vô giá – hãy trân trọng nó từng giây mà bạn có thể!