Gần nửa thế kỷ nuôi đàn con "ngớ ngẩn"
Từ Đà Nẵng, vượt đoạn đường 70 cây số, chúng tôi tìm đến thăm vợ chồng ông Nguyễn Vỹ (70 tuổi) và bà Võ Thị Dung (68 tuổi) ở thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam khi trời đã đứng bóng.
Thấy chúng tôi đến, nhiều người hàng xóm cũng xúm lại trò chuyện như hy vọng đem đến một điều gì đó cho gia đình ông Vỹ. "Ai chẳng biết gia đình ông Vỹ đội sổ nghèo thâm niên ở cái xóm nghèo này. Chẳng hiểu sao, 2 vợ chồng ông sống tốt vậy mà cuộc đời lại éo le đến thế", một người phụ nữ nói như phân bua.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Vỹ cùng những đứa con bệnh tật.
Ông Vỹ
và bà Dung nên duyên vợ chồng đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ. Cũng như những
đôi vợ chồng khác, họ luôn xem con cái
là tài sản lớn nhất để vượt qua những khó khăn thường nhật. Thế nhưng bất hạnh cứ chồng chất khi những đứa con của họ
sinh ra phải mang trong mình di chứng chất độc da cam.
Theo lời ông Vỹ, ba năm sau ngày cưới, vợ chồng ông vỡ òa hạnh phúc khi đón đứa con trai đầu lòng. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang khi anh Nguyễn Vũ Á (SN 1971) sinh ra đã không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh bị dị tật bẩm sinh, thân hình ngày càng teo tóp và gần như vô thức…
45 năm qua, vợ chồng ông Vỹ phải nuôi đàn con bị chất độc da cam, thế nhưng họ vẫn luôn tỏ ra lạc quan và không một lời than trách số phận...
Nuốt ngược nỗi đau vào tim, ông bà sinh thêm hai người con nữa với hy vọng về già có cháu để ẵm bồng. Thế nhưng, ông trời lại tiếp tục trêu ngươi khi cả hai cô con gái là Nguyễn Thị Phú (SN 1974) và Nguyễn Thị Phát (SN 1976) sinh ra cũng mắc phải chứng bệnh quái ác giống anh Á.
Anh Á năm nay đã 45 tuổi nhưng vẫn cứ như một đứa trẻ, chân tay bị co rúm, không nói được.
Chị Phú năm nay cũng đã 42 tuổi nhưng chỉ biết nằm một chỗ như người mất hồn, không nói không cười...
Mọi sinh hoạt từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của các con đều do vợ chồng ông Vỹ lo liệu.
Đau đớn, xót xa cho số phận nghiệt ngã, ông Vỹ, bà Dung bán hết tài sản trong nhà và vay mượn khắp nơi để mong sao chữa khỏi bệnh cho các con… Nhưng rồi, tiền của trong nhà lần lượt "đội nón ra đi" mà bệnh tình của các con ngày càng nặng thêm…
Nghiệt ngã hơn cả, đứa con trai út lành lặn duy nhất của ông bà đã ăn học thành tài, thế nhưng đến ngày ăn mừng lễ tốt nghiệp thì bất ngờ chết đuối trong một vụ lật ghe. Nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai, tai họa khác lại tiếp tục ập đến, đầu năm 2016, đứa con gái bệnh tật của ông lại bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông…
"Con người sống trên đời đều có số phận hết cả và vợ chồng tôi chấp nhận sự an bài của ông trời. Chỉ cầu mong 2 đứa con đã mất được ra đi thanh thản, 2 đứa còn lại được mạnh khỏe để sống tiếp với vợ chồng tôi được ngày nào thì hạnh phúc ngày đó", bà Dung chia sẻ.
"9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn thành tài thì nó lại đột ngột qua đời, đứa con gái thứ 3 bị bệnh tật cũng bị ông trời nhẫn tâm cướp đi… Bốn đứa con mà bây giờ vợ chồng tôi chỉ còn 2 đứa này thôi, nếu chúng nó mà có mệnh hệ gì nữa thì chắc tôi không sống nổi. Nhìn 2 đứa nó (anh Á, chị Phú_PV) ngớ nga ngớ ngẩn vậy thôi chứ cũng biết nghe lời lắm. Hồi nghe tin em nó chạy lang thang ngoài đường rồi bị xe tông chết, 2 đứa nó cũng buồn bỏ ăn mấy ngày…", bà Dung nghẹn ngào, tâm sự.
Chỉ cần thấy các con còn sống…
Hơn 40 năm qua, hai vợ chồng ông Vỹ phải làm lụng vất vả đủ nghề để "chạy ăn từng bữa" nuôi đàn con tật nguyền. Giờ đây, khi ở tuổi xế chiều, sức đã tàn, lực đã kiệt nên ông bà không thể lao động nặng được nữa… Trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp, đôi vợ chồng già và 2 đứa con bệnh tật dắt díu nhau vượt qua cơn túng quẫn.
... Và "hạnh phúc" của đôi vợ chồng già ấy bây giờ là các con còn sống!
Thế nhưng, điều khiến tôi cảm phục đôi vợ chồng này là họ vẫn luôn giữ vững được niềm tin, lạc quan trước những sóng gió của cuộc đời. Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, ông Vỹ, bà Dung luôn mỉm cười khi nói về những đứa con "ngớ ngẩn" của mình…
Dường như vợ chồng ông Vỹ không thích than vãn, hoặc có thể mọi công việc họ làm suốt hơn 40 năm qua đã thành một thói quen và họ biết cách tự tạo hạnh phúc cho bản thân, vui vẻ tận hưởng thời gian bên những đứa con của mình.
Được chăm sóc các con, với bà Dung là một niềm hạnh phúc...
"Thấy tụi nó ăn được, ngủ được là vợ chồng tôi vui lắm rồi...", bà Dung cười nói.
"Ai cũng khuyên nên đưa 2 đứa nó vào trung tâm bảo trợ nhưng tôi
không đành lòng. Mình sinh con ra thì phải có trách nhiệm, hơn nữa, 2 đứa nó là động lực sống của vợ
chồng tôi. Thôi thì "trời kêu ai nấy dạ", giờ
vợ chồng tôi chẳng mơ ước gì hơn, chỉ mong mỗi ngày mở mắt dậy thấy các con vẫn
còn sống thì đã mãn nguyện và hạnh phúc lắm rồi…", ông Vỹ nói, rồi lại cười, nụ cười dường
như đã giúp vợ chồng ông quên đi những đắng cay của cuộc đời.
Tiễn tôi ra về, ông Vỹ cầm chặt tay tôi bảo: "Khổ cực mấy rồi cũng xong, thấy các con bệnh tật tôi lại càng thương hơn. Tôi chỉ sợ sau này vợ chồng tôi chết đi thì sẽ không ai chăm sóc cho tụi nó...".
"Chỉ cần thấy tụi nó còn sống là vợ chồng tôi đã mãn nguyện lắm rồi", vợ chồng ông Vỹ luôn lấy đó làm động lực.
Bản thân ông Vỹ cũng bị nhiễm chất độc da cam nên không thể làm được việc nặng, mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau lại hành hạ khiến ông phải nhập viện điều trị. Thế nhưng, để có tiền nuôi 4 miệng ăn trong gia đình, hằng ngày ông phải gắng gượng đi chăn trâu thuê cho hàng xóm, còn bà Dung thì ở nhà chăm sóc 2 con. Trong khi đó, chi phí thuốc men cho 2 con rất cao nên chủ yếu chỉ biết trông mong vào sự giúp đỡ của xã hội.
"Cũng rất may mắn là hai đứa con của tôi được chính quyền trợ cấp và đặc biệt là được cộng đồng quan tâm, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, nếu không có mọi người, chắc tụi nó không sống nổi".