Chênh lệch giàu - nghèo tại Trung Quốc: Người ở nhà 41 tỷ đồng, kẻ phải sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn

Minh Phương Spiderum, Theo Thời Đại 10:09 09/09/2017
Chia sẻ

Hiểu rõ cuộc sống khác biệt giữa các gia đình giàu có và những người dân nghèo cùng kiệt ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sẽ giúp bạn lý giải được vì sao thu hẹp khoảng cách giàu nghèo lại trở thành ưu tiên của lãnh đạo Trung Quốc.

Chênh lệch giàu - nghèo tại Trung Quốc: Người ở nhà 41 tỷ đồng, kẻ phải sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn - Ảnh 1.

Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là ưu tiên của lãnh đạo Trung Quốc

Đôi vợ chồng ở Thâm Quyến sẵn sàng vay tiền để mua căn hộ cao cấp trị giá 41 tỷ đồng

Steve Guo và vợ anh đang sở hữu một căn hộ 4 phòng ngủ ở Thâm Quyến, trị giá 12 triệu nhân dân tệ (tương đương 41 tỷ đồng) và dự định sẽ sinh thêm em bé thứ hai vào đầu năm tới.

Vào tháng trước, họ đã trả trước 60.000 nhân dân tệ (khoảng 208 triệu đồng) cho dịch vụ chăm sóc sau sinh. Ngoài ra, họ còn phải chi tiền cho các hoá đơn dịch vụ và hàng hoá mua ở nước ngoài như Italia, Đức.

Chi phí sinh hoạt trung bình của cặp vợ chồng này ở thị trấn công nghệ cao Quảng Đông, trong đó bao gồm các khoản tiền thế chấp, rơi vào khoảng 60.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 208 triệu đồng/tháng). Số tiền này sẽ được chi trả bằng lương và tiền vay nợ của anh Steve. Lối sống của họ cũng giống như hàng triệu thành viên khác trong tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. 

Vậy còn cuộc sống của những người dân ở khắp làng quê ở Quảng Đông thì sao. Chúng ta hãy cũng đến thăm một gia đình tại làng Chiết Giang, cách vùng núi Quảng Đông 200 km về phía bắc để hiểu rõ hơn về đời sống của họ.

Gia đình nông dân ở làng Chiết Giang chỉ mong có 350 triệu đồng để sửa nhà

Trong ngôi nhà của người nông dân 67 tuổi, Giang Thuỷ An, thiết bị đắt tiền và hiện đại nhất là chiếc ti vi. Các bức tường đều đã đổi màu, bộ bàn ghế cũng bạc phếch, các cửa gỗ thường phát ra tiếng động cót két và vật dụng làm mát duy nhất là chiếc quạt điện mà mỗi lần chạy, nó đều khiến người khác cảm thấy "đinh tai nhức óc". Mọi thứ trong nhà ông cứ như thể những món đồ được trưng bày ở viện bảo tàng vậy.

Ông Giang cho biết, ông và các con trai mình luôn mơ ước có thể tiết kiệm được 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng) để sửa lại ngôi nhà bằng gạch nhưng mục tiêu đó dường như khó có thể đạt được ở mức thu nhập hiện tại của họ.

Chênh lệch giàu - nghèo tại Trung Quốc: Người ở nhà 41 tỷ đồng, kẻ phải sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn - Ảnh 2.

Ông Giang cho biết, ông và các con trai mình luôn mơ ước có thể tiết kiệm được tiền để sửa lại ngôi nhà.

Ngồi trên chiếc ghế nhựa, ông Giang trả lời tờ South China Morning Post rằng, "Kiếm tiền thật khó. Chúng tôi có thể kiếm được 3600 nhân dân tệ (khoảng 12,5 triệu đồng) từ nghề nông. Hai con trai tôi làm việc cho các nhà máy gốm ở gần đây và lương mỗi đứa là 1700 và 2000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 6 triệu - 7 triệu đồng/tháng).

Nhà ông Giang chỉ là một trong số hàng chục ngôi nhà được xây bằng gạch và bùn tại làng này. Không những thế, làng ông sinh sống cũng chỉ là một trong số 2.277 làng (1,76 triệu dân) nằm dưới mức chuẩn nghèo của tỉnh Quảng Đông (thu nhập hàng năm ở mức 4000 nhân dân tệ, tương đương 13,9 triệu đồng/người).

Ý tưởng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Sự tương phản về lối sống giữa hai gia đình trên là minh chứng cho mức độ chênh lệch giàu nghèo trong gần 4 thập kỷ qua ở Trung Quốc, một nền kinh tế liên tục tăng trưởng. Cũng vì thế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giờ đây đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Không giống như các nhà lãnh đạo trước đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đưa 70 triệu người nghèo Trung Quốc thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Để làm được như vậy, ông cố gắng khiến Trung Quốc tăng trưởng toàn diện hơn, thay vì chỉ tập trung vào một nhóm ít người.

Khoảng cách giàu nghèo sẽ khó có thể giúp ông Tập Cận Bình thực hiện được kế hoạch phát triển xã hội "sáng tạo, hợp tác, xanh, mở và toàn diện" của mình. Do vậy, để giải quyết vấn đề nhức nhối trên, ông Tập Cận Bình từng nói rằng, ông muốn tập trung vào chất lượng tăng trưởng, môi trường, tính bền vững và công bằng, một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các nhà tiền nhiệm.

Giá bất động sản tăng cao - "thần tài" của các gia đình thành phố

Quảng Đông, tỉnh khá giả nhất Trung Quốc, được biết đến là đầu tàu kinh tế của cả nước với nhiều doanh nghiệp sản xuất tiên tiến ở Đồng bằng Châu Giang và các thành phố sôi động như Thâm Quyến. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái của tỉnh này gần bằng nước Nga, nhưng khoảng cách giữa khu đô thị với các vùng nông thôn ở tỉnh còn khá xa.

Thu nhập bình quân đầu người (GDP) ở Thâm Quyến giờ đây đã ngang với Bồ Đào Nha, nhưng GDP ở Thanh Viễn lại chỉ bằng một phần tư GDP năm ngoái của Thâm Quyến và vẫn thấp hơn thu nhập trung bình ở quốc gia này. 

Chênh lệch giàu - nghèo tại Trung Quốc: Người ở nhà 41 tỷ đồng, kẻ phải sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn - Ảnh 3.

Thu nhập bình quân đầu người (GDP) ở Thâm Quyến giờ đây đã ngang với Bồ Đào Nha.

11 thành phố khác ở Quảng Đông bao gồm Mai Châu, Mậu Danh, Yết Dương, Dương Giang, Sán Vĩ, Thiều Quan, Trạm Giang, Triều Châu, Sán Đầu, Vân Phù và Hà Nguyên đang có thu nhập dưới mức trung bình của cả nước vào năm ngoái. Hơn nữa, tại Mai Châu, Hà Nguyên, Sán Vĩ và Vân Phù, thu nhập bình quân của người dân còn thấp hơn ở Quý Châu, tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Một nhà nghiên cứu ở Học viện Khoa học Xã hội Quảng Châu cho rằng, chênh lệch giàu nghèo ở Quảng Đông đang ngày càng gia tăng trong những năm qua.

Ông nói, "Các gia đình ở nhiều thành phố lớn giàu lên nhanh chóng chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của giá bất động sản. Nhưng những khu vực nghèo hơn ở Quảng Đông lại thiếu khả năng thu hút vốn và nhân tài để tạo ra sự bùng nổ về kinh tế".

Theo các thống kê, Đồng bằng Châu Giang, bao gồm một số thành phố phát triển nhất Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Quan và Phật Sơn, chỉ chiếm 23% dân số ở tỉnh nhưng vào năm ngoái, nơi đây đã tạo ra 79,3% sản lượng kinh tế cho Quảng Đông, tăng từ 79,1% (năm 2015). Uỷ ban cải cách và phát triển của tỉnh cho hay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ở 12 thành phố nghèo của tỉnh này là 7,4%/ năm, trong khi đó, số liệu này ở Đồng bằng Châu Giang là 8,3%.

Số liệu từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục được nới rộng ở quốc gia này. Hệ số Gini, thước đo bất bình đẳng thu nhập, có giá trị từ 0 đến 1, đã tăng nhẹ từ 0.462 vào 2015 lên 0.465 trong năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, khoảng cách thu nhập được nới rộng trong vòng 5 năm qua.

Nhiều người dân Thâm Quyến tin rằng, giá nhà sẽ tiếp tục tăng cao, đẩy giá bất động sản ở Trung Quốc lên hàng cao nhất thế giới, dần thu hẹp khoảng cách với người hàng xóm Hong Kong, vốn là nơi nổi tiếng với giá nhà đặc biệt đắt đỏ.

Anh Quách từng mua một căn hộ 4 phòng ngủ ở Thâm Quyến từ số tiền vay được vào năm 2015. Sau đó, anh bán hai căn hộ nhỏ hơn với giá 7 triệu nhân dân tệ (khoảng 24,3 tỷ đồng) và mượn thêm 5 triệu nhân tệ (khoảng 17,3 tỷ đồng) để mua một căn hộ mới, rộng hơn. Vợ chồng anh vẫn sống ở nhà trọ và sẽ chuyển đến căn hộ mới vào cuối năm nay trước khi vợ anh sinh con.

Chênh lệch giàu - nghèo tại Trung Quốc: Người ở nhà 41 tỷ đồng, kẻ phải sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn - Ảnh 4.

Anh Quách nói, "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, Thâm Quyến sẽ tiếp tục tăng trưởng và trở thành đô thị sầm uất nhất ở châu Á. Giá nhà đất trung bình ở thành phố này sẽ tăng cao ngang bằng với thị trường Hong Kong.

Gia đình sống nhờ vào các khoản vay nợ. Thu nhập hàng tháng của họ là khoảng 30.000 nhân dân tệ (tương đương 104 triệu đồng). Nhưng họ lại không cảm thấy lo lắng chút nào về lối chi tiêu của mình. Lý do là căn hộ, tài sản lớn nhất của họ đang được định giá cao.

Anh Quách nói, "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, Thâm Quyến sẽ tiếp tục tăng trưởng và trở thành đô thị sầm uất nhất ở châu Á. Giá nhà đất trung bình ở thành phố này sẽ tăng cao ngang bằng với thị trường Hong Kong… vì tương lai nền kinh tế Trung Quốc sẽ nằm ở Thâm Quyến".

Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc vẫn còn là chuyện gian nan

Thâm Quyến, cách đây vài chục năm chỉ là một làng chài, giờ đã sở hữu nền kinh tế được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của nền công nghệ cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu mới. Quy mô nền kinh tế của thành phố này đã mở rộng đến 10,6% vào năm ngoái, và 2/5 sự tăng trưởng đó là do ngành công nghệ cao đưa đến.

Các cơ quan chính quyền tỉnh Quảng Đông đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tỉnh này vừa rót nguồn kinh phí đáng kể vào việc mở rộng các con đường, xây dựng nhiều khu công nghiệp và thị trấn mới.

Tuy vậy, mặc dù Quảng Đông từng dẫn đầu Trung Quốc trong quá trình chuyển từ một xã hội dựa chủ yếu vào nông nghiệp sang thành một đầu tàu công nghiệp vào đầu những năm 1980 với nguồn vốn của các nhà đầu tư ở Hong Kong và Đài Loan nhưng thị trấn này vẫn đang vận lộn để tiếp tục toả sáng như là mô hình mẫu mực của một xã hội xanh và công bằng hơn.

Chênh lệch giàu - nghèo tại Trung Quốc: Người ở nhà 41 tỷ đồng, kẻ phải sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn - Ảnh 5.

Các cơ quan chính quyền tỉnh Quảng Đông đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Vào tháng 4 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu cho tỉnh này phải là địa phương tiên phong trong việc xây dựng một xã hội "toàn diện, lành mạnh" và không còn người nghèo vào năm 2020.

Tuy vậy, người ta vẫn còn phải quan sát xem liệu Quảng Đông và Trung Quốc nói chung có thể đạt được mục tiêu này hay không.

Một nhân viên tiếp thị của nhà máy gốm sứ ở thị trấn nói rằng, "Trong vài năm qua, nhiều đất nông nghiệp ở Thanh Viễn đã được sử dụng để xây dựng các con đường mới, bất động sản thương mại và trung tâm đô thị. Tuy nhiên, dân cư và các nhà máy cao cấp sẽ không thể tập trung về đây nhanh như dự kiến."

"Chi phí vận chuyển đối với các ngành sản xuất ở đây rất cao. Nhân công và phí sinh hoạt cũng liên tục "đội giá". Một số nhà máy địa phương và các cơ sở tái chế phế liệu đang dần chuyển sang các nước Đông Nam Á".

Đó không những là tin xấu đối với người dân ở Chiết Giang, những người đang làm việc chăm chỉ để kiếm tiền sửa chữa nơi ở mà còn làm mất đi cơ hội tìm kiếm công việc ở gần nhà của họ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày