Phần lớn những trận đại chiến ở Premier League đều có trang wikipedia riêng. Ví dụ nếu muốn đọc lại lịch sử đại chiến Man Utd - Arsenal chỉ cần lên google tìm với từ khóa "Man Utd - Arsenal rivalry" là cả một giai đoạn lịch sử hào hùng hiện ra. Tương tự, Man Utd - Liverpool rivalry, Chelsea - Arsenal rivalry…
Chelsea vs Man City bây giờ là trận đấu đáng xem nhất giải Ngoại hạng Anh
Nhưng trận Chelsea - Man City thì không có trong đại từ điển wikipedia. Đối với rất nhiều người hâm mộ bóng đá có thâm niên, màn chạm trán giữa 2 CLB này không phải là đại chiến.
Ngược lại quá khứ một chút: Vào năm 1985, sau thảm họa Heysel, người Anh nhận hình phạt bị cấm thi đấu ở châu Âu. Để cứu vãn nền bóng đá đang trên đà suy thoái rơi xuống vực thẳm, người Anh nghĩ ra giải đấu mang tên Full Members' Cup. Giải đấu sẽ diễn ra đúng vào thời điểm cúp châu Âu thi đấu để không khiến NHM và các đội bóng Anh cảm thấy lạc lõng khỏi dòng chảy của bóng đá thế giới.
Năm đó, Chelsea và Man City chính là 2 CLB chơi trận chung kết Full Members' Cup đầu tiên trong lịch sử. Trong hành trình vào chung kết, Man City có một trận đấu với Leeds United và trận đấu đó là một cột mốc lịch sử rất buồn với Man xanh. Chỉ có vỏn vẹn 4.029 CĐV tới sân, xác lập kỷ lục trận đấu chính thức ít người xem nhất trong lịch sử Man City.
Chelsea và Man City ra sân trong trận chung kết với những khán đài thưa thớt CĐV trong trận chung kết đầu tiên của giải Full Member's Cup
Sự nghèo nàn về người xem đó kéo tới tận trận chung kết và cần phải nhờ tới quyết định 2 lần đổi lịch thi đấu (để trận đấu được diễn ra vào chiều Chủ nhật), 2 cái tên Chelsea - Man City mới lôi được 67.236 tới sân Wembley. Trận chung kết, Chelsea thắng Man City tới 5-4. Đây là trận chung kết có nhiều bàn thắng được ghi nhất trong lịch sử ngắn ngủi của Full Members' Cup.
Kể lại một chút lịch sử để thấy, 2 cái tên Chelsea và Man City chưa từng là những thương hiệu hút khách ở Anh. Và thực tế là cho đến khi Chelsea được mua bởi Roman Abramovich, họ mới lần đầu tiên có chức vô địch giải đấu cao nhất bóng đá Anh sau 50 năm. Còn Man City cũng phải nhờ đến những tỷ phú Trung Đông mới lần đầu tiên vô địch Premier League.
Trong những năm đầu bơi trong biển tiền của các tỷ phú, Chelsea và Man City bị chỉ trích, mỉa mai rất nhiều. Người Anh vốn đã tôn thờ Liverpool, Man Utd và phần nào đó là Arsenal nên họ mặc định ghét những đội bóng mà "tiền dày hơn cả lịch sử". Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ Man City đã nhiều lần bị các thành viên của Man Utd mỉa mai, còn Chelsea cũng chẳng thoát khỏi những lời cạnh khóe của Arsenal.
Trong những năm đầu gây dựng đế chế, Man City vẫn luôn bị người hàng xóm Man Utd mỉa mai
Nhưng cùng với thời gian, Chelsea và Man xanh đã cùng nhau viết lại lịch sử bóng đá Anh và chính họ tạo ra một xu thế, một lộ trình thành công hiện tại đang được phần lớn các đội bóng sử dụng. Chelsea đã dùng tiền để mang cúp về phòng truyền thống, nhưng đồng thời họ cũng dùng tiền để xây dựng một hệ thống đào tạo trẻ tốt bậc nhất nước Anh. Đội trẻ của Chelsea đã giành khá nhiều chức vô địch quan trọng trong vài năm gần đây.
Trong khi đó, Man City trở thành một mô hình còn đáng ngưỡng mộ hơn gấp bội. Họ trở thành thành viên của City Football Group và nhờ đó tên tuổi bay xa khắp toàn thế giới. Họ biến Etihad thành một khu phức hợp giữa cả thể thao, giải trí và… giáo dục. Và trên hết, họ đang dần trở thành kẻ thống trị bóng đá Anh.
Bây giờ, đại chiến Chelsea - Man City thậm chí đã có tên riêng: El Cashico. Rất nhiều tờ báo Anh khẳng định, Chelsea - Man City xứng đáng là cặp đấu đại diện cho bóng đá Anh thời hiện đại. Nó cân xứng ở rất nhiều yếu tố, nó gặp nhau ở triết lý phát triển.
Trận đại chiến Chelsea vs Man City cân xứng ở nhiều yếu tố và gặp nhau ở triết lý phát triển
Cặp đấu này chứng minh cho một thực tế: Bất kỳ giá trị nào cũng có tính thời điểm và hạn sử dụng của riêng nó. Năm xưa, Liverpool ra sân với đầy hào khí. Sân nhà của họ có dòng chữ This is Anfield, như một lời thách thức và đe dọa đối thủ. Họ có một bài phát truyền thống nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng The Kop cứ sống mãi với quá khứ hào nhoáng đó.
Chelsea - Man City không cần những khẩu hiệu đao to búa lớn, thấm đẫm giá trị lịch sử. Thứ họ cần trong bóng đá hiện đại là khán giả và danh hiệu. Đó mới là những giá trị thực tế của bóng đá.