Lửa đã cháy rừng rực hơn 10 ngày đêm. Suốt từ Hy Lạp, Albanie, Italy, Pháp, cho đến Tây Ban Nha và từ hôm qua là Bồ Đào Nha, một vành đai lửa dọc theo các cánh rừng phía Nam châu Âu. Lửa lan vào làng mạc, đốt cháy gia súc, thiêu rụi hoa màu. Ruộng nho, vườn olive, lúa mỳ, đồng cỏ… lửa đã cuốn đi tất cả. Các vùng đất nông nghiệp bị nung nóng lâu ngày, rồi đây sẽ không còn có thể canh tác gì làm thức ăn cho con người và gia súc được nữa.
Ông Juan Manuel Generoso - nông dân Tây Ban Nha chua xót: "Thực là một thảm họa. Hầu như mọi thứ đã bị thiêu rụi, những người chăn nuôi gia súc đã mất sạch, mọi người đã mất sạch. Thật là thảm khốc".
Hàng chục ngàn vụ cháy đã bùng phát sau nhiều ngày nắng nóng liên tiếp hơn 40 độ C tại một vùng khí hậu ôn đới. Đảo Sicily của Italy hôm thứ Tư tuần trước đã đo được nhiệt độ trong bóng râm 48,8 độ C, mức độ nóng chưa từng thấy trong lịch sử châu Âu.
Ủy ban châu Âu và nhiều nước Bắc Âu đã khẩn cấp gửi xuống phía Nam lính cứu hỏa, máy bay chữa cháy, trực thăng sơ tán cư dân. Tại nhiều nơi, ngọn lửa đã bị khống chế hoặc dập tắt, để lộ ra cảnh tượng hoang tàn.
Ông Carlo Zaglia - lính cứu hỏa Pháp cho biết: "Các đám cháy rất dữ dội, tốc độ phát tán hơn 5 km/h. Trong địa hình núi đá và đồi dốc, lực lượng cứu hỏa rất khó tiếp cận để dập lửa từ chân cây".
Từ vài năm nay, các đợt nắng nóng thiêu đốt châu Âu dày hơn, dài hơn, nóng bức hơn. Số vụ cháy rừng cũng vì thế mà mỗi năm một nhiều thêm, cháy rộng thêm và khó dập tắt. Chưa thể thống kê được những thiệt hại mà các vụ cháy rừng năm nay gây ra. Những con số đầu tiên vừa công bố luôn kèm theo cụm từ "cao nhất từ trước tới nay". Nắng nóng chưa kết thúc, lửa vẫn có thể bùng lên bất cứ lúc nào tại các nước Nam Âu. Biến đổi khí hậu là một mồi lửa gây ra những thảm họa cháy rừng như đang xảy ra ở châu Âu.
Theo một số nhà khoa học, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả những nước vốn hay xảy ra cháy rừng, hiện nay cũng không đủ để đối phó với các vụ cháy ngày càng trầm trọng hơn.
Hàng chục ngàn trận cháy rừng đã và đang gây ra những thiệt hại khó có thể bù đắp được. Ước tính từ năm 1980 đến 2019, các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan gây thiệt hại gần 500 tỷ euro cho các nước ở châu Âu.
Nhiều chuyên gia đến giờ không còn giữ được sự lạc quan về tiến độ của các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Họ cho rằng cháy rừng nhiều hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn sẽ là điều "bình thường mới" của trái đất này.