Việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua tuyến đường ống dẫn chính sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine đang làm tăng nguy cơ thiếu điện ở châu Âu trong mấy tháng tới. Ở Pháp, tình hình tồi tệ hơn khi nhiều nhà máy điện hạt nhân đóng cửa để bảo dưỡng.
Các quan chức ngành viễn thông cho biết họ lo sợ mùa đông khắc nghiệt sắp tới sẽ thử thách hạ tầng viễn thông của châu Âu, buộc các công ty và chính phủ phải tìm cách giảm nhẹ tác động.
Một cột sóng viễn thông ở Pháp. (Ảnh: Reuters)
Nhiều nước châu Âu hiện không có đủ hệ thống dự phòng để chịu đựng tình trạng mất điện diện rộng, 4 lãnh đạo viễn thông cho biết. Tình hình này khiến họ nghĩ đến khả năng mất cả sóng điện thoại.
Các nước châu Âu, như Pháp, Thụy Điển và Đức, đang cố gắng bảo đảm duy trì dịch vụ viễn thông cho dù việc cắt điện có làm cạn kiệt nguồn dự phòng của hàng ngàn cột sóng trên lãnh thổ của họ.
Châu Âu có nửa triệu cột sóng viễn thông và hầu hết đều có hệ thống pin dự phòng đủ duy trì trong khoảng 30 phút để duy trì sóng.
Tại Pháp, một kế hoạch mà nhà phân phối điện Enedis trình lên chính phủ nêu ra khả năng phải cắt điện trong 2 giờ đồng hồ nếu gặp phải tình huống xấu nhất, Reuters dẫn nguồn tin cho biết.
Tình trạng mất điện sẽ chỉ ảnh hưởng cục bộ lên từng khu vực, theo kế hoạch luân phiên. Những dịch vụ cơ bản khác như bệnh viện, cảnh sát, và chính phủ sẽ không bị ảnh hưởng, nguồn tin cho biết.
FFT, một nhóm vận động đại diện cho các nhà mạng Orange, Bouygues Telecom và SFR, chỉ trích Enedis vì không loại trừ các mạng viễn thông khỏi kế hoạch cắt điện.
Hãng viễn thông Telcos ở Thụy Điển và Đức cũng nêu quan ngại lên chính phủ về nguy cơ phải cắt điện, các nguồn tin cho biết.
Cơ quan quản lý viễn thông Thụy Điển PTS đang làm việc với các nhà mạng và nhiều cơ quan chính phủ để tìm giải pháp, bao gồm bàn bạc về điều gì sẽ xảy ra nếu điện bị cắt luân phiên.
Nguồn: Reuters