Vì sao Kpop thiếu vắng idolgroup hỗn hợp nam nữ?

ZoneOut, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 17/01/2016

Cùng tìm hiểu lý do idolgroup hỗn hợp nam nữ - mô hình tưởng như có thể giải cứu làng Kpop đang ngập úng boygroup và girlgroup lại không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trong bối cảnh Kpop ngày một chìm ngập trong cơn lụt mang tên boygroup và girlgroup, fan chắc hẳn không ít lần đã tự hỏi vì sao các công ty quản lý không chuyển sang hướng đi mới như thành lập idolgroup hỗn hợp nam nữ, mà cứ khăng khăng bám trụ con đường xuất xưởng boygroup và girlgroup. Vậy nhóm nhạc hỗn hợp có gì bất lợi so với nhóm nhạc thuần thành viên nam hoặc thành viên nữ?

Lý do đầu tiên là nhóm nhạc hỗn hợp khó thu hút một lực lượng fan chuyên biệt hơn boygroup hoặc girlgroup. Trong khi boygroup dễ dàng lôi kéo một tập thể fan nữ hùng mạnh, girlgroup thừa khả năng thu hút một câu lạc bộ fan nam hoành tráng, lực lượng fan của nhóm nhạc hỗn hợp lại bị cho là kém ổn định và kém bền vững hơn. Chuyện fan rời bỏ fandom cũng trở nên không quá hiếm gặp.

"Bbiribom Bberibom" MV – Co-Ed School

"Without A Heart" – 8eight

"Too Late" MV – Co-Ed School

Tiếp đó, việc lựa chọn ca khúc và vũ đạo đồng thời phù hợp với cả hai giới tính cũng không hề đơn giản. Nhìn vào những nhóm nhạc nam nữ hỗn hợp từ trước đến nay của Kpop, ba kiểu concept thường gặp nhất bao gồm: hát hò kèm nhảy nhót nhí nhố ("Hollywood" – Koyote, "Bbiribom Bberibom" – Co-Ed School), đứng yên hát Ballad ("Without A Heart", "Goodbye My Love" – 8eight, "I Love You A Thousand Times" – Co-Ed School), hoặc tất cả các thành viên nữ cũng như nam cùng theo phong cách nam tính mạnh mẽ ("Too Late" – Co-Ed School). Bởi vậy mà không ít ý kiến cho rằng, trừ khi nhóm nhạc hỗn hợp theo đuổi concept ban nhạc hoặc nhóm nhạc Rock, còn không mọi chuyện sẽ khá khó khăn cho một nhóm nhạc thần tượng có thành viên thuộc cả hai giới tính.

Vì sao Kpop thiếu vắng idolgroup hỗn hợp nam nữ? - Ảnh 4.

Không có quá nhiều lựa chọn trong ca khúc và vũ đạo cho các nhóm nhạc hỗn hợp nam nữ

Ngoài ra, chuyện sinh hoạt của các thành viên cũng được coi là vấn đề không dễ giải quyết. Nếu tất cả các thành viên trong boygroup hoặc girlgroup có thể sống cùng nhau trong một kí túc xá, thành viên trong nhóm nhạc hỗn hợp phải tách ra sống riêng, dẫn đến một số trở ngại không lớn không nhỏ trong quá trình tập hợp, luyện tập hay mức độ thân thiết của các thành viên. Nhóm nhạc hỗn hợp Co-Ed School cũng từng chia ra sống ở hai kí túc xá khác nhau. Nhưng mặc dù hai khu nhà chỉ cách nhau 700 bước chân, hai bên nam nữ của nhóm thậm chí cũng chẳng biết kí túc xá của bên còn lại trông như thế nào.

Sau cùng, lý do khiến nhóm nhạc hỗn hợp khó có thể bình an vô sự trong suốt quá trình hoạt động là scandal hẹn hò và áp lực từ phía báo chí. Báo chí có thể khiến chuyện bé xé ra to, sự thân thiết đơn thuần giữa các thành viên hoàn toàn có thể bị cắt ghép, biên tập và thổi phồng thành quan hệ tình cảm. Điển hình là trường hợp của nhóm nhỏ Troublemaker. Có lẽ vì đặc trưng chỉ gồm hai mẩu một nam một nữ, lại theo đuổi concept 19+, hai thành viên HyunAHyunseung càng dễ bị gán ghép với nhau. Trong trường hợp của bộ đôi này, tin đồn hẹn hò có lẽ chẳng có gì đáng chú ý khi xuất hiện tin đồn HyunA... có thai với Hyunseung.

Vì sao Kpop thiếu vắng idolgroup hỗn hợp nam nữ? - Ảnh 5.

Scandal hẹn hò trên trời rơi xuống cũng là nỗi lo lắng của cả thành viên nhóm nhạc hỗn hợp lẫn công ty quản lý

Nhìn lại lịch sử Kpop, những nhóm nhạc nhiều thành viên hỗn hợp có lẽ chỉ là giọt nước so với đại dương boygroup và girlgroup. Thêm vào đó, những nhóm nhạc này chủ yếu sở hữu thành viên có giọng hát khủng (Cool, Koyote, Turtle, Clazziquai, 8eight, v.v...), không theo đuổi concept nhóm nhạc thần tượng thường gặp. Gần đây nhất, Kpop có những nhóm nhạc thần tượng nam nữ hỗn hợp là Co-Ed School (2010) và F1rst (2010). Tuy nhiên, mặc dù thành công trong việc gây hứng thú với fan vào thời điểm ban đầu, Co-Ed School sau đó lại chia thành girlgroup F-ve Dolls (2011) và boygroup Speed (2012) hoạt động riêng lẻ, F1rst sau một lần thay đổi thành viên thì chuyển thành boygroup Fame US (2013).

Vì sao Kpop thiếu vắng idolgroup hỗn hợp nam nữ? - Ảnh 6.

Vì sao Kpop thiếu vắng idolgroup hỗn hợp nam nữ? - Ảnh 7.

Co-Ed School và F1rst những tưởng có thể thổi một luồng gió mới vào sàn đấu Kpop, nhưng sau cùng vẫn phải bỏ cuộc và quay lại lối mòn boygroup – girlgroup quen thuộc

Qua đó, có thể nói nhóm nhạc thần tượng hỗn hợp vẫn là bài toán chưa tìm được lời giải đáp trong làng nhạc Kpop. Một số ý kiến cho rằng, chừng nào một trong ba ông lớn SM – YG – JYP còn chưa đứng ra "thầu" concept này, chừng đó Kpop vẫn chưa thể có được một nhóm nhạc hỗn hợp nam nữ chuẩn không cần chỉnh.

(Nguồn tham khảo: AK)