Châu Á “căng mình” ứng phó nguy cơ "làn sóng thứ 2" của dịch Covid-19

Thu Hoài, Theo VOV 21:17 13/04/2020
Chia sẻ

Liệu đại dịch Covid-19 có bùng phát mạnh mẽ trở lại tại châu Á hay không? Đây là vấn đề đang khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại.

Trong khi Trung Quốc hôm qua (12/4) chứng kiến số ca mắc mới lần đầu tiên vượt mốc 100 trong 5 tuần trở lại đây, thì Hàn Quốc ghi nhận tới hàng chục ca đã khỏi bệnh “dương tính” trở lại. Singapore, một trong những nước được xem là hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng đang phải “căng mình” đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Châu Á “căng mình” ứng phó nguy cơ làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Sinh viên Hong Kong từ London trở về nhà hôm 17/3, trước khi đặc khu này siết chặt quy định nhập cảnh. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc, nơi đầu tiên khởi phát Covid-19, vẫn đang phải sống trong sự lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan y tế nước này hôm nay xác nhận 108 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn là các ca “nhập khẩu”. Đây có thể xem là một kỷ lục bởi lần đầu tiên trong 5 tuần qua Trung Quốc chứng kiến số ca mắc mới trong ngày vượt quá con số 100, bất chấp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, giảm các chuyến bay quốc tế, giám sát chặt chẽ hay cách ly bắt buộc đối với bất kỳ ai nhập cảnh. Như vậy tới nay, tại Trung Quốc đã có hơn 1.300 ca mắc “nhập khẩu”, trên tổng số hơn 82.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này.

Người phát ngôn Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc Mễ Phong nhấn mạnh: “Số ca mắc nhập khẩu mới trên toàn Trung Quốc đại lục đã tăng cao nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu báo cáo về các trường hợp xâm nhập từ nước ngoài. Điều này cho thấy nguy cơ gia tăng từ các ca bệnh xâm nhập. Các chính quyền địa phương cần chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài, cũng như tăng cường hơn nữa khả năng xét nghiệm và điều trị”.

Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm rằng, đại dịch sẽ kết thúc khi tạo ra được cái gọi là miễn dịch cộng đồng, tức là sau khi phần lớn cộng đồng bị mắc bệnh và phát triển các kháng thể chống virus. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất của dịch bệnh tại Hàn Quốc hay trước đó là Trung Quốc lại đang phản bác luận điểm này. Như tại Hàn Quốc, trong tuần vừa qua, nước này đã chứng kiến 51 ca được xem là khỏi bệnh “dương tính” trở lại với virus Sars CoV-2.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyeong trấn an, đây không phải là ca nhiễm mới, mà do virus hoạt động trở lại. Bà đồng thời nhấn mạnh, không có khả năng mắc bệnh lần 2 ở những người từng mắc Covid-19. Nguyên nhân virus tái kích hoạt là do virus có thể vẫn còn tiềm ẩn trong một số tế bào cơ thể.

Trên thực tế virus hoạt động trở lại không phải là chuyện hiếm, vì đã xảy ra với virus zona và virus Ebola. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyeong cũng cho biết thêm, cơ quan này vẫn đang tiến hành nghiên cứu sâu nhằm xác định chính xác lý do tại sao những bệnh nhân được xem là khỏi bệnh lại “dương tính” trở lại với virus. Về mặt lý thuyết, để một người được tuyên bố là khỏi bệnh, họ phải trải qua 2 xét nghiệm đáng tin cậy trong vòng 24 giờ và cả 2 đều phải cho kết quả âm tính.

Singapore, quốc gia được xem là một hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ chiến lược kiểm soát- truy dấu nghiêm ngặt và hiệu quả, cũng đang phải “gồng mình” đối phó với đợt lây nhiễm thứ 2. Nước này hôm qua (12/4) ghi nhận thêm 233 ca nhiễm virus Sars CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của quốc đảo Đông Nam Á này từ dưới ngưỡng 1.500 hồi đầu tuần trước lên tới 2.532 trường hợp hiện nay, trong đó 8 ca tử vong.

Tình hình buộc Chính phủ Singapore phải tăng cường các biện pháp hạn chế. Phần lớn các công sở và trường học đã đóng cửa. Người dân thì buộc phải tự cách ly tại nhà bắt đầu từ ngày mai. Cũng giống như tại Trung Quốc, các ca “nhập khẩu” là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan mạnh trở lại tại nước này. Dù vẫn thấp hơn nhiều so với những nước châu Âu hay Mỹ, song tình hình hiện nay tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore có thể xem là hồi chuông báo động cho các nước khác không nên vội vàng dỡ bỏ hay nới lỏng các hạn chế./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày