ChatGPT trong giáo dục: Có thể trở thành "một người bạn xấu"?

Đỗ Hợp, Theo Tiền phong 09:45 08/02/2023

Các chuyên gia cho rằng, thay vì phải tự học ở nhà một mình như trước đây, thì nay học sinh, sinh viên sẽ có thêm “một người bạn” giúp cung cấp thông tin. Tuy nhiên, ChatGPT cũng có thể trở thành “một người bạn xấu” nếu sử dụng nó để gian lận, copy các bài luận...

Sức hút của ChatGPT là không cần bàn cãi

Giải mã cơn sốt ChatGPT trong những ngày qua, PGS. TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc HV Bưu chính Viễn thông cho rằng, ChatGPT là công cụ làm được nhiều việc: nó có thể viết một luận văn chi tiết và cho nhiều chủ đề trong phạm vi nhận thức của nó; cao hơn nữa nó có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, thay thế những nghệ nhân; nó trả lời khá lưu loát mọi câu hỏi, từ làm thơ, giải toán; nó có thể đưa ra tư vấn cho người hỏi về hình thức, lịch trình luyện tập và dinh dưỡng cho quá trình giảm cân chẳng hạn; trả lời các câu hỏi về người nổi tiếng... trong vài giây.

“Sở dĩ AI làm được các công việc như vậy, hiểu đơn giản là AI được huấn luyện (đào tạo) dựa trên các dữ liệu lấy từ các trang web, các sách lưu trữ trực tuyến... Như vậy sức hút của ChatGPT là không cần bàn cãi” - PGS Lập khẳng định.

TS Phạm Quang Nhật Minh, Trưởng phòng Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo đa thể thức AIMAI Lab, Công ty Aimesoft thừa nhận, ChatGPT có khả năng trao đổi, tương tác và phân tích một vấn đề. Học sinh, sinh viên có thể tận dụng để học hỏi thêm kiến thức. Thay vì phải tự học ở nhà một mình như trước đây, thì nay học sinh, sinh viên sẽ có thêm “một người bạn” giúp cung cấp thông tin.

ChatGPT có thể được áp dụng trong nhiều công việc khác nhau như viết lách, hỗ trợ các kỹ sư khi viết mã nguồn phần mềm, tra cứu, tổng hợp, tóm tắt thông tin, v.v. Trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT cũng có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả người dạy và học nếu chúng ta sử dụng nó hợp lý.

“Với học sinh, sinh viên, tôi cho rằng ChatGPT có thể là ‘một người bạn, người gia sư’ giúp đỡ cho các bạn trong quá trình học tập” - TS Minh nhấn mạnh.

Theo TS Minh, học sinh, sinh viên có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ tra cứu, tổng hợp, tóm tắt thông tin, gợi ý các ý tưởng. Trước khi có ChatGPT, học sinh, sinh viên thường sử dụng Google để tìm kiếm các văn bản liên quan đến nội dung kiến thức và cần chọn lọc và đọc các bài viết đó.

Ngược lại ChatGPT tự động sinh ra một câu trả lời dưới hình thức là câu trả lời hoàn chỉnh và tập trung vào nội dung chúng ta đặt câu hỏi dựa trên các thông tin mà nó đã ghi nhớ trong quá trình huấn luyện. Điều này tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với việc phải đọc và tìm các thông tin trong một danh sách các văn bản mà Google trả về.

Tuy nhiên, TS Minh cho rằng, thay vì nhờ ChatGPT làm hộ bài, hãy sử dụng như một công cụ dẫn dắt, gợi mở cho bạn khi bạn đối mặt với một bài tập, dự án khó mà bạn chưa biết giải quyết nó như thế nào. Ngoài ra, ChatGPT có thể sinh ra các câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi nên chúng ta có thể biết thêm nhiều khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề.

ChatGPT trong giáo dục: Có thể trở thành một người bạn xấu? - Ảnh 1.

PGS. TS Lê Hữu Lập

Con dao hai lưỡi

PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, ChatGPT cũng còn rất nhiều vấn đề, chứ không phải đã hoàn hảo. ChatGPT không biết tất cả về thế giới xung quanh, các AI không hiểu được cảm xúc của con người, có nhiều câu hỏi nằm ngoài khả năng nhận thức của ChatGPT thì các câu hỏi được trả lời mở, hoặc vòng vo... Câu chuyện ở đây là ai sẽ sử dụng ChatGPT và sử dụng như thế nào là điều cộng đồng cần quan tâm.

Hiện công ty tạo ra ChatGPT chưa hỗ trợ công cụ này tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người đã tạo tài khoản thành công bằng cách fake IP sang các nước được hỗ trợ thử nghiệm ChatGPT.

Vì thế, PGS Lập cho rằng, vấn đề dùng ChatGPT như thế nào là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Dùng ChatGPT để phát triển các phần mềm độc hại, lừa đảo... rất dễ xảy ra. Hoặc các tư vấn về sức khỏe con người, khi người dùng tin tuyệt đối các câu trả lời của AI cũng là khá nguy hiểm.

Dùng trong GD&ĐT cũng có 2 mặt, mặt tốt ChatGPT như một gia sư trong quá trình học tập, nhưng nếu dựa hết vào gia sư này thì người học trống rỗng về kiến thức, hoặc gian lận trong quá trình làm bài tập, hay làm các chuyên đề, thậm chí luận văn... thì chắc chắn là không được.

ChatGPT trong giáo dục: Có thể trở thành một người bạn xấu? - Ảnh 2.

TS Phạm Quang Nhật Minh

TS Phạm Quang Nhật Minh cho rằng, ChatGPT cũng có thể trở thành “một người bạn xấu” nếu bạn sử dụng nó để gian lận, copy các bài luận, câu trả lời mà ChatGPT tạo ra để hoàn thành các bài tập về nhà, để làm bài kiểm tra.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin mà ứng dụng này cung cấp cũng đều chính xác. Người học cần biết chọn lọc thông tin và xác thực từ nhiều nguồn khác nhau. Thêm vào đó, cần coi đây chỉ là một nguồn thông tin tham khảo, tránh lệ thuộc và sao chép thông tin.

Tuy ChatGPT là một sản phẩm đột phá trong ngành AI, nó cũng có một số giới hạn. Nó có thể sinh ra những thông tin không đúng sự thật, những hướng dẫn sai hoặc thiên kiến. Kiến thức của ChatGPT về thế giới là các kiến thức từ năm 2021 về trước.

ChatGPT cũng không được “giỏi toán” cho lắm nên tần suất nó trả lời sai cho các câu hỏi về toán rất cao. Ngoài ra vì ChatGPT được huấn luyện và ghi nhớ chủ yếu trên các tài liệu bằng tiếng Anh nên nó có thể không đưa ra được trả lời đúng nếu chúng ta hỏi nó bằng tiếng Việt hoặc hỏi về các kiến thức về bản địa mà chưa có nhiều nguồn tham khảo trên mạng Internet.

“Người học cần biết chọn lọc thông tin và cần xác thực các thông tin trong các trả lời của ChatGPT. Nếu chúng ta lười biếng, chỉ đơn thuần sao chép các câu trả lời của ChatGPT đưa ra thì nó sẽ là ‘một người bạn xấu’, gây hại cho việc học tập, cho tư duy phản biện (critical thinking) - một kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập suốt đời của mỗi người, ảnh hưởng lớn tới thành công của chúng ta trong công việc” - TS Minh nhấn mạnh.

Giáo dục cần thay đổi thế nào trước làn sóng của trí tuệ nhân tạo?

TS Phạm Quang Nhật Minh, Trưởng phòng Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo đa thể thức AIMAI Lab, Công ty Aimesoft:

Công bằng mà nói, trước ChatGPT, nhiều công cụ AI đã được áp dụng trong giáo dục. Chẳng hạn như công cụ tìm kiếm, dịch máy của Google, công cụ check lỗi chính tả, ngữ pháp Grammarly, công cụ Thinkster Math. Các công cụ này đã góp phần thay đổi nền giáo dục trên toàn thế giới.

Trước sự ra đời và phổ biến của ChatGPT, nhiều trường học và trường đại học ở các nước như Mỹ, Pháp, Úc đã cấm sử dụng ChatGPT trong trường học do lo ngại về các ảnh hưởng xấu của công cụ này tới việc học của sinh viên, chẳng hạn như việc gian lận khi làm bài về nhà, bài thi, vấn đề đạo văn, v.v. Nhưng theo tôi, cấm sử dụng ChatGPT trong trường học không phải là một giải pháp tốt về lâu dài. Thay vào đó, hãy tận dụng ChatGPT, sử dụng nó đúng cách để nâng cao chất lượng việc dạy và học.

Giáo viên có thể dùng ChatGPT để lên kế hoạch bài giảng, tạo ra các câu hỏi ôn tập cho sinh viên, thậm chí tạo slide bài giảng với ChatGPT. Học sinh, sinh viên dùng ChatGPT như một công cụ tiện lợi để tìm kiếm, tổng hợp, tóm tắt thông tin, v.v

Việc dạy và học ở nhà trường cần thay đổi

Thứ nhất, thay vì dạy và học theo lối ghi nhớ, "tầm chương trích cú" - điều mà Google hay ChatGPT làm tốt hơn chúng ta rất nhiều, giáo viên cần làm sao để học sinh, sinh viên phát huy được năng lực sáng tạo, năng lực phản biện, chọn lọc thông tin, năng lực vận dụng các kiến thức đã học vào công việc, cuộc sống. Điều này yêu cầu giáo viên, giảng viên cần sáng tạo hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị nội dung bài giảng, bài tập.

Thứ hai, hình thức làm việc nhóm, thảo luận cần được sử dụng nhiều trong các lớp học. Thậm chí học sinh, sinh viên có thể tham khảo thông tin từ các nguồn như ChatGPT, Google, Wikipedia, nhưng họ cần phải hiểu, xác thực các thông tin đó, tổ chức lại các thông tin đó để thảo luận được một cách hiệu quả.

Thứ ba, để tránh việc gian lận bằng các công cụ AI, chúng ta có thể sử dụng các bài thi viết trên giấy. Đây không phải là giải pháp lâu dài nhưng với các bài thi viết, có thể chắc chắn rằng nội dung trong bài làm trên giấy là do học sinh, sinh viên viết ra chứ không phải là do một công cụ AI nào đó sinh ra.

Thứ tư, giáo viên và học sinh nên được đào tạo về cách sử dụng các công cụ AI trong trường học. Nắm bắt được ưu, nhược điểm của công cụ AI như ChatGPT sẽ giúp cho giáo viên, học sinh sử dụng hợp lý nhất cho việc dạy và học.

Tóm lại, việc áp dụng công nghệ và AI vào trong giáo dục là một điều tất yếu. Nhưng chúng ta cần phân tích kỹ những ưu, nhược điểm của các công cụ này và tìm ra cách sử dụng hợp lý, mang lại lợi ích lớn nhất cho người dạy và học, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đỗ Hợp (ghi)