ChatGPT "làm mưa làm gió" năm 2024

Nguyễn Nghĩa, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:09 03/01/2025
Chia sẻ

Năm 2024 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, từ công việc đến giải trí.

Chưa bao giờ thế giới công nghệ lại chứng kiến một năm sôi động đến vậy với sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt công nghệ AI đình đám. Để điểm lại những dấu ấn khó phai, không thể không nhắc đến ba cái tên đã tạo nên tiếng vang lớn nhất: ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google và Apple Intelligence.

ChatGPT khẳng định vị thế dẫn đầu

Thật khó để bàn về AI trong năm nay mà không nhắc đến "người dẫn đầu" ChatGPT. OpenAI dường như quyết tâm giữ vững vị thế số 1 khi liên tục tung ra những bản nâng cấp. Tháng 5 đánh dấu bước ngoặt lớn với sự ra mắt của GPT-4o, tiếp theo đó là GPT-4o mini cho người dùng phổ thông, mở ra kỷ nguyên đa phương thức cho ChatGPT. Giờ đây, nó không chỉ xử lý văn bản mà còn có khả năng nghe nhìn hình ảnh, âm thanh và video một cách dễ dàng. Đến tháng 12, ChatGPT o1 mang đến khả năng suy luận, và những câu trả lời sắc sảo và sâu sắc hơn, biến ChatGPT trở thành trợ thủ đắc lực cho mọi nhu cầu, từ giải quyết các bài toán lập trình hóc búa đến khơi nguồn sáng tạo.

Giới làm phim cũng đứng ngồi không yên suốt cả năm để chờ đợi sự ra đời của Sora, mô hình biến văn bản thành video của OpenAI. Mặc dù chỉ mới được ra mắt gần đây, nhưng khả năng tạo ra video hoạt hình của Sora hứa hẹn sẽ giải phóng sức sáng tạo cho nhiều người.

ChatGPT "làm mưa làm gió" năm 2024- Ảnh 1.

Công cụ Sora của OpenAI. Ảnh: VentureBeat

Để khép lại một năm thành công, OpenAI còn tổ chức sự kiện "12 ngày OpenAI" đầy ắp quà tặng công nghệ, từ tích hợp với WhatsApp, gói ChatGPT Pro mới với giá 200 đô la một tháng, đến hé lộ về mô hình O3 sắp ra mắt. Sự kiện này có lẽ đã phần nào "xoa dịu" dư luận sau sự cố gián đoạn dịch vụ kéo dài hàng giờ do Microsoft gây ra. Mặc dù không phải là một chiến dịch PR hoàn hảo, nhưng sự cố này đã cho thấy mức độ phổ biến đáng kinh ngạc của ChatGPT kể từ đầu năm 2024.

Bước nhảy vọt đầy tham vọng của Google Gemini

Khi năm 2024 bắt đầu, Google Gemini thậm chí còn chưa tồn tại. Mãi đến tháng 2, Bard mới được đổi tên thành Gemini, và đây chỉ là một phần trong nỗ lực kéo dài cả năm của Google nhằm vượt mặt OpenAI bằng cách tích hợp AI vào mọi sản phẩm của mình.

Đặc biệt trong năm vừa rồi, Google cũng đã ra mắt Gemini Live, một tính năng cho phép bạn trò chuyện bằng giọng nói với AI theo thời gian thực. Cuộc cạnh tranh với ChatGPT tiếp tục với sự ra đời của các chatbot tùy chỉnh mang tên Gems, và một tháng sau đó, ứng dụng cho iPhone cũng xuất hiện, tích hợp liền mạch với các ứng dụng Google khác trên iOS.

Màn kết ấn tượng nhất diễn ra vào tháng 12 với việc phát hành Gemini 2.0, một bản nâng cấp khủng với khả năng phản hồi nhanh hơn, tốt hơn, khả năng phân tích ảnh và nhiều tính năng khác. Chưa kể đến hàng loạt tính năng độc quyền dành cho điện thoại Google Pixel, giúp kết nối chặt chẽ hơn với hệ sinh thái Google.

ChatGPT "làm mưa làm gió" năm 2024- Ảnh 2.

Công cụ trò chuyện Gemini Live của Google. Ảnh: Google

Apple Intelligence trong giai đoạn "chín muồi"

Những tin đồn về kế hoạch AI của Apple đã râm ran trong nhiều năm, nhưng phải đến năm 2024, Apple Intelligence mới chính thức ra mắt. Sự kiện này vừa là điều tất yếu, vừa mang đậm dấu ấn "nhà Táo" khi được công bố tại WWDC vào tháng 6.

Thiết kế mang đậm phong cách Apple, nhưng đáng chú ý là sự tích hợp với các mô hình AI hiện có. Đặc biệt, Apple sẽ cho phép trợ lý ảo Siri được  dựa vào ChatGPT để trả lời các câu hỏi và thực hiện các truy vấn khác nhau. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là cách Apple Intelligence chủ yếu sử dụng phần cứng của Apple để chạy các quy trình AI cục bộ hoặc trên các máy chủ Private Cloud Compute siêu an toàn của mình. Bằng cách đó, Apple Intelligence có thể hoạt động nhanh hơn và hứa hẹn mang lại bảo mật tốt hơn.

ChatGPT "làm mưa làm gió" năm 2024- Ảnh 3.

Apple Intelligence vẫn chưa đủ thuyết phục với một số người dùng. Ảnh: Apple

Meta và sự thất bại của phần cứng AI

Trong khi OpenAI, Google và Apple chiếm sóng truyền thông, AI vẫn tạo ra tác động sâu rộng nhờ các thương hiệu lớn khác. Ví dụ, Meta đã giới thiệu trợ lý ảo Meta AI, tích hợp nó vào Facebook, Instagram và WhatsApp. Ngoài ra, Meta cũng dọn đường cho năm 2025 để trở thành năm của kính thông minh AI bằng cách tích hợp Meta AI vào tai nghe Meta Quest cũng như kính thông minh Meta Ray-Ban.

ChatGPT "làm mưa làm gió" năm 2024- Ảnh 4.

Kính thông minh Meta Ray-ban. Ảnh: Ray-ban

Tuy nhiên, không phải phần cứng AI nào cũng thành công trong năm nay. Các sản phẩm như Rabbit R1, một thiết bị nhỏ tập trung vào AI, và các thiết bị đeo như Humane AI Pin và Plaud NotePin đều đã thất bại trong việc thuyết phục người dùng.

ChatGPT "làm mưa làm gió" năm 2024- Ảnh 5.

Các thiết bị AI đã thất bại trong năm 2024. Ảnh: 9to5Mac

Nếu năm 2024 chứng minh được một điều, thì đó là trí tuệ nhân tạo đã chính thức vượt qua giai đoạn công nghệ mới hào nhoáng và đã đổ bộ vào cuộc sống của chúng ta như một cuộc cách mạng thực sự. ChatGPT, Gemini, Apple Intelligence và các đối thủ cạnh tranh của chúng đều cho thấy các công cụ AI có thể gây ấn tượng và thực sự hữu ích khi được sử dụng đúng cách. 

Điều đó không có nghĩa là năm 2025 sẽ không có những sai sót và lỗi lầm, nhưng chắc chắn nó cho thấy rằng AI sẽ trở thành một phần tiêu chuẩn của nhiều hoạt động công nghệ. Năm 2024 đã cho thấy AI có thể làm gì. Năm nay, câu hỏi sẽ là, chúng ta thực sự muốn AI làm gì cho mình?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày