Mới đây, cộng đồng toán học Việt Nam chia sẻ tin vui về TS Phạm Tuấn Huy, một nhà toán học Việt Nam được Hiệp hội Toán học công nghiệp và ứng dụng quốc tế SIAM trao giải thưởng Dénes König 2024. Cùng được giải thưởng này là TS Jinyoung Park, một nhà toán học nữ 42 tuổi người Hàn Quốc.
Hai người có công trình chung là "Chứng minh giả thuyết Kahn-Kalai". Giả thuyết này được đề xuất năm 2006 bởi hai nhà toán học Jeff Kahn và Gil Kalai, đề cập đến sự ngẫu nhiên và đồ thị. Phần chứng minh của Tuấn Huy và Park được Kalai đánh giá là "cực kỳ đơn giản và khéo léo".
Jacob Fox, giáo sư Toán học tại Stanford chung nhận định. "Tôi gọi bằng chứng của họ là kỳ diệu", ông nói. "Đây sẽ là một phần quan trọng của lĩnh vực này trong tương lai".
Viện Toán học, ĐH Stanford, Mỹ đưa tin về TS Phạm Tuấn Huy và TS Jinyoung Park được trao giải thưởng Dénes König 2024
Giải thưởng sẽ được trao tại Hội nghị SIAM về toán học rời rạc (DM24) diễn ra từ ngày 8 - 11/7 tại Spokane, Washington, Mỹ.
Phạm Tuấn Huy, 28 tuổi, đang là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Stanford, Mỹ. Anh là cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM.
Trước đó, Huy từng hai lần giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) vào năm 2013, 2014. Sau đó, anh theo học rồi lấy bằng cử nhân Toán học và thạc sĩ Thống kê tại Đại học Stanford; thạc sĩ nghiên cứu cao cấp về Toán tại Đại học Cambridge. Ở hai ngôi trường danh tiếng, Tuấn Huy đều đạt thành tích xuất sắc và giành nhiều giải thưởng.
Năm ngoái, anh giành học bổng của Viện Toán học Clay cho những người có khả năng trở thành nhà toán học hàng đầu. Đến nay, anh đã công bố 28 bài báo trên các tạp chí về Toán học. Hướng nghiên cứu của Huy là tổ hợp, lý thuyết xác suất và những ngành có liên quan.
Giải thưởng Dénes König được sáng lập năm 2007, là tên một nhà toán học Hungary gốc Do Thái, người xuất bản giáo trình đầu tiên về lý thuyết đồ thị.
Phạm Tuấn Huy - Ảnh: Claymath
Dénes König được trao 2 năm một lần, từ năm 2008, cho một hoặc nhiều cá nhân mới bắt đầu sự nghiệp vì những đóng góp nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực này. Công trình được giải phải công bố trước đó 3 năm, trên một tạp chí được bình duyệt.
SIAM có trụ sở tại Mỹ, nhưng được xem là một hiệp hội quốc tế do có 2/3 thành viên cư trú tại Mỹ, còn lại là các nhà khoa học ở các nước khác. Cái tên SIAM được nhiều người yêu toán học Việt Nam biết đến, do tổ chức này có nhiều giải thưởng mà một số nhà toán học người Việt Nam từng được vinh danh.
Trong số đó, có thể kể đến GS Vũ Hà Văn, người được giải thưởng Polya, một giải thưởng nổi tiếng của SIAM, năm 2008. Gần đây, nhà toán học Nguyễn Trọng Toán, GS ĐH bang Pennsylvania, Mỹ, được SIAM trao giải thưởng T.Brooke Benjamin (giải của nhóm hoạt động về sóng phi tuyến).
Theo SIAM, Stanford.edu