Tại kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022 và Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, Trần Xuân Bách, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đều xuất sắc giành Huy chương Vàng. Không chỉ vậy, em là chàng trai duy nhất của đội tuyển Tin học Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng này.
Bước ngoặt lớn
Chia sẻ về niềm đam mê Tin học, Trần Xuân Bách kể, hè năm lớp 6, em được bố mẹ cho tham gia một trại hè về lập trình và biết cách vận dụng kiến thức từ khóa học để giải quyết những bài toán khó. Kể từ đó, em ngày càng yêu thích tìm hiểu và trau dồi kiến thức trong lĩnh vực này.
"Tin học hay lập trình gợi em nhớ đến trò chơi xếp hình lego. Một bộ lego có rất nhiều mảnh ghép mà chúng ta có thể dùng nhiều cách để tạo nên những hình khối khác nhau. Lập trình cũng vậy. Người học có thể sử dụng nhiều phương trình để xây dựng các chương trình khác nhau", Bách nói.
Từ ngày biết đến lập trình, em bị hấp dẫn bởi tính tự do, thoải mái sáng tạo và muôn vàn phương trình mới mẻ mà lĩnh vực này đem lại.
Tốt nghiệp THCS, Bách quyết định thi vào lớp chuyên Tin học của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Em muốn vào lớp chuyên Tin để thỏa mãn niềm đam mê Tin học, chứ chưa từng nghĩ bản thân có thể tham gia các cuộc thi quốc tế hay giành huy chương tại đấu trường lớn như Olympic quốc tế”, Bách bộc bạch.
Với tâm thế này, khi lọt vào đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương cũng như Olympic quốc tế, nam sinh luôn giữ tâm lý thoải mái. Tại hai kỳ thi lớn vừa qua, em bước ra đấu trường lớn với mong muốn được học hỏi, cọ xát kinh nghiệm cùng bạn bè quốc tế mà không đặt nặng thành tích.
Kỷ luật song hành cùng nghỉ ngơi
Đối với Bách, cách học hiệu quả nhất là tự học. Bên cạnh sự giảng dạy của thầy cô, mỗi ngày, Bách cùng các bạn trong đội tuyển tự tra cứu các tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, mở rộng ra bài tập của các nước như Nga, Pháp...
Trong quá trình ôn luyện, khi gặp bài "khó nhằn" mà không tìm ra hướng giải, Bách sẽ tạm gác lại và chuyển sang làm các bài dễ hơn. Cách làm này giúp em lấy lại tinh thần, sự tự tin, khơi thông tâm lý. Khi đã giải xong bài dễ, Bách quay trở lại xử lý bài khó với tâm trạng thoải mái.
Nam sinh lấy ví dụ từ một lần ôn luyện vào cuối năm lớp 9. Khi đó, em tìm thấy một bài tập trên Internet nhưng nghiên cứu mãi không ra đáp án. Đề bài yêu cầu tìm 2 con đường tối ưu để đến 2 địa điểm với nhiều điểm ở giữa.
Lâm vào bế tắc, Bách quyết định thay đổi chiến lược. Mỗi tháng, em cố gắng nghĩ ra một hướng mới để giải bài tập cho đến khi tìm được đáp án phù hợp nhất. Với bài toán đó, Bách mất khoảng 11 tháng mới tìm ra lời giải với thuật toán Dijkstra.
Trần Xuân Bách chụp ảnh cùng gia đình và thầy giáo ở lễ bế mạc kỳ thi Olympic Tin học quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp.
"Lúc đó, nếu đi hỏi bạn bè hoặc nhờ thầy cô hướng dẫn thì em sẽ tìm ra đáp án nhanh và dễ dàng hơn. Nhưng em muốn tự mình tìm ra lời giải để nâng cao khả năng tư duy mà không đặt áp lực quá lớn lên bản thân", Bách chia sẻ.
Theo Bách, việc tự tìm lời giải cho các bài toán cũng giúp em khám phá thêm nhiều hướng giải của nhiều dạng bài tập khác nhau, làm quen với nhiều bài tập khó trước các kỳ thi.
Song hành với việc học, nam sinh cũng cố gắng dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi cũng như giải trí.
Bách chia sẻ: “Vào buổi trưa, các thành viên trong đội tuyển đều dành ra 15 phút ngồi thiền định. Mỗi tuần, bọn em cũng dành ra một buổi chiều đá bóng. Những hoạt động này giúp cho chúng em giảm áp lực học tập, thoải mái tinh thần và tạo đà tiếp tục cố gắng”.
Dù việc ôn luyện cho kỳ thi Olympic chiếm phần nhiều thời gian, mỗi ngày, Bách vẫn dành cho bản thân từ 15 - 30 phút chơi game hoặc các hoạt động giải trí khác.
Đối với Bách, mọi người đều có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức Tin học, đặc biệt khi Internet phủ sóng rộng rãi như hiện nay. Tuy nhiên, bí quyết để học tốt môn này còn nằm ở tinh thần tập trung, nghiêm túc của mỗi cá nhân bởi lẽ người học dễ bị phân tâm bởi các nhu cầu giải trí như mạng xã hội, game online.
Để tạo kỷ luật cho bản thân, Bách đã cài một số phần mềm chặn nội dung gây sao nhãng trên Internet, từ đó, rèn luyện cho bản thân tinh thần tập trung cao độ cùng thái độ nghiêm túc với việc học tập.