Chàng kiến trúc sư bỏ nghề đi làm MC hoạt náo trên sân bóng rổ

Huyền Trang/ Clip: Quang Đức/ Ảnh: Quý Nguyễn/ Thiết kế: Thành Đạt, Theo 10:30 02/09/2022

Bốn năm qua, mỗi trận đấu của Hanoi Buffaloes sẽ thiếu đi 1 thứ "gia vị" nào đó nếu như không có sự dẫn dắt của MC Hank.

Nhắc đến dàn MC bóng rổ ở VBA (Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam), chắc chắn không thể bỏ qua MC Hank (tên thật là Lưu Hải Anh, SN 1992) - MC của Hanoi Buffaloes. Trong mọi trận đấu tại NTĐ Hoàng Mai (Hà Nội) - sân nhà của Hanoi Buffaloes, MC Hank luôn có những câu dẫn dắt, truyền lửa vừa nhiệt vừa thấm để khích lệ tinh thần các cầu thủ. Điều này đã góp phần làm nên thương hiệu của riêng anh chàng cũng như của "Trâu Thủ đô".

Chàng kiến trúc sư bỏ nghề đi làm MC hoạt náo, thành cái tên thương hiệu trên sân bóng rổ - Ảnh 1.

MC Hank - Lưu Hải Anh

Bây giờ là thế nhưng 4 năm trước, MC Hank chỉ biết tới bóng rổ qua NBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ) mà chưa quan tâm đến bóng rổ Việt Nam. Anh chàng biết đến Hanoi Buffaloes thông qua lời giới thiệu của một người bạn - DJ KS (tên thật là Kiên Trần). Sau khi được ngỏ ý tham gia làm MC cho đội bóng Hanoi Buffaloes, anh chàng tự mình "lê la" trên khán đài để tìm hiểu xem không khí thi đấu của bóng rổ VBA ra sao. Và ngay từ trận đầu tiên, MC Hank đã quyết định sẽ gắn bó với màu áo xanh của "Trâu Thủ đô".

Bên ngoài thế giới bóng rổ, cụ thể là trên MXH, MC Hank cũng được nhiều người biết đến và yêu quý. Sau khi tốt nghiệp đại học và có thời gian dài làm công việc của một kiến trúc sư, Hải Anh đã quyết định bỏ việc để theo đuổi niềm đam mê - MC hoạt náo. Kênh TikTok của MC Hank với dàn thú cưng như Quỳnh Béo, Dũng Sứt... hiện đang có hơn 533k người theo dõi.

Cùng trò chuyện xem MC Hank nói riêng và công việc MC bóng rổ nói chung có gì đặc biệt nhé!

Nghề "bơm" năng lượng

Theo Hank, MC bóng rổ sẽ khác gì so với các MC khác như MC truyền hình chẳng hạn?

Dù là MC nào thì bản chất vẫn là người dẫn dắt và điều khiển để chương trình đi theo một hướng nhất định. Nhưng MC bóng rổ sẽ khác MC truyền hình ở chỗ là cần nhiều năng lượng hơn, cần truyền cảm hứng nhiều hơn cho cổ động viên (CĐV) và các cầu thủ. Nhìn chung MC bóng rổ như là người truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho trận đấu, cho các các cầu thủ.

Đâu là áp lực riêng mà chỉ người làm MC bóng rổ mới có?

Đó là vừa phải kiểm soát nội dung chương trình vừa phải truyền năng lượng cho cả CĐV lẫn cầu thủ đội nhà. Khi đội nhà dẫn điểm trước, ai cũng thấy vui thì công việc của MC bóng rổ rất dễ, chỉ cần duy trì cái năng lượng đó thôi. Nhưng khi đội nhà đang thua thì mình phải là nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tiếp thêm năng lượng cho mọi người.

Chàng kiến trúc sư bỏ nghề đi làm MC hoạt náo, thành cái tên thương hiệu trên sân bóng rổ - Ảnh 3.

MC Hank luôn đem lại 1 không khí đặc biệt cho NTĐ Hoàng Mai

BLV bóng đá thì ai cũng biết mặt, MC bóng rổ lại cống hiến thầm lặng, ít người biết đến. Bạn có thấy chạnh lòng không?

Bản thân mình cũng nhận thấy rằng ít người biết đến MC bóng rổ thật. Nhưng trong suốt 4 năm làm MC cho Hanoi Buffaloes, mình đã và đang cố gắng để cho mọi người biết rằng MC bóng rổ là ai trên sân và họ phải làm việc thế nào. Vì vậy mình luôn tạo nên đặc trưng riêng để chỉ nghe giọng thôi, không cần nhìn mặt cũng biết ai đang nói. Có nhiều MC bóng rổ chưa làm được điều đó nhưng mình tự tin là mình đã làm được.

MC bóng rổ có nhất thiết phải cố cạnh tranh cho hot bằng BLV bóng đá hay mỗi cái có 1 thị phần riêng?

Mỗi môn thể thao sẽ có 1 tính chất riêng và 1 văn hóa riêng. Mình đánh giá chữ văn hóa rất cao, rất quan trọng.

Bóng rổ là môn thể thao bắt nguồn từ văn hóa đường phố, có nét riêng và được nhiều người trẻ hưởng ứng. Còn bóng đá là môn thể thao vua ở Việt Nam và được đông đảo mọi người yêu thích rồi nên không thể so sánh với nhau được.

Cầu thủ bóng rổ thường có chất riêng còn MC bóng rổ có chất riêng không?

Trong mọi lĩnh vực, mỗi người luôn muốn hướng đến 1 chất riêng, bản thân mình cũng vậy. Khi xem các trận bóng rổ do các MC khác dẫn, mình thấy mọi người hơi giống MC dẫn chương trình hơn, mình không muốn như vậy. Mình thường suy nghĩ và tạo ra 1 dấu ấn riêng cho lòng người xem về chất đường phố, trẻ trung, phá cách nhưng vẫn phải chân thật. Đó có lẽ cũng là điều làm nên sự khác biệt của mình hiện tại.

Mời TikToker lên sân bóng rổ như "con dao 2 lưỡi"

Các trận của Hanoi Buffaloes thường có rất nhiều hot TikToker xuất hiện và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Là 1 hot TikToker và cũng là 1 người gắn bó với bóng rổ, MC Hank nghĩ sao về chuyện này? Bạn có phải là người đưa ra chủ kiến mời các TikToker đến sân?

Mình nghĩ việc các bạn TikToker có mặt trên sân cũng là 1 hình thức mới để mang bóng rổ tiếp cận đến mọi người nhiều hơn. Việc này cũng giống như các đội bóng mời KOL, người có sức ảnh hưởng đến sân trong một vài mùa giải trước đây. Đó cũng là 1 bước đi của BTC nhằm tạo sự thu hút cho mùa giải cũng như các đội bóng.

Với mình việc này như con dao 2 lưỡi. Sự xuất hiện của các TikToker giúp những người xem TikTok, người làm truyền thông chú ý đến bóng rổ hơn. Nhưng trong những bạn TikToker đó có nhiều người không biết gì về bóng rổ nên có thể đem đến cả hiệu ứng tốt và chưa tốt.

"Tai nạn nghề nghiệp" mà Hank từng vấp phải mà nhớ lại bạn xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu?

Đó là kỷ niệm ngay trong trận đầu tiên mình làm MC của Hanoi Buffaloes, khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Sau khi giới thiệu đội bạn, mình tập trung cho màn xuất hiện của cầu thủ đội nhà một cách rất hoành tráng, rầm rộ. Lần đầu tiên làm MC của đội mà. Nhưng bất ngờ là tờ danh sách cầu thủ lại bị lật quay ngược về đội bạn. Mình cứ thế đọc to cái tên đầu tiên trong tờ danh sách đó nhưng mới đọc đến họ thôi thì dừng mất mấy giây vì cảm thấy có gì đó sai sai: "Hình như đây không phải cầu thủ đội mình". Lúc đó mới nhận ra, lật lại đúng danh sách và nói tiếp.

MC Hank vẫn được biết đến với những câu "gáy" gây áp lực lên đối thủ. Điều này khó tránh chuyện gây tranh cãi nhỉ?

Mình có 1 câu gặp nhiều ý kiến trái chiều nhất là khi Hanoi Buffaloes gặp Cantho Catfish (nickname Cá ba sa). Lúc đó mình đã hỏi khán giả là: "Liệu hôm nay CĐV Hanoi Buffaloes muốn ăn cá ba sa kho tộ hay cá ba sa chiên mắm đây?". Nhiều người có vẻ không thích vì mình coi Cantho Catfish như một món ăn nhưng thật ra câu này xuất phát từ một câu mình dành cho HCM City Wings: "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Đại bàng cũng chỉ là gà/ Cánh gà chiên mắm cứ phải gọi là lên luôn".

Trong thể thao có một văn hoá gọi là "trash talk", là sử dụng ngôn ngữ, lời lẽ để công kích đối phương dưới sự kiểm soát và cho phép, mục đích là gây sức ép tinh thần khiến cho đối phương mất tập trung trong thi đấu. Bản thân mình đã phải suy nghĩ để đưa ra những câu "khịa" có thể nói là có hiệu quả nhất định và mình tự tin về sự tinh tế của chúng.

Về những ý kiến chủ quan từ nhiều phía, mình nghĩ một phần do chưa ai làm điều này, mình là người đầu tiên nên bị phản ánh cũng dễ hiểu. Nhưng làm nghề "làm dâu trăm họ", đâu thể chiều lòng tất cả mọi người. Mình vẫn sẽ "gáy" tiếp vì đó là tình yêu của mình dành cho đội bóng yêu thích, miễn không mang đến cho mọi người những văn hoá sai lệch và thiếu văn minh là được.

Chàng kiến trúc sư bỏ nghề đi làm MC hoạt náo, thành cái tên thương hiệu trên sân bóng rổ - Ảnh 6.

MC Hank (giữa) cùng với 2 cầu thủ Hanoi Buffaloes: Công Đinh (trái) và Quang Anh (phải)

Quan điểm nào mà bạn thấy đúng trong cả bóng rổ lẫn cuộc sống hàng ngày?

Đó là để thành công trong bất kỳ một lĩnh vực nào thì phải có 3 thứ: kiến thức, kỹ năng và văn hoá. Ta phải trau dồi kiến thức trước, từ kiến thức luyện tập nhiều để có được kỹ năng, rồi từ kiến thức và kỹ năng nâng nó lên thành văn hóa. Cái hay nhất của bóng rổ chính là văn hoá, luôn thể hiện chất đường phố và chất "phủi".

Cảm ơn MC Hank vì những chia sẻ!

https://kenh14.vn/chang-kien-truc-su-bo-nghe-di-lam-mc-hoat-nao-thanh-cai-ten-thuong-hieu-tren-san-bong-ro-20220901085604703.chn