Chặng đường đắng cay, ngọt bùi của Apple và Steve Jobs

Du Lam, Theo ICTNews 20:40 01/02/2022

Tận hưởng thành công đầu tiên, để rồi bị đuổi khỏi chính công ty mình đồng sáng lập và trở lại ngoạn mục, quãng thời gian Steve Jobs gắn bó với Apple có không ít chông gai.

Những ngày đầu tiên

Năm 1976, bộ ba Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne thành lập Apple với mục đích bán mẫu máy tính Apple I do ông Wozniak tự tay phát triển. Văn phòng đầu tiên của họ đặt tại nhà kho trong ngôi nhà thời thơ ấu của Steve Jobs. Dù vậy, Ronald Wayne rời Apple chỉ sau vài tuần thành lập. Ông là người phác thảo biểu tượng đầu tiên của công ty, sau này được thay thế bằng biểu tượng quả táo cắn dở của Rob Janoff năm 1977.

Apple Computer chính thức ra đời ngày 3/1/1977. Triệu phú Mike Markkula là người rót vốn và cung cấp kiến thức kinh doanh cần thiết cho Apple. Ông đề xuất Michael Scott làm Chủ tịch kiêm CEO đầu tiên vì cho rằng Steve Jobs quá trẻ và thiếu kỷ luật.

Năm 1977 cũng là năm Apple II được giới thiệu, vẫn do Wozniak phát triển. Phần mềm tính toán và bảng tính VisiCalc đột phá khi đó đã giúp máy tính cạnh tranh với các công ty đứng đầu thị trường là Tandy và Commodore PET. Nhờ giới thiệu đồ họa màu sắc, Apple II tạo ra cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp máy tính.

Năm 1978, Apple có một văn phòng thực sự với vài nhân viên và dây chuyền sản xuất Apple II. Những năm tiếp theo, doanh thu của hãng tăng gấp đôi mỗi bốn tháng. Doanh số hàng năm tăng từ 775.000 USD lên 118 triệu USD từ tháng 9/1977 đến tháng 9/1980, mức tăng trưởng thường niên trung bình 533%.

Năm 1980, cạnh tranh trở nên khó khăn hơn với sự góp mặt của IBM và Microsoft. Apple phát hành Apple III trong năm này nhưng không thành công do một lỗi thiết kế. Để giảm tiếng ồn, Steve Jobs yêu cầu máy tính không được có quạt hay lỗ thông hơi, dẫn đến nguy cơ quá nhiệt. Vì vậy, Apple III thua cuộc trước các máy tính của IBM.

Tuy nhiên, từ chuyến thăm phòng thí nghiệm Xerox PARC trước đó, ông Jobs tin rằng tất cả máy tính tương lai đều sẽ cần tới Giáo diện đồ họa người dùng (GUI). Ông ngay lập tức bắt tay vào phát triển GUI cho thế hệ máy tính tiếp theo, Apple Lisa. Một điều không may là Jobs bị loại khỏi nhóm Lisa do bất đồng nội bộ và chuyển sang điều hành dự án Macintosh. Lisa trình làng năm 1983 nhưng doanh số thảm hại vì giá cao và phần mềm hỗ trợ hạn chế.

Khác với Lisa, Macintosh thành công vang dội nhờ chiến lược tiếp thị mạnh tay, đặc biệt là quảng cáo “1984” do Ridley Scott làm đạo diễn, chiếu trong giải bóng rổ Super Bowl. Thiết bị có giá 2.495 USD, bán ra tháng 1/1984. Khoảng 70.000 máy được tiêu thụ nhờ ảnh hưởng của quảng cáo “1984”.

Chặng đường đắng cay, ngọt bùi của Apple và Steve Jobs - Ảnh 1.

Năm 1983, vào khoảng thời gian ra mắt Macintosh, Steve Jobs mời John Sculley về làm CEO Apple khi Mark Markkula muốn nghỉ hưu. Ông Sculley là CEO trẻ nhất mọi thời đại của Pepsi nhưng vẫn “nhảy việc” theo lời đề nghị của ông Jobs nhờ câu hỏi huyền thoại: “Ông muốn bán nước ngọt suốt đời hay muốn đi cùng tôi và thay đổi thế giới”?

Song, căng thẳng giữa Jobs và Sculley gia tăng khi Macintosh không thể phá vỡ sự thống trị của IBM. Hơn nữa, ông Jobs muốn làm mọi thứ theo ý mình, còn ông Sculley muốn giám sát chặt chẽ các sản phẩm tương lai.

Khi Apple vắng Steve Jobs

Năm 1985, Steve Jobs muốn lật đổ John Sculley nhưng bất thành. Hội đồng quản trị đứng về phía CEO và loại ông khỏi các vị trí điều hành. Sau đó, ông nghỉ việc và thành lập công ty mới mang tên NeXT. Steve Wozniak cũng rời đi và bán gần hết cổ phần vì nghĩ rằng công ty đang đi sai hướng.

Không còn Steve Jobs, hội đồng thoải mái nghĩ về những cỗ máy Apple sẽ sản xuất. Họ quyết định nhắm đến thị trường cao cấp với những chiếc máy tính Mac đắt tiền, ý tưởng vốn bị ông Jobs phản đối. Jean-Louis Gassée, người được CEO Sculley tuyển về để thay thế Steve Jobs, khởi xướng chính sách “55 hoặc chết”, đặt mục tiêu Macintosh II nên đạt ít nhất 55% lợi nhuận trên mỗi máy.

Dù máy tính Apple đắt hơn nhiều máy khác, chúng vẫn có lợi thế nhờ giao diện người dùng. Apple giới thiệu laptop PowerBook và hệ điều hành System 7 năm 1991. System 7 mang màu sắc đến với Macintosh, được sử dụng cho đến năm 2001 khi OS X xuất hiện.

Những năm 1990, Apple cố gắng xâm nhập thị trường mới. Ông Gassée tham gia phát triển các sản phẩm như Newton MessagePad và eMate với hi vọng chúng sẽ đưa công ty lên tầm cao mới nhưng không thành vì giá đắt, tính năng hạn chế. Apple giới thiệu Macintosh Classic, Macintosh LC, Macintosh IIsi – tất cả đều rẻ hơn – và đạt doanh số khủng.

Chính sách “55 hoặc chết” phản tác dụng vào những năm cuối thập niên 90 khi máy tính IBM rẻ hơn và Microsoft bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng. Windows 3.0 có mặt trên các máy tính giá rẻ.

Apple cho ra đời các dòng máy tính hoàn toàn mới để phản công: Quadra, Centris và Performa, nhưng lại khiến khách hàng bối rối vì không hiểu rõ chúng khác nhau ở đâu. “Táo khuyết” còn thử nghiệm máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc CD di động, loa… nhưng đều gây thất vọng. Thị phần và giá cổ phiếu tiếp tục giảm.

Sai lầm nối tiếp sai lầm khi ông Sculley dành nhiều thời gian và tiền bạc để đưa System 7 lên bộ vi xử lý IBM/Motorola PowerPC thay vì của Intel. Do hầu hết phần mềm đều viết cho bộ vi xử lý Intel, Apple không còn đường quay lại thị trường.

Năm 1993, ông Sculley bị sa thải và thay bằng ông Michael Spindler, một người gắn bó với công ty từ những năm 1980. Không may, ông cũng đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm. Máy tính Macintosh chạy PowerPC đầu tiên ra đời năm 1994 nhưng không làm nên chuyện, một phần do Windows quá mạnh.

Năm 1996, ông Gil Amelio trở thành CEO Apple. Ông đưa ra vài thay đổi, trong đó có sa thải nhân sự và cắt giảm chi phí. Cổ phiếu công ty chạm đáy. Quyết định sáng suốt nhất của ông có lẽ là mua lại NeXT với giá 429 triệu USD vào tháng 2/1997, đưa Steve Jobs về lại Apple.

Steve Jobs trở về

Steve Jobs thuyết phục hội đồng cho ông làm CEO tạm thời vào tháng 7/1997. Một tuần sau, ông Amelio từ chức. Tại triển lãm Macworld 1997, ông Jobs gây bất ngờ khi thông báo sẽ hợp tác với Microsoft để tạo ra phiên bản hệ điều hành mới cho Macintosh và Microsoft đầu tư 150 triệu USD vào công ty.

Ấn tượng với tài năng của Jonathan Ive, Steve Jobs đã cùng nhà thiết kế này xây dựng lại Apple. Mẫu máy tính tất cả trong một iMac ra đời ngày 15/8/1998. Ông Ive là người phụ trách nhóm thiết kế iMac, sau này ông còn thiết kế iPod và iPhone. Chỉ trong 5 tháng, 80.000 iMac đã được bán nhờ sự kết hợp của các chức năng hiện đại và vẻ ngoài độc đáo.

CEO Apple tập trung vào số ít sản phẩm, giảm số lượng máy tính xuống 4, chia đôi cho doanh nghiệp và người dùng cá nhân. Ông cũng đóng cửa nhiều bộ phận khác như Newton MessagePad.

Mac OS X thay thế System 7 vào năm 2001, dựa trên hệ điều hành của các máy tính NeXT. Cùng năm, máy nghe nhạc iPod có mặt và ngay lập tức tạo ra cơn sốt với hơn 100 triệu máy bán ra trong 6 năm.

Apple thâu tóm một số công ty như Astarte, Nothing Real, Emagic, làm tiền đề cho sự xuất hiện của chợ âm nhạc iTunes năm 2003. Người dùng tải bài hát trên iTunes với giá 0,99 USD/ca khúc và tích hợp với iPod. iTunes trở thành nhà bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới vào năm 2005.

Năm 2006, Apple chuyển sang dùng bộ vi xử lý Intel. MacBook Pro là laptop đầu tiên của hãng dùng chip Intel. Từ năm 2003 tới 2006, cổ phiếu Apple tăng hơn 10 lần, từ 6 USD lên 80 USD.

Steve Jobs công bố iPhone tại triển lãm Macworld ngày 9/1/2007. Ông thông báo Apple Computer sẽ đổi tên thành Apple. 270.000 iPhone hết veo chỉ sau 30 tiếng và được mệnh danh là “kẻ thay đổi cuộc chơi của ngành công nghệ”. Apple cũng trở thành nhà bán lẻ điện thoại di động lớn thứ ba thế giới nhờ sự phổ biến của iPhone.

Ngày 24/8/2011, Steve Jobs từ chức CEO. Ngày 5/10/2011, ông qua đời, kết thúc quãng thời gian nhiều thăng trầm và đầy vinh quang tại Apple.