Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu năm 2022 đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng 3% từ việc khai thác mỏ. Cùng với đó, nguồn cung vàng từ việc tái chế trong năm 2023 dự kiến tiệm cận với khối lượng 1.293,1 tấn, con số cao nhất trong thập kỷ qua.
Vàng tái chế hiện chiếm gần 30% nguồn cung toàn cầu. Theo WGC, chỉ có khoảng 200.000 tấn vàng, đủ để lấp đầy bốn bể bơi tiêu chuẩn Olympic, đã được khai thác trong suốt thời gian qua. Khi sản lượng khai thác từ mỏ bị đình trệ, vàng tái chế từ điện thoại, đồ dùng điện tử cũ và các loại phế liệu khác trở thành nguồn cung quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, 1 tấn - tương đương 10.000 điện thoại di động - sẽ tái chế được khoảng 280gr vàng. Quá trình này hiệu quả gấp 56 lần khai thác vàng mới từ mỏ nếu xét về mặt khối lượng.
Chính phủ Nhật Bản hiện khuyến khích việc tái chế không chỉ để lấy vàng, nhưng còn nhiều kim loại quan trọng khác được dùng trong sản xuất xe điện, như một cách tăng cường an ninh kinh tế.
Tháng 8/2023, Nhật Bản đã đồng ý thiết lập một khung làm việc chung với ASEAN về tài nguyên tái chế. Qua đó mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các kim loại quan trọng, khi phần lớn các loại kim loại này chỉ có thể khai thác ở một số ít các quốc gia, như Trung Quốc.
Nhật Bản cũng hạn chế xuất khẩu rác thải điện tử. Các sửa đổi của Công ước Basel (Công ước quốc tế về vận chuyển xuyên biên giới và thải bỏ các chất thải độc hại) có hiệu lực vào năm 2025 sẽ hạn chế hơn nữa việc vận chuyển các bảng mạch đã qua sử dụng và nhiều phế liệu khác.
Bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch tái chế rác thải điện tử. Theo Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace), giá trị tiềm năng của các kim loại có thể tái chế được từ điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính để bàn bỏ đi ở Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 24 tỷ USD vào năm 2030. Đây được coi như một mỏ kho báu lớn.
Trong một báo cáo thực hiện với Hiệp hội Phát triển Công nghệ và Điện tử Trung Quốc, Greenpeace cho rằng mức tiêu thụ các thiết bị điện tử ngày càng lớn có thể sẽ đẩy giá trị kinh tế tiềm năng của các kim loại có thể tái chế từ điện thoại di động và máy tính tăng hơn hai lần lên 160 tỷ NDT (23,96 tỷ USD) vào năm 2030, so với mức ước đạt 81 tỷ NDT (12 tỷ USD) năm 2020.