Chạm 4.000 lần vào thứ bẩn hơn bồn cầu trong 1 ngày, đây là cách giúp bạn hạn chế nhiễm khuẩn

Cẩm Lý, Theo Đời sống Pháp luật 10:09 26/06/2024
Chia sẻ

Theo một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), điện thoại di động có mật độ vi khuẩn lên tới 120.000 vi khuẩn trên mỗi cm², gấp 10 lần so với nắp bồn cầu.

Trong cuộc sống hàng ngày, điện thoại thông minh đã trở thành công cụ không thể thiếu của mọi người, từ sáng tới tối, hầu như ai cũng sử dụng điện thoại. Theo thống kê mới nhất từ Cục Viễn thông Anh Quốc, người Anh trung bình kiểm tra điện thoại mỗi 12 phút, chạm vào màn hình 4.000 lần mỗi ngày.

Sử dụng thường xuyên như vậy khiến điện thoại trở thành một "đĩa Petri" di động, dễ dàng tích tụ vi khuẩn và vi sinh vật. Những vi khuẩn thường gặp trên điện thoại bao gồm liên cầu khuẩn, MRSA và E. coli, có thể sinh sôi ở các bề mặt và những góc khuất khó tiếp cận như cổng sạc và loa.

Chạm 4.000 lần vào thứ bẩn hơn bồn cầu trong 1 ngày, đây là cách giúp bạn hạn chế nhiễm khuẩn - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế cho biết, vi khuẩn trên điện thoại có thể lây lan qua tiếp xúc với tay và mặt, tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, việc sử dụng điện thoại sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn uống có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.

Chuyên gia khuyến nghị nên làm sạch điện thoại thường xuyên. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng an toàn và hiệu quả. Một số người đề xuất dùng cồn để lau màn hình và vỏ điện thoại, nhưng cũng có lo ngại rằng cồn có thể làm hỏng lớp phủ bảo vệ của màn hình. Thay vào đó, có thể sử dụng cồn y tế 75% kết hợp với khăn vi sợi để lau nhẹ nhàng, vừa hiệu quả trong việc diệt khuẩn, vừa an toàn cho điện thoại.

Ngoài các phương pháp truyền thống, công nghệ cũng mang lại giải pháp mới. Trên thị trường đã xuất hiện các loại sạc không dây có chức năng khử trùng bằng tia UV. Thiết bị này không chỉ sạc điện thoại mà còn diệt khuẩn trên bề mặt điện thoại bằng tia UV trong quá trình sạc.

Đối với người dùng phổ thông, việc nâng cao nhận thức về vệ sinh điện thoại và cải thiện thói quen hàng ngày cũng rất quan trọng. Ví dụ, hạn chế mang điện thoại vào nhà vệ sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; rửa tay trước khi ăn và lau sạch bề mặt điện thoại cũng là một cách đơn giản nhưng hiệu quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày