Các bạn còn nhớ, cách đây 2 tháng, chúng ta có một trào lưu vô cùng văn minh mang tên #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác. Thời điểm đó, dọn rác là một công việc vừa vui vừa có ích, với quyết tâm tạo nên sự thay đổi tích cực cho môi trường.
Tính đến hiện tại, thử thách dọn rác không chỉ dừng lại ở trào lưu mang tính "online", trong phạm vi mạng xã hội, mà đã vươn ra thực tế, buộc người tham gia phải thực sự lao ra đường và hành động. #ChallengeForChange được đánh giá là một trong những trào lưu thành công nhất trên thế giới khi lượng người ủng hộ và cùng chung tay bảo vệ môi trường tăng lên chóng mặt.
Vượt qua thời kỳ "đỉnh cao" của một trào lưu, có thể bạn nghĩ #ChallengeForChange đã biến mất. Nhưng không, một nhóm bạn trẻ ở Sơn Trà, Đà Nẵng một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy, #ChallengeForChange không chết, không bao giờ chết, nó vẫn luôn âm ỉ tồn tại xung quanh chúng ta, vì sứ mệnh cao cả: phụng sự thiên nhiên.
"Hôm nay đã là buổi dọn thứ 10 ở bãi rác gần bãi Đá Đen - Sơn Trà".
Tính từ ngày 24/3 đến nay, nhóm của Anh Tuấn (Đà Nẵng) đã "oanh tạc" 10 lần tại Sơn Trà. 70% bãi rác cơ bản được dọn sạch với gần 700 bao rác (đã phân loại) được chuyển về bãi rác thành phố.
Bán đảo Sơn Trà trước và sau, dù chỉ mới 3 ngày.
Bãi rác gần như có tất cả mọi thứ, dù ở quanh đây không có người sinh sống. Rác chủ yếu từ biển đưa vào.
Dây thừng là một trong số ít rác thải khó xử lý nhất.
Bãi đá Đen vốn là một bãi đất trống lớn ven biển, sát những ngọn đồi bị bao phủ bởi toàn bộ rác thải. Rác chất đống trên bờ, vùi lấp trong các hốc đá tạo cảnh tượng nhếch nhác, ô nhiễm. Ngay cả trên những mỏm đá dốc cũng có dấu hiệu của rác thải, túi nilon và hộp xốp dùng một lần. Thậm chí, bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì, dù là kinh khủng nhất, tại bãi rác lớn này.
Sau khi thu gom và phân loại rác thành từng bao tải lớn, rác được vận chuyển dọc đường núi đá, rồi mỗi cá nhân dùng xe máy men theo đường núi chở xuống nơi tập kết. Cuối cùng, cách thuận tiện, nhanh và an toàn nhất là thuê tàu cá đưa rác về cảng. Nhưng chi phí để thuê tàu thì gần như không hề nhỏ.
Sau 2 tháng, hành trình sắp đến hồi kết, khi mà gần như bãi rác Sơn Trà nhận được sự quan tâm, chung tay của cộng đồng. Một lần nữa, Anh Tuấn cùng các bạn chính thức kêu gọi mọi người hỗ trợ.
"Nay Tuấn thay mặt nhóm kêu gọi anh chị em cùng chung tay giúp sức. Tuấn cần quyên góp 10 triệu đồng để thuê vài chuyến tàu chở rác, đồng thời mua thêm dụng cụ và bao đựng rác (lâu nay mấy anh em hầu như là tự bỏ tiền túi) để giải quyết dứt điểm bãi rác này để còn đi dọn chỗ khác nữa. Đồng thời cuối tuần này (11-12/5), Tuấn cần 100 người để cùng chiến ạ".
Theo chia sẻ, số tiền Anh Tuấn nhận được hiện đã vượt qua con số mong chờ ban đầu, sẵn sàng hoàn thành nốt đoạn đường cuối để trả lại vẻ đẹp cho Sơn Trà.
Nhóm bạn trẻ đi men đường núi để vận chuyển rác về bãi tập kết.
Việc di chuyển như này khá khó khăn và nguy hiểm.
Thuyền là một trong những giải pháp an toàn, thuận tiện nhất nhưng đắt nhất.
Hành trình đưa rác vào đất liền.
Từng bao tải rác khổng lồ được đưa vào bờ. Hầu hết rác đã được phân loại sau khi thu gom.
Một trong những khó khăn nhất khi dọn rác giữa tiết trời sang hè là thời tiết. Sơn Trà là bán đảo rất rộng lớn và thực chất cũng không quá đông người sinh sống. Mùa hè nóng nực mà trên bãi hầu như trống không, không một bóng cây che mát, nhóm của Anh Tuấn rất mau xuống sức.
"Vấn đề rác thải đang rất nhức nhối trên toàn cầu, nên cần mọi người chung tay mạnh hơn. Mình nghĩ không nhất thiết các bạn phải đi đến tận nơi, thu nhặt và phân loại rác như tụi mình mới gọi là đã tham gia phong trào. Chỉ cần các bạn thay đổi tư duy về sử dụng túi nilon, các sản phẩm từ nhựa và hành vi bảo vệ môi trường trong suy nghĩ thì các bạn đã có một "Before - After" nho nhỏ trong nhận thức. Từng đó cũng đã là 1 kì tích và giúp phần nào chúng mình không phải đi nhặt rác ở những bãi rác phát sinh trong tương lai".
Anh Tuấn chia sẻ, cùng lời hứa, không chỉ dừng lại ở Sơn Trà, mà còn tiếp tục chinh phục những bãi rác "bị lãng quên" khác.