Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt và xã hội thay đổi nhanh chóng, trách nhiệm của cha mẹ không chỉ là đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn cho con cái những "của cải" quý giá hơn.
Dưới đây là 4 "báu vật" mà cha mẹ nên truyền lại cho con cái để bảo vệ con suốt cuộc đời.
Ảnh minh họa
1. Tự lực cánh sinh
Ngày nay, nhiều gia đình có xu hướng chiều chuộng con cái quá mức và coi chúng như những hoàng tử, công chúa nhỏ. Tuy nhiên, sự nâng niu quá mức này có thể làm suy yếu khả năng tự lập của trẻ, khiến trẻ mất khả năng sinh tồn khi rời xa gia đình. Nhiệm vụ đầu tiên trong việc giáo dục trẻ vì thế chính là rèn luyện tính tự lực, sau đó trau dồi kiến thức.
Một người biết tự lập có thể tự mình đương đầu với những thử thách trong cuộc sống và không còn cần phải dựa dẫm quá nhiều vào cha mẹ. Khái niệm tự lực cánh sinh này là nền tảng cho sự thịnh vượng liên tục của một gia đình. Dù gia tài có giàu đến đâu, nếu con cái không có khả năng tự lập thì tài sản này có thể bị mất đi.
2. Trau dồi cho con chỉ số nghịch cảnh
Tác giả của chỉ số AQ (chỉ số vượt nghịch cảnh) Paul G.Stoltz nói: "Người tốt vẫn có thể là người không bền lòng theo đuổi mục đích. Dù biết đó là mục đích cao đẹp nhưng họ không đủ can trường để đi tới. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mục đích cao đẹp luôn đi kèm với những thử thách cực kỳ khó mà chỉ ai dám vượt khó mới có thể tới đích". AQ chính là chỉ số quyết định sự thành công của một người. Nếu thiếu AQ thì EQ (trí tuệ cảm xúc) và IQ (chỉ số thông minh) có cao đến mấy cũng không làm nên chuyện lớn.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ quá chú trọng đến EQ và IQ của con mà bỏ qua tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng chỉ số vượt nghịch cảnh. Tình trạng này khiến nhiều trẻ trở nên mỏng manh, không thể đương đầu với những thăng trầm trong cuộc sống.
Một trong những cách tốt nhất và đơn giản nhất để phát triển AQ là khuyến khích con chơi thể thao. Những hoạt động này mang tính cạnh tranh cao và thể thao cũng có thể dạy cho con rất nhiều bài học cuộc sống. Bố mẹ cần rèn cho con thói quen nhìn vào khía cạnh tươi sáng của vấn đề, khuyến khích con đưa ra các giải pháp.
Đồng thời, bố mẹ cần cho trẻ trải qua một số tình huống khó khăn. Ví dụ, con đã quên làm bài tập ở trường và ngày nộp bài đã hết. Nếu trẻ đủ lớn để tự mình trao đổi với thầy cô, trẻ nên trực tiếp nói lời xin lỗi với thầy cô. Khi trẻ lớn lên, bố mẹ nên lùi lại và để đứa trẻ điều hướng trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải can thiệp nếu đứa trẻ bị đối xử bất hợp lý hoặc bị thao túng theo một cách nào đó.
3. Trí thông minh tài chính
Một ông chủ đã nói với con trai mình trước khi qua đời: "Cha không yêu cầu con thành công trong sự nghiệp. Cha chỉ yêu cầu con cố gắng hết sức, thận trọng và làm tốt công việc của mình".
Của cải của gia đình cũng cần có sự quản lý và bảo vệ hợp lý. Cha mẹ nên giáo dục con hành động trong khả năng của mình, thận trọng không đặt mục tiêu quá cao mà phát triển vững chắc trong phạm vi thực tế. Muốn vậy, cha mẹ cần trau dồi cho con trí thông minh tài chính. Trẻ càng biết sớm về quản lý tài chính, cụ thể như chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, tích luỹ, bảo vệ tài sản và thậm chí là đầu tư sớm thì càng có xu hướng quý trọng tiền bạc và sức lao động của bố mẹ.
Theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này.
4. Khiêm tốn, không làm mất lòng người khác
Cha mẹ nào cũng mong con mình có thể sống một cuộc sống bình yên, êm ấm, dù không giàu có cũng không sao. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, bình yên không phải là điều dễ dàng đạt được. Trong một xã hội đầy cạnh tranh và tính toán, con người thường khó tránh khỏi việc khơi dậy sự ghen tị và thù địch từ người khác. Vì vậy, cần phải áp dụng các chiến lược thận trọng để duy trì hòa bình.
Chiến lược này là "nhẹ nhàng như nước". Cho dù bạn giàu có hay thành đạt đến đâu, hãy giữ kín đáo. Quá phô trương sẽ chỉ khiến bản thân trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận.
Nếu một người không biết kiềm chế lời nói và việc làm của mình thì dù cuộc sống có tốt đẹp đến đâu cũng có thể gặp rắc rối bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta nên giáo dục con cái không nói những điều không nên nói, không làm những điều không nên làm và không thể hiện quá nhiều.
Sự khôn ngoan khiêm tốn có thể giúp chúng ta tránh xa những tranh chấp không cần thiết và bảo vệ tính mạng cũng như của cải. Trong xã hội, chúng ta thường không thể hoàn toàn kiểm soát được vận mệnh của mình, nhưng bằng cách giữ thái độ khiêm tốn, mọi người có thể giảm thiểu rủi ro và sống một cuộc đời suôn sẻ.