Là một nhân tố quan trọng đứng đằng sau sự thành công của nhiều mùa Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, CEO Trần Việt Bảo Hoàng (SN 1991) trở thành cái tên thu hút sự chú ý không chỉ của fan sắc đẹp mà còn đông đảo khán giả trẻ. Hiện tại, anh là CEO của Công ty CP Hoàn Vũ Sài Gòn (UNICORP), UNIMEDIA Agency và là phó ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Ngoài ra Bảo Hoàng cũng là chủ một quán cafe và nhà hàng ở Đà Lạt.
Trước đó CEO Bảo Hoàng cũng là một chàng trai Nha Trang bình thường, vào TP.HCM học tập và lập nghiệp như bao người trẻ khác. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Quản trị Kinh doanh Quốc tế trường ĐH Ngoại thương, anh trở thành CEO của UNICORP năm 26 tuổi.
Và CEO Bảo Hoàng cũng chính là khách mời tập 3 của GenZ Khôn(G) Lớn với sự dẫn dắt của MC Khánh Vy. Với chủ đề "lifelong learning" - chuyện học tập trọn đời, chắc chắn buổi trò chuyện của Khánh Vy và anh Bảo Hoàng sẽ giúp ích được cho các Gen Z hiểu hơn về chủ đề này, việc tôi luyện bản thân và chinh phục thành công như thế nào, nhất là ở thời điểm các bạn trẻ 2k4 vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khi được hỏi 3 từ để nói về bản thân, Bảo Hoàng đưa ngay từ đầu tiên là điềm tĩnh. Đây là một tính cách tốt nhưng bản thân CEO trẻ tuổi cũng thừa nhận đôi khi điềm tĩnh quá cũng khiến người khác bực mình: "Tôi sẽ là người bình tĩnh, suy nghĩ mọi chuyện rất kỹ lưỡng. Khi mọi thứ xảy ra, mọi người muốn phải đối diện liền, nói chuyện liền thì mình sẽ dành thời gian lùi lại 1 bước, suy nghĩ vấn đề kỹ hơn 1 chút để giải quyết vấn đề".
Từ thứ 2 mà Bảo Hoàng lựa chọn là sống nội tâm và điều này hơi mâu thuẫn với công việc hiện tại - cần nhiều ngoại giao. Anh khẳng định mình vẫn sẽ làm tất cả những yêu cầu của công việc một cách chuyên nghiệp nhưng nếu được chọn thì sẽ dành thời gian cho bản thân. Vì vậy cách để Bảo Hoàng hồi phục năng lượng là ở một mình.
Dù đã dựa trên những đặc điểm này, MC Khánh Vy lại đoán không đúng về cung hoàng đạo của CEO Bảo Hoàng. Nam CEO cho biết mình là kiểu người rất tò mò với thế giới xung quanh và thuộc cung Nhân Mã. Nói rõ hơn về sự tò mò, Bảo Hoàng cho biết: "Tò mò cũng là tính từ có 2 mặt nên tôi luôn giữ sự tò mò của mình ở trạng thái hiếu kỳ tích cực. Nếu sự hiếu kỳ dẫn đến những kết quả tốt hơn cho mình thì mình nên hiếu kỳ. Còn mình chỉ hiếu kỳ một câu chuyện như tranh cãi trên mạng, clip được phát tán hay đi trên đường mình thấy một đám đông thì hiếu kỳ đó không dẫn đến đâu. Đó chỉ là chuyện vô bổ nên thường tôi không quan tâm đến chuyện đó.
Sự hiếu kỳ của tôi là tôi không chịu đựng được việc mình không biết. Ngay lập tức mình phải tìm kiếm ngay hoặc hỏi người đối diện nếu mình nghĩ họ biết. Người ta có từ ham học hỏi đó, sự hiếu kỳ đó nó bắt mình không ngừng học và không ngừng hỏi. Nếu mình không biết thì mình phải hỏi cho bằng được. Nếu người ta không trả lời được thì mình phải bắt họ ngồi xuống anh em mình cùng search Google. Nếu Google không có thì mình phải tìm tên chuyên gia trong lĩnh vực đó để lần sau có gặp thì hỏi cho ra chuyện. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho mình trong tư duy phản biện, khi gặp vấn đề thì mình đã biết cái này nhưng cũng có cái mình chưa biết nên sẽ cố gắng hiểu biết về nó nhiều nhất có thể".
Là một người ham học và ham hỏi nhưng CEO Bảo Hoàng cũng hiểu rõ nỗi ngần ngại, lo lắng khi muốn hỏi một vấn gì đó vì: "Khi người ta trẻ thì sợ bị đánh giá là non trẻ, khi người ta già thì bị đánh giá là già mà vẫn ngốc. Bản thân tôi cũng sợ bị đánh giá là làm tới CEO mà chuyện đó cũng không biết. Nhưng cuối cùng mình vẫn phải chấp nhận 1 sự thật cơ bản là mình không thể biết hết tất cả mọi thứ".
Lấy ví dụ của bản thân, Bảo Hoàng cho biết đôi khi nhân viên trình bày với mình cũng có rất nhiều thứ anh không biết phải hỏi "Cái này là sao?", "Cái kia là sao?", "Họ nói vậy nghĩa là sao? Anh không hiểu",... Ngay cả là vấn đề đã hiểu rồi thì Bảo Hoàng vẫn lựa chọn cách không tự quy định mình đã hiểu hết để hỏi lại. Cuối cùng là cùng người đó tìm hiểu thêm 1 lần nữa cho chắc rồi mới đưa ra phương án giải quyết vấn đề.
Theo nam CEO, kỹ năng đặt câu hỏi cũng rất quan trọng. Anh khuyến khích đặt câu hỏi nhưng không phải bạ đâu hỏi đấy, hỏi vô tội vạ vì như thế đối phương sẽ khó chịu. Thế nên mình phải cung cấp cho bản thân kiến thức nền để hệ thống lại cái gì nên hỏi để phát triển thông tin trên một vấn đề nào đó để cuộc đối thoại hiệu quả hơn.
Nói về chuyện học tập khi còn là học sinh - sinh viên, có thể xem CEO Bảo Hoàng chính là "con nhà người ta" trong truyền thuyết. Anh cho biết mình thường ít khi đứng nhì, chỉ trừ tốt nghiệp ĐH là Á khoa và đi học bằng học bổng.
"Vì cơ bản là tôi thích học, trước khi lên lớp tôi đã học xong rồi. Và lên lớp thì tôi dành thời gian nghiền ngẫm những lời thầy cô chia sẻ. Trong đầu tôi luôn có rất nhiều câu hỏi cho thầy cô. Hồi đó tôi thấy mình rất phiền phức... Tôi may mắn gặp được nhiều giáo viên khuyến khích điều đó nên tôi thấy hành trình học tập của mình khá suôn sẻ. Thế nên tôi thích học và thích cái giai đoạn đi học của mình lắm" - Nam CEO chia sẻ.
Về lý do yêu thích việc học, Bảo Hoàng cho biết có 2 lý do chủ quan và khách quan. Đầu tiên là hoàn cảnh sống giúp anh một mình và không có việc gì khác ngoài tạo niềm vui với sách vở, làm bạn với sách vở. Với nam CEO, học, làm bài, đọc sách giống như một thú vui giết thời gian. Thứ 2 là lý do chủ quan, Bảo Hoàng không muốn mình bị động, hay là nạn nhân hay bị ép làm việc đó như bị ép đến trường đi học. Đến thời gian đại học, CEO không thường xuyên đến trường mà lại tham gia ngoại khóa và các cuộc thi. "Vì tôi muốn trau dồi kỹ năng mềm và những năm cấp 3 tôi đã thu mình quá nhiều vào sách vở rồi" - Bảo Hoàng giải thích. Để tổng kết lại cách thức học tập của mình, nam CEO cho biết mình học một cách chủ động và linh động.
Khi được hỏi về học bị động, CEO Bảo Hoàng bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ đó là một người bị ép phải học quá nhiều điều mà mình không thích hoặc không thể tìm thấy niềm vui trong việc học. Có nhiều lý do cho vấn đề này. Có thể từ nhỏ bị quy định vào trong thành tích và mình liên tục không đạt được thành tích và mình cảm thấy đây là hành trình khó thành công được. Có nhiều bạn trẻ bị áp lực thành tích từ nhà trường và gia đình như vậy. Nếu bước vào đường chạy mà mình đã cảm thấy mình không thể nào là người chiến thắng được thì rất khó để lết chân đi chạy".
Đối với trường hợp của bản thân, Bảo Hoàng cho biết mình là người khắc kỷ, không muốn đổ lỗi cho ai hết. Khi mình dấn thân vào một chỗ mà thấy bị động, không muốn làm thì anh sẽ chọn chỗ khác để thấy chủ động hơn.
Toàn diện là vậy nhưng nam CEO cũng không ngại thừa nhận điểm yếu của bản thân: "Tôi không biết mình mạnh điểm nào nhưng tôi biết mình yếu cái gì từ rất sớm". Và đó là điểm yếu về âm nhạc. Trước đây Bảo Hoàng rất xấu hổ về điều này nhưng bây giờ thì đã xem đó như là 1 đặc trưng của bản thân. Lấy ví dụ thêm về những cuộc thi Hoa hậu mà mình đang phụ trách, Bảo Hoàng nói: "Mọi người hay hình dung là Hoa hậu phải hoàn hảo, phải giỏi tất cả mọi thứ đúng không? Nhưng tôi luôn cố gắng cắt nghĩa rằng Hoa hậu cũng là một người bình thường, cũng có điểm yếu và không thể nào làm tốt tất cả mọi thứ".
Theo Bảo Hoàng, khi gặp vấn đề nào đó thì kỹ năng phản biện cực kỳ quan trọng. Điều này giúp tiếp cận và giải quyết vấn đề ở mọi góc nhìn. "Tôi có một cụm từ hơi dân giã là nghi ngờ tất cả. Chắc đó là tố chất để tôi làm quản lý" - CEO Bảo Hoàng nói.
Trong 5 năm làm CEO và mỗi năm Bảo Hoàng đều vỡ ra nhiều vấn đề. Mỗi mùa Hoa hậu Hoàn vũ anh đều cố gắng hết sức vì không muốn nuối tiếc khi nhìn lại. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không có sai sót hay có thể làm một việc nào đó tốt hơn. "Không ai đi làm CEO ở năm 26 tuổi mà xác định rằng nó sẽ êm đềm hết nên mình chủ động thôi. Mình biết trước đang lao vào đại dương gì thì sẽ bớt than thân trách phận hay 'Sao mọi thứ khó khăn thế?'. Mọi thứ khó khăn là đương rồi. Nếu muốn dễ hơn thì an nhàn ở vị trí khác được rồi còn chính mình lựa chọn thử thách đó mà" - nam CEO giãi bày. Ngoài ra Bảo Hoàng cũng khẳng định sáng tạo có thể có hạn nhưng tư duy cải tiến phải luôn có: "Cái này có cách nào làm khác không? Mới hơn không? Tốt hơn không?".
Đây cũng chính là một trong những lý do để khi nhìn lại, CEO Bảo Hoàng không bao giờ mình thấy mình đứng yên: "Thật ra khi nhìn lại không bao giờ mình thấy mình đứng yên hết, luôn luôn là thế. Nếu mình không đẹp lên thì mình cũng giỏi lên, nếu mình không giỏi lên thì mình cũng già đi. Chứ trong một tư duy hay một trải nghiệm nào đó, làm gì có ai mà đứng yên, chỉ là mình tự mặc định và tại mình không chấp nhận thôi.
Nếu là tôi ngay từ đầu thì tôi xác định là mình phải thay đổi hướng tiến lên. Không bao giờ mình muốn nhìn lại mà thấy tiếc, sao hồi xưa mình đẹp thế, hồi xưa mình hay thế. Mình luôn muốn nhìn lại và thấy rằng bây giờ mình hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn và luôn luôn tiến lên một cái bức nào đó so với hồi xưa. Nếu đã xác định sẽ tiến lên thì tôi lúc nào cũng cố gắng để tiến lên nhanh nhất và nhiều nhất có thể".
Về chuyện chỉ có học trọn đời (life long learning) mà không có người học trọn đời (life long learner), CEO Bảo Hoàng chia sẻ quan điểm: "Vì tất cả mọi người đều là người học trọn đời hết chỉ là họ có biết hay không thôi. Mình sẽ luôn dành cả cái cuộc đời này để học, tại vì mỗi biến cố xảy ra với mình cũng là một bài học đúng không? Một cuốn sách mình đọc là một bài học, một cái người mình gặp cũng có thể cho mình một bài học, một câu chuyện nhỏ cũng là một bài học. Thế thì 'life long learning' chỉ là tâm thế thôi, nếu mình xác định là đằng nào cũng phải học thì mình phải học nó chủ động. Nếu mình biết là tất cả những thứ đó xảy ra giúp cho mình được trang bị thêm một cái gì đó, thì ngay từ đầu mình nên dấn thân vào việc học đó một cách chủ động hơn".
Chủ động theo Bảo Hoàng gồm: Luôn tích cực với những điều sắp đến dù nó tích cực hay không tích cực, tốt hay không tốt; luôn có một bài học nào đó được rút ra và luôn có tâm thế tiến lên phía trước; luôn đón nhận mọi thứ với sự khiêm nhường để học được nhiều hơn và tiến xa hơn.
Cuối cùng, CEO Bảo Hoàng khẳng định những gì học được ở nhà trường chỉ là cái nền cơ bản còn hành trình học của mỗi người thật ra bắt đầu sau đó:
"Khi tôi đi học không có cái định nghĩa nào là 'life long learning' hết. Lúc đó tôi học theo cái cách mà ai cũng học. Học là một cái thiết yếu và mình chạy theo hệ thống mà mình có điểm để tốt nghiệp, tốt nghiệp để có bằng, có bằng để mình ứng tuyển vào một vị trí nào đó khi đi làm. Thế thôi! Còn học tập trọn đời là một tâm thế mà mình xác định được càng sớm thì mình sẽ bứt ra được khỏi vòng xoáy đó vì có rất nhiều lựa chọn trong hành trình mình đi học. Có nhiều người sẽ rẽ sang học nghề, có nhiều người sẽ phát triển và không cảm thấy mình kém cỏi nếu mình không học giỏi hết tất cả các môn.
Nếu các bạn trẻ đi học thấy mình không thể làm tốt tất cả những yêu cầu của nhà trường hay xã hội đặt ra trên cái khuôn mẫu một tấm bằng xuất sắc, khuôn mẫu mình phải giỏi toàn bộ các môn thì tôi nghĩ người ấy cũng đừng vội thấy mình không có giá trị hay vội cảm nhận mình không thể trở thành một ai đó trong cái xã hội này. Tôi cũng hy vọng sự thay đổi của mỗi người và của cả cái hệ thống giáo dục, từng bước từng bước sẽ giúp cho mỗi người được khai phóng nhiều hơn, để người ta nhận ra là tất cả giáo dục của nhà trường chỉ là nền tảng thôi, hành trình học của các bạn thật ra bắt đầu sau đó".
GenZ Khôn(G) Lớn là chuỗi series podcast về những câu chuyện xoay quanh Gen Z. Tại đây, Host Khánh Vy sẽ cùng khán giả đi tìm câu trả lời cho những vấn đề về cá tính, lối sống, cách định hình bản thân của Gen Z trên hành trình trưởng thành. Với 10 tập phát sóng cùng sự tham gia của hàng loạt khách mời đa dạng ở nhiều lứa tuổi, lĩnh vực, mức độ trải nghiệm cuộc sống, podcast này sẽ khai thác được nhiều nội dung hay ho, thú vị và bất ngờ cho người xem. Podcast sẽ được phát sóng tại app Kenh14.vn lúc 20:00 thứ Sáu mỗi tuần.